Thoát nghèo từ nguồn vốn vay

07:12, 01/12/2014

Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng với sự tự lực phấn đấu vươn lên, bà con đồng bào dân tộc Khmer đã vượt khó, thoát nghèo.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng với sự tự lực phấn đấu vươn lên, bà con đồng bào dân tộc Khmer đã vượt khó, thoát nghèo.


Nhờ đồng vốn hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào Khmer có điều kiện vươn lên, vượt khó thoát nghèo.

Thời gian qua, chính quyền và đoàn thể các cấp đã tranh thủ các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để gia đình Khmer phát triển sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hộ đồng bào Khmer đã vượt khó, thoát nghèo.

Theo ông Sơn RyTa- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2007, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long đã triển khai có hiệu quả chính sách về việc vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ Khmer đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32 và chính sách chuyển đổi ngành nghề từ Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hộ Khmer nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp cận với nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống .

Ở các vùng đồng bào dân tộc Khmer, đâu đâu cũng thấy người dân trồng cỏ nuôi bò. Hỏi ra mới biết, mô hình này phát triển rất bền vững và giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập. Đa số hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ từ nguồn vốn vay của nhà nước và con bò được nhiều hộ chọn nuôi vì nó giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Ở các mương ruộng, liếp vườn quanh nhà bây giờ không còn cảnh cỏ mọc um tùm mà thay vào đó là những liếp rau để cải thiện thu nhập theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.

Gia đình chú Thạch Sơ (ấp Mỹ Thuận- xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn lắm nhưng nhờ Hội Cựu chiến binh xã giới thiệu cho vay vốn tín dụng, vợ chồng chú cố gắng làm ăn. Nhà có hơn 2 công ruộng, chú Sơ lên liếp 1 công để trồng cỏ nuôi bò, trồng rau cho vợ mình- cô Thạch Thị Búp- cắt bán mỗi ngày. Nhờ túc tắc làm có đồng vô ra mỗi ngày, năm 2012 gia đình chú đã thoát nghèo.

Còn gia đình ông Sơn Yên (xã Đông Bình- TX Bình Minh) nhờ cần cù chịu khó đã thoát khỏi cảnh khó khăn và vươn lên trong cuộc sống. Ông Sơn Yên cho biết: “Lúc trước, gia đình tui có 2 công ruộng, kinh tế khó khăn lắm, cần vốn để chăn nuôi thêm phát triển kinh tế. Cũng nhờ Nhà nước cho vay, tui nuôi bò cùng với trồng rẫy để lo các con ăn học”.

Tiếp nối các chính sách để hỗ trợ cho bà con thoát nghèo, hiện nay tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục triển khai Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, mỗi hộ được vay 8 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 1,2%/ năm.

Tính từ năm 2007 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân hơn 35 tỷ đồng giúp hơn 3.200 hộ dân chuyển đổi ngành nghề và vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Riêng thực hiện Quyết định 54 nhằm giúp vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất tỉnh đã giải ngân được hơn 1,2 tỷ đồng cho 155 hộ vay.

Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn công với tinh thần vượt khó vươn lên của bà con, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2008, tỉnh có 50,5% hộ đồng bào Khmer nghèo thì đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm cò 23,11%.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ Lê Trí Dũng: Xã đã tiến hành theo quy trình, cách thức xác định hộ nghèo công khai, qua nhiều bước như rà soát, điều tra hộ nghèo theo quy định, trên cơ sở đó từng tổ nhân dân tự quản nhận dạng nhanh những hộ có khả năng thoát nghèo, rơi nghèo, tái nghèo để lập danh sách. Từ khâu điều tra nguyên nhân nghèo, nguyện vọng thoát nghèo, bình nghị ra dân, niêm yết công khai đến khi công nhận hộ nghèo thì thông qua các đoàn thể để vận động, hướng dẫn họ họ sử dụng đồng vốn vay ưu đãi, phương thức làm ăn hiệu quả.

Song song với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đồng bào dân tộc Khmer đã thay đổi nhận thức và biết tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Hướng tới Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với ngành chức năng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh của tỉnh và địa phương để có kế hoạch giải ngân nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu vay để phát triển sản xuất.

Đồng thời có kế hoạch phân công cán bộ hướng dẫn làm ăn giúp đồng bào tăng gia sản xuất, sử dụng nguồn vốn hiệu quả để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Theo ông Sơn RyTa, thời gian tới, tỉnh sẽ kết hợp các chùa Khmer tiếp tục vận động và hướng dẫn đồng bào cách thức làm ăn. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer cùng hưởng ứng các phong trào do nhà nước phát động như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các phong trào thi đua yêu nước khác.

Có thể nói, cùng với sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của nhà nước và ý thức tự lực vươn lên, đời sống của đồng bào Khmer đang đổi thay từng ngày.

Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh