Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những vấn đề nhức nhối mà xã hội lên án, làm vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. BLGĐ là kẻ thù phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Xóa bỏ bạo lực, xây dựng gia đình văn hóa. (Ảnh mang tính minh họa)
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những vấn đề nhức nhối mà xã hội lên án, làm vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. BLGĐ là kẻ thù phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Nhìn lại 5 năm triển khai mô hình “Can thiệp, phòng chống BLGĐ”
BLGĐ là vấn đề mang tính toàn cầu, bao gồm các yếu tố bạo hành về thể chất, tinh thần và cả hình thức bạo lực tình dục, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay thì vấn đề bạo lực tinh thần đang dần phổ biến. Tình hình BLGĐ tại tỉnh Vĩnh Long từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2014 đã có 2.357 trường hợp BLGĐ.
Người gây ra BLGĐ đại đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già và trẻ em. Nguyên nhân của các vụ việc bạo lực chủ yếu là do bất bình đẳng trong phân công lao động giữa vợ và chồng, do bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình, ghen tuông, khó khăn về kinh tế và từ tệ nạn rượu chè, cờ bạc…
Trước tình hình biến động của vấn nạn này, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu UBND tỉnh thành lập BCĐ mô hình “Can thiệp, phòng chống BLGĐ”.
Đến nay, qua 5 năm thực hiện, mô hình đã được nhân rộng ra 40 xã- phường; trên địa bàn tỉnh có 9 BCĐ cấp huyện- thị- thành, 40 BCĐ cấp xã, phường, thị trấn; thành lập gần 180 CLB gia đình phát triển bền vững, có 5.400 thành viên; 210 nhóm phòng, chống BLGĐ, có 550 thành viên và 40 tổ tư vấn hòa giải để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, can thiệp phòng chống BLGĐ.
Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng sinh hoạt cho BCĐ các cấp và ban chủ nhiệm các CLB, nội dung là những văn bản luật, các nghị định, thông tư, hướng dẫn và các chuyên đề có liên quan. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, ấp với gần 800 cuộc, khoảng 65.000 lượt người nghe.
Qua thực hiện, mô hình đạt được kết quả khả quan. Trước khi triển khai thực hiện mô hình tại các địa phương, đã phát hiện 540 vụ BLGĐ, đa phần các đối tượng do say xỉn, có tư tưởng gia trưởng, ghen tuông, con cái ngược đãi ông bà, cha mẹ,…
Qua tuyên truyền vận động, đến nay đã có 377 trường hợp có chuyển biến tốt, nhận thức được trách nhiệm, còn lại 165 trường hợp vẫn còn vi phạm, các thành viên của BCĐ tiếp tục vận động, giáo dục.
Bà Lê Thị Kim Liên- Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, nhìn chung những địa phương triển khai mô hình đều hoạt động đạt hiệu quả thể hiện qua các vụ việc kéo giảm đáng kể khi mô hình đi vào hoạt động, có địa phương không còn vụ bạo lực nào.
Hơn nữa đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về tuân thủ các chính sách pháp luật, mô hình là giải pháp thiết thực đưa luật vào cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình văn hóa.
Phát huy những mô hình hiệu quả
Tại các địa phương đã thành lập các nhóm can thiệp, phòng chống BLGĐ và đi vào hoạt động hiệu quả, điển hình như xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long với 5 CLB và 5 nhóm can thiệp, phòng chống BLGĐ đã tổ chức can thiệp, hòa giải, tư vấn bằng các hình thức giáo dục nhắc nhở trong các buổi sinh hoạt, góp ý phê bình tại khu dân cư, thậm chí thực hiện xử phạt hành chính, vì vậy nhiều đối tượng đã có chuyển biến tốt.
Theo ông Trần Quang Đông- Phó BCĐ Phòng chống BLGĐ phường Cái Vồn (TX Bình Minh), sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình, công tác phòng, chống BLGĐ ở phường đi vào nề nếp và đem lại hiệu quả đáng kể.
Phường Cái Vồn đã thành lập các CLB Gia đình phát triển bền vững; các nhóm can thiệp để thường xuyên sinh hoạt tuyên truyền diện rộng và chiều sâu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình,...
Nhờ vậy, sau mỗi năm số vụ BLGĐ chỉ còn 2/3 số vụ của năm trước (năm 2012 là 36 vụ, năm 2013 là 14 vụ). Trong năm 2014, không có xảy ra vụ BLGĐ, mà chỉ có 15 trường hợp có nguy cơ BLGĐ đang được theo dõi diễn biến để có biện pháp ngăn ngừa thích hợp.
Mô hình CLB gia đình phát triển bền vững của 2 ấp Trung Hưng- Rạch Ngay (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) qua 2 năm thành lập cũng đi vào hiệu quả. Ban chủ nhiệm xây dựng kế hoạch và quy chế hoạt động cụ thể, định kỳ 2 tháng sinh hoạt 1 lần, luân phiên mỗi ấp.
CLB đã kết hợp với tổ hòa giải tư vấn và cảm hóa thành công 4 vụ BLGĐ, giải đáp thắc mắc, nâng cao hiểu biết cho nhiều người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là giúp mọi người hiểu được hành vi BLGĐ là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.
Bà Lê Thị Kim Liên cho biết thêm, hướng tới BCĐ cấp tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại các địa phương; đồng thời BCĐ mô hình các cấp sẽ tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên; nâng cao vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể để mô hình ngày càng đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin