Người khuyết tật (NKT) thường khó hòa nhập cộng đồng do mặc cảm. Hiểu được điều này, các cấp hội TP Vĩnh Long kết hợp Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long mở các lớp dạy nghề cho NKT. Nhờ đó, nhiều NKT có việc làm với thu nhập ổn định, phù hợp sức khỏe.
Người khuyết tật (NKT) thường khó hòa nhập cộng đồng do mặc cảm. Hiểu được điều này, các cấp hội TP Vĩnh Long kết hợp Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long mở các lớp dạy nghề cho NKT. Nhờ đó, nhiều NKT có việc làm với thu nhập ổn định, phù hợp sức khỏe.
Có việc làm phù hợp, người khuyết tật TP Vĩnh Long có thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Dạy nghề, tạo việc làm
NKT muốn hòa nhập cộng đồng, muốn có việc làm và được làm việc, được dùng sức mình nuôi chính mình. Hiểu được điều này, các cấp hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đã liên hệ với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ yêu cầu dạy nghề và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho NKT.
Tháng 6/2014, 13 NKT đầu tiên của TP Vĩnh Long được Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp- thương mại Thanh Thanh dạy nghề đan giỏ nhựa và bao tiêu sản phẩm. Sở dĩ, các cấp hội và hợp tác xã chọn nghề này vì tương đối nhẹ nhàng. Sau khoảng 1 tháng học nghề, NKT được hợp tác xã giao hàng về nhà làm. Anh Huỳnh Chí Dũng (Phường 3) sinh ra với đôi chân không lành lặn, phải chống nạng hoặc dùng xe lắc mỗi khi đi.
Anh Dũng nói về những ngày đầu đi học nghề: “Thời gian học, chúng tôi được ăn cơm trưa, giúp đỡ và hàng làm được trong thời gian học cũng bán được luôn”. Anh Dũng chỉ tay vào 3 cái sọt nhựa trắng xanh lạ mắt nói: “Mấy hàng này xuất khẩu không à nhen. Học cái này cũng không khó”.
Trong khi đó, chú Lê Tấn Tài (Phường 8)- thành viên của tổ đan, say mê kể về những việc mình đã học và làm: “Chuyến đầu tui làm hơn 300.000đ. Chuyến này làm được nhiều hơn”.
Chú Tài cười tươi rói: “Ở không hoài chán lắm, nên có người rủ đi học, tui đi liền. Làm cái này không dám mong tiền nhiều, chủ yếu là có đồng ra đồng vô”. Rồi chú Tài nói thêm: “Mấy NKT vận động như chú thì làm cái nghề này hợp hơn. Như đan lục bình đó, mưa rồi làm sao chú lấy vô cho kịp?”
Bán vé số là việc mà nhiều NKT hay làm nhưng mỗi ngày bán vài chục tờ không phải dễ. Đó là còn chưa kể những xa xôi vất vả nắng mưa,… chị Nguyễn Thị Bích Châu (Phường 2) nói: “Bán vé số thì cực vì đi xe lăn lại dãi nắng dầm mưa, khi ế không trả kịp,… Làm hàng này thì thu nhập cũng tương đương nhưng được cái ngồi tại nhà”.
Tự tin hòa nhập
Có việc làm, có thu nhập và tự nuôi sống bản thân hoặc giúp ích cho gia đình, giúp NKT có thêm niềm vui và hạnh phúc hơn. Bà Võ Thị Ngọc Hoa- mẹ anh Huỳnh Chí Dũng tóc trắng phao phao, luôn cười khi nhìn thấy chúng tôi nói chuyện với anh Dũng.
Ánh mắt bà Hoa không còn nỗi lo toan mà chứa chan hạnh phúc vì con trai khuyết tật nhưng giỏi giang, tháo vát. Bà Hoa nói: “Nó làm việc Nhà nước rồi học nghề, đi thì thôi về là xắn tay làm, thương lắm”. Đôi bàn tay anh Dũng nhanh nhẹn trên từng cọng dây, anh nói: “Bây giờ nhìn hàng là rành đan kiểu nào hết rồi!”
Chú Lê Văn Hoàng (Phường 3) ngày còn trẻ học sửa đồng hồ. Nay, nghề này không chạy nữa nên chú tự mày mò học sửa đồ điện tử. Chú cười: “Ai đem đồ lại, sửa xong được tui mới lấy tiền”. Thời gian rảnh rỗi trống hàng đồng hồ, chú Hoàng lại đem giỏ ra đan. “Ngày tui làm được cỡ 3 cái, mỗi cái 15.000đ tiền công”. Đôi chân bị bại liệt không làm gì được, đôi tay chú Hoàng làm gấp bội để “bù lại”. Rồi chú Hoàng cười xòa, khoe: “Chuyến trước lãnh tiền có hơn 300.000 đồng, tháng này tui làm ngon hơn rồi à nghen”.
Ngày trước, chú Lê Tấn Tài cứ ở hoài trong nhà, ít ra đường thì nay chú có việc làm mỗi ngày và có chút đỉnh tiền dư. Thứ bảy hàng tuần, tổ đan lại tập hợp nhau ở nhà anh Dũng mang đến Hợp tác xã Thanh Thanh giao, rồi họ cùng nhau bàn chuyện làm hàng, chuyện nghề, chuyện cuộc sống,… nghe rôm rả và vui tươi lắm. Chú Tài vui vẻ nói: “NKT như chú cũng phải làm việc gì đó, chứ ở nhà hoài buồn và chán lắm, rồi con người cũng mụ mị đi”.
Rồi mấy anh, mấy chú khoe cây cầu Ông Me Lớn cao và dốc, xe đi lại nhiều vậy mà mấy chú, mấy anh trong tổ đan đẩy xe lắc đem hơn chục giỏ đan thành phẩm qua lại hàng tuần, “đi riết quen rồi”.
Tổ đan giỏ TP Vĩnh Long chỉ mong sao hàng có đều đều, hàng mềm dễ làm vì tay NKT không đủ mạnh để làm hàng cứng. Anh Dũng nói: “Ai cũng mong hàng đa dạng và có hoài để làm, thu nhập ổn định hơn”.
Tại TP Vĩnh Long, có 2 lớp dạy nghề theo Đề án 1956 cho NKT, có khoảng 40 NKT tham gia các lớp học này. Hiện, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long mới mở thêm một lớp dạy nghề cho NKT ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình). Trong thời gian tới, chương trình dạy nghề cho NKT sẽ được áp dụng rộng rãi trong toàn tỉnh.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin