Gắn bó bên mảnh vườn, thửa ruộng, nên gia đình bà Lê Thị Phụng (ấp Phước Tường A, xã Bình Phước- Mang Thít) hiểu rõ cuộc sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi có “của để dành” là gia đình bà phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó và góp sức xây dựng làng quê.
Gắn bó bên mảnh vườn, thửa ruộng, nên gia đình bà Lê Thị Phụng (ấp Phước Tường A, xã Bình Phước- Mang Thít) hiểu rõ cuộc sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi có “của để dành” là gia đình bà phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó và góp sức xây dựng làng quê.
Bà Phụng và con trai đã góp công vận động và góp sức xây cầu Phước Tường A.
Vừa trở về sau đợt mổ ung thư vú, chị Nguyễn Mỹ Hồng (ấp Thân Bình, xã Tân Long) cho biết “Cũng nhờ bà Tư (Tư Phụng- PV) vận động quyên góp 7 triệu đồng mà tui có tiền lên TP Hồ Chí Minh chữa trị. Nếu không, tui chẳng biết chừng nào có thể tự lo được”.
Chồng chị bỏ ra đi, cha ruột chị bị tai biến, mẹ chị thì mang trong mình đủ chứng bệnh, đứa con gái nhỏ của chị thì đang ở tuổi ăn, tuổi học. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ nhờ vào tiền làm thợ hồ của người em trai và tiền đổ bánh xèo của chị, nhưng lúc có lúc không. Chị cũng “hoàn cảnh” vô cùng: vừa mổ u nang ở TP Cần Thơ xong, lại phát hiện bị ung thư vú.
Biết được hoàn cảnh, bà Phụng vừa xuất tiền túi vừa kêu gọi con cháu và vận động người quen cùng chung tay hỗ trợ chị Hồng có điều kiện đi điều trị. Đây là một trong số các trường hợp khó khăn được gia đình bà Phụng giúp đỡ đột xuất.
Thường xuyên hơn là vào dịp lễ, tết hàng năm, gia đình bà luôn dành khoản kinh phí và vận động tổ chức 2- 3 đợt phát quà cho khoảng 100 người/đợt, gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt cho dân nghèo trong và ngoài xã. Riêng đối với các cụ cao tuổi, năm nào cũng được ưu tiên tặng 2 bộ quần áo mới để đón tết.
Theo anh Trương Văn Hoàng- con trai bà Phụng, do gia cảnh nghèo khó, phải đi làm thuê, làm mướn mới có thể trang trải cho gia đình, nên anh thấu hiểu những khó khăn của người dân địa phương. Chính vì vậy, khi kinh tế dần ổn định, quan niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên chuyện gì giúp được cho bà con cô bác thì làm.
Chúng tôi đến thăm chùa Du Thới hay còn gọi là chùa Ông Du ở ấp Phước Thới (xã Bình Phước). Đây là ngôi chùa trên 200 năm, là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng trong thời chiến. Bên tách trà đàm đạo, sư cô Thích nữ Như Hiền- trụ trì chùa kể cho chúng tôi nghe về những ngày mới về chùa (năm 2000). Lúc đó chùa đã bị xuống cấp trầm trọng, nhờ “được gia đình bà Phụng đến làm công quả, hỗ trợ giúp chùa, mỗi khi mưa xuống hay mùa nước lũ về, chùa không còn chịu cảnh ngập lụt”- sư cô cho biết.
Cách nay hơn 10 năm, một trong những công trình bức xúc của địa phương là cần có cây cầu để đi lại. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, khi được địa phương hỗ trợ sắt, gia đình bà đã xuất tiền túi và vận động mua đá, xi măng, ủng hộ ngày công để cùng xây cầu Phước Tường A.
Qua thời gian, do nhu cầu đi lại nhiều mà cầu quá nhỏ, lại không có lan can và bà chứng kiến nhiều người bị té cầu, lọt sông, năm 2013, gia đình bà tiếp tục đứng ra vận động gia đình người con nuôi ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 70 triệu đồng và kêu gọi con cháu trong nhà góp công để mở rộng cầu, làm lan can nhằm giúp người dân đi lại được an toàn hơn.
Gần đây, khi tuyến đường dân sinh tại ấp Phước Tường A được thi công với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, dù đã đóng góp theo đầu công, nhưng khi thấy kinh phí còn hạn hẹp, đường sá chưa được đầu tư hoàn chỉnh, gia đình bà đã thuê xáng cạp múc đất thêm để hoàn chỉnh con đường nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn.
Nói về việc làm đầy ý nghĩa đó, bà Phụng cho rằng “giúp được người khác là vui rồi, chứ không suy nghĩ gì nhiều, thấy quê hương mình ngày càng đẹp hơn thì còn gì bằng”.
Ông Mai Văn Hùng- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, gia đình bà Phụng là một trong những hộ có đóng góp tích cực cho địa phương, những việc làm đó luôn nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, rất cần có sự chung tay của những người như gia đình bà Phụng.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin