Gắn kết đạo- đời từ lòng nhân ái

07:01, 08/01/2015

Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, chư tăng và phật tử chùa Sơn An (ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức- Long Hồ) đã có những đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, chư tăng và phật tử chùa Sơn An (ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức- Long Hồ) đã có những đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, giúp đỡ bệnh nhân nghèo.


Đại đức Thích Tịnh Hòa (đứng bên trái) luôn tận tâm với công tác khám chữa bệnh từ thiện.

Theo chân một phật tử đến chùa Sơn An trị bệnh, cảm nhận được sự thoáng mát, không khí trong lành khi xung quanh khuôn viên được bao phủ bởi những nhành lan đua nhau khoe sắc thắm.

Bên hông chánh điện là khu điều trị bệnh, khá sạch sẽ. Bệnh nhân và người nhà có thể thoải mái ngồi chờ tới lượt khám với bình trà thảo dược được pha sẵn giúp làm dịu sự mệt mỏi.

Đại đức Thích Tịnh Hòa- trụ trì chùa kể, sau nhiều năm nhân giống và chăm sóc, đến nay chùa đã có hơn 2.000 dò lan, đủ sắc màu để phật tử thưởng lãm và cũng để… làm kinh tế phụ cho nhà chùa. Cùng với đó, Đại đức còn lập ra phòng vật lý trị liệu, châm cứu, xung điện, cấp thuốc Đông y cho người nghèo với 7 y- bác sĩ hàng ngày túc trực, sẵn sàng phục vụ cho
bệnh nhân.

Đang chờ tới lượt khám, bà Lâm Thị Sáu (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) cho biết, bà mang trong mình khá nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, đau nhức khớp... Bà đã đi rất nhiều nơi để điều trị bệnh. Riêng tại chùa Sơn An, bà cảm thấy rất hài lòng vì khu điều trị khá sạch sẽ, thoáng mát, lại được các y- bác sĩ chăm sóc và điều trị rất tận tình, chu đáo. Hiện,
bệnh tình của bà đã thuyên giảm rất nhiều.

Đang ngồi chặt nhánh cây me tây biển vừa được các chư tăng, phật tử của chùa đi tầm ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) về, bà Lê Thị Bốn (88 tuổi) kể: “Tui tới đây làm công quả từ lúc chùa mới được xây dựng cho đến nay. Ngay từ khi còn trẻ, cứ lúc nào “quởn” là tui chạy lại xem có gì phụ giúp được thì làm”.

Tay cầm kéo cắt lá me tây biển, bà Lê Thị Lan (73 tuổi) cho biết, “khoảng 3 năm nay, bất cứ lúc nào rảnh là tui tới chùa làm công quả, giúp được mọi người là thấy vui rồi”.


Đối với các phật tử, việc đến chùa làm công quả và góp sức cho công tác từ thiện là niềm vui.

Theo Đại đức Thích Tịnh Hòa, trước đây, thầy đã có gần 10 năm tổ chức các đoàn khám chữa bệnh từ thiện ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, sau mỗi đợt khám về, không có dịp để theo dõi tình trạng bệnh đã tiến triển hoặc thay đổi như thế nào. Những chuyến đi như thế giống như... “cỡi ngựa xem hoa”. Để nâng cao chất lượng chữa bệnh, nhất là muốn trị bệnh dứt điểm cho bệnh nhân, nên thầy quyết định mở phòng khám từ thiện.

Điều đáng ghi nhận nữa là vào chủ nhật mỗi tuần, chùa còn tổ chức bán khoảng 1.000 suất cơm xã hội cho công nhân với giá 3.000 đ/suất. Đại đức Thích Tịnh Hòa cho biết, do các xã ven sông Cổ Chiên có nhiều lò gạch, đời sống nhân công còn nhiều khó khăn, nên việc cung ứng cơm như vầy rất là cần thiết.

Hiện, Đại đức Thích Tịnh Hòa vẫn còn đang ấp ủ nhiều kế hoạch, với mong muốn giúp các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn; cũng như hướng dẫn kỹ năng sống cho các bạn trẻ tự tin bước vào đời.

Bài, ảnh: THỤY VŨ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh