Hơn 320.000 hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo

07:01, 04/01/2015

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014, có 323.200 hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, vượt kế hoạch 3,4%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 7,4% năm 2013, đến cuối năm 2014 giảm còn 5,7%.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014, có 323.200 hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, vượt kế hoạch 3,4%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 7,4% năm 2013, đến cuối năm 2014 giảm còn 5,7%.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Trong năm 2014, toàn vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần nâng mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013 là 9%, tương đương 113.198 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Các tỉnh đầu tư 232.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp, xây mới các tuyến giao thông huyết mạch gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Các tỉnh ưu tiên thực hiện chính sách khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp truyền thống đồng thời tiêu thụ hàng hóa với giá cả ổn định;

chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với lao động nghèo bằng cách mở rộng dạy các nghề công, nông nghiệp cho hơn 207.000 lao động, tạo việc làm cho 387.000 người; thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cho hộ nghèo vay tín chấp 1.616 tỷ đồng phát triển sản xuất.
 
Riêng các tỉnh vùng lũ đã xây dựng các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, ổn định chỗ ở cho 138.000 hộ, trong đó có 27.000 hộ nghèo.

Ðối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở được giao đất để làm nhà ở, được hỗ trợ bằng tiền để làm các ngành nghề hoặc để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp.
 
Cá biệt đối với một số hộ trước đây đã chuyển nhượng, thế chấp đất sản xuất, nay không còn đất, nhưng thật sự có kinh nghiệm sản xuất, có nhu cầu đất để sản xuất và được người nhận chuyển nhượng, thế chấp đồng ý cho chuộc lại đất với giá thấp hoặc vận động được bà con thân tộc nhượng bán với giá rẻ thì được nhận vốn vay theo nhu cầu (tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ) theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thực hiện tốt 9.875 dự án nhỏ giải quyết việc làm cho gần 100.000 người nghèo.

Năm 2015, đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu giảm thêm 254.000 hộ nghèo bằng cách thực hiện hai giải pháp chính là: cho các thành phần kinh tế vay 125.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp tăng thêm 126.000 tỷ đồng so năm 2014; đồng thời thực hiện 11.000 dự án nhỏ với tổng vốn cho vay 220.000 tỷ đồng nhằm giải quyết thêm việc làm cho người lao động nghèo trong vùng.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh