Nhiều người thường nói đùa giáo viên mầm non là người giữ con người ta bỏ con mình, ngẫm ra cũng đúng. Có mấy ai hiểu rằng, những cô nuôi dạy trẻ đã đến và gắn với nghề bằng cái tâm của người mẹ, tri thức của người thầy.
Chỉ có tình yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô giáo mầm non làm tốt nhiệm vụ của mình.
Nhiều người thường nói đùa giáo viên mầm non là người giữ con người ta bỏ con mình, ngẫm ra cũng đúng. Có mấy ai hiểu rằng, những cô nuôi dạy trẻ đã đến và gắn với nghề bằng cái tâm của người mẹ, tri thức của người thầy.
Quyết làm cô giáo mầm non
4 giờ chiều, cô giáo mầm non chờ phụ huynh rước đến em bé cuối cùng mới được về nhà với con mình, lúc này thì trời đã tối. Sáng sáng, cứ 6 giờ 15 là các cô đã có mặt ở trường để đón trẻ. Ở những cấp học khác, học sinh chờ giáo viên nhưng ở cấp mầm non thì giáo viên chờ học sinh.
Thế nhưng có nhiều bạn trẻ vẫn chọn ngành sư phạm mầm non và gắn với trường, với lớp bằng cả tấm lòng yêu trẻ. Bạn Nguyễn Thảo Trang- ngành giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long đến với nghề bằng niềm đam mê như thế. Trang cho biết: “Em chỉ nộp một hồ sơ thi vào ngành này thôi”.
Qua thời gian thực tập ở năm 2, Trang đã hiểu được những khó khăn, vất vả của cô giáo mầm non. Trang nói: “Ban ngày thì dạy suốt ở trường, đi sớm, về muộn, tối thì làm đồ dùng. Đồ dùng dạy học của mầm non nhiều lắm mà toàn tự làm thôi”.
Cũng như Trang, bạn Võ Thị Hoa Phụng học cùng lớp đã được “thực tập” giữ cháu ở nhà từ nhỏ, lớn lên Phụng chọn làm cô giáo mầm non.
4 tuần thực tập ở Trường Mầm non A đối với Phụng là những ngày thử thách và chỉ có những người yêu nghề mới trụ được: “Các bé mầm non thường rất hiếu động và nghịch ngợm, phải hiểu được tâm lý của trẻ, phải dịu dàng, nhỏ nhẹ thì trẻ mới nghe, mà chiều chuộng bé quá thì bé lại lì”- Phụng nói.
Trong chương trình học, Phụng đã được học nhiều môn kỹ năng, tâm lý,… nhưng khi áp dụng ngoài thực tế thì vẫn còn nhiều việc chưa hiểu hết. Kỳ thực tập đã giúp Phụng học được nhiều hơn.
Không yêu trẻ, xin đừng chọn nghề này
Hầu hết các cô giáo mầm non đều khuyên rằng “không yêu trẻ, đừng nên chọn nghề này”. Tại sao vậy? Nếu bạn chỉ nghĩ đến vấn đề việc làm và “đỡ tốn tiền học phí” hay do cha mẹ mong muốn mà đến với nghề thì bạn sẽ không trụ được lâu.
Đó là chưa tính đến trường hợp bạn vì không “kiềm chế nổi” mà có thể bạo hành trẻ. Cô Nguyễn Thị Ngọc Châu- giáo viên Trường Mẫu giáo Phước Hậu (Long Hồ) tình cờ đến với ngành nhưng bén duyên và yêu học trò luôn từ đó. “Nghỉ tết là thấy nhớ trường, nhớ học trò nhiều lắm”- cô Châu tâm sự.
Mà làm cô giáo mầm non, giữ những “cục vàng” cho phụ huynh cũng không ít khó khăn. Với số lượng 1 giáo viên/1 lớp hơn 30 cháu như ở Trường Mẫu giáo Phước Hậu là áp lực rất lớn. Các bé thường nghịch ngợm, xô đẩy và đôi khi đánh nhau, cắn nhau,…
Cô Châu nhớ một lần ra sân chơi cầu tuột, cô quẩn quanh với nhiều học trò. Có một em nghịch ngợm ngồi ngửa ra tuột xuống. “Vừa nhìn thấy, tôi đã bổ nhào tới chống hai khuỷu tay, hai đầu gối xuống nền xi măng đỡ học trò. Kết quả là học trò bị xây xát nhẹ, còn cô giáo bị trầy hết tay chân”- cô Châu kể lại vụ việc mà vẫn còn hồi hộp.
4 năm vào nghề, cô giáo Châu hiểu và cảm được cái ngành của mình. Cô Châu tâm sự: “Nhiều người cho là cô giáo mầm non chỉ giữ trẻ cho trẻ hát là xong.
Nghe được điều này, tôi buồn lắm và quyết tâm dạy cho học sinh ngoan, biết nhiều, có kỹ năng sống,… để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của cấp học này”. Nói về những cảnh bạo lực trẻ em trên mạng, cô Châu bức xúc, nói lại rõ ràng từng chi tiết: “Một tô cơm mà đút cho 3 đứa trẻ, thật không thể tin được,… Nhìn cảnh đứa bé vừa khóc vừa ăn, tôi đã rớt nước mắt”.
Một giáo viên mầm non ở TP Vĩnh Long than rằng: “Các cháu bây giờ đều là con cưng, nghịch và có khi hỗn nhưng nếu cô giáo mà đụng vô chút là nhiều phụ huynh… la làng, kiện tụng lung tung, làm nghề này cũng là… nghề nguy hiểm đó”.
Ông Nguyễn Văn Mười Ba- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long cho biết: “Trong chương trình học của các sinh viên mầm non, các em không chỉ được học tâm lý, kỹ năng giao tiếp và cách chăm sóc trẻ mà còn được tư vấn về cái tâm của người thầy”.
Lãnh đạo một trường mầm non nhắn với các bạn trẻ đang chọn ngành nghề: Làm một nghề gì cũng cần có niềm đam mê và khi bạn chọn làm giáo viên mầm non thì bạn chẳng những phải yêu nghề mà còn yêu trẻ nữa. Hãy tự hỏi lòng mình bạn có thể làm mẹ của khoảng 30 đứa con cùng tuổi hay không. Và khi đã chọn ngành, hãy dành tình yêu, sự chăm sóc của bạn cho trẻ như đối với con mình.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin