Có gì liên quan nhau giữa 2 chi tiết này? Có đó. Thông qua góp vốn xoay vòng, từ nuôi heo, chằm lá, phụ hồ, bỏ ống heo đất bằng sức lao động hàng ngày... mà nhiều người dân đã tự giúp mình, giúp đỡ nhau có tấm thẻ BHYT.
Có gì liên quan nhau giữa 2 chi tiết này? Có đó. Thông qua góp vốn xoay vòng, từ nuôi heo, chằm lá, phụ hồ, bỏ ống heo đất bằng sức lao động hàng ngày... mà nhiều người dân đã tự giúp mình, giúp đỡ nhau có tấm thẻ BHYT.
Chị Trúc và các chị em ở Long Hòa 2 với nghề chằm lá, làm hồ,… đã chắt chiu để góp vốn, tương trợ nhau tấm thẻ BHYT.
Chắt chiu ngày công, giúp nhau tấm thẻ BHYT
Chị Phạm Thị Thanh Trúc (46 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ- Mang Thít) là tổ trưởng tổ hùn vốn (góp vốn xoay vòng) với 12 hội viên là các hộ gia đình trong ấp. Nếu tính cả các “tua” xoay vòng đồng vốn từ các chị em phụ nữ trong ấp thì tổ này là tổ thứ 3 chị Trúc triển khai.
“2 tổ đợt trước, tất cả người dân trong hộ đều có mới hoặc đã đáo hạn thẻ BHYT hết rồi. Giờ chị em còn góp vốn để sắp sửa đáo hạn thẻ cho tổ này thôi”- chị Trúc cho biết.
Theo chị Trúc, khoảng tháng 11/2013, từ sự phát động của Hội Phụ nữ xã Long Mỹ, phụ nữ ở ấp Long Hòa 2 thành lập tổ góp vốn xoay vòng. “Từ tiền lao động, mưu sinh cuộc sống hàng ngày của mỗi hộ gia đình, tổ thu 50.000 đ/hộ.
Mỗi tháng góp một lần như vậy được 600.000đ. Một thẻ BHYT trị giá 621.000đ. Tính ra mỗi tháng, tới lượt người dân nào xoay vòng để có thẻ (mới hoặc đáo hạn) thì đã có sẵn tiền để mua.
Người mà có thẻ trong tháng ấy chỉ phải góp tiền nhà thêm 21.000đ nữa là có BHYT”- chị Trục kể về “quy trình” hoạt động hỗ trợ mua thẻ BHYT từ đồng vốn xoay vòng. Lúc cao điểm 3 tổ còn hoạt động, mỗi tháng có 3 thẻ BHYT được trao tận tay cho người dân bằng cách này.
Chị Phạm Ngọc Mai ngụ cùng ấp cho biết, chị có thẻ BHYT 4- 5 năm nay. “Có chị Nhi cũng hay nhắc chị em tui, cứ tới lúc đáo hạn là được đăng ký mua lại thẻ BHYT liền”- chị Mai nói. Nhà chị Mai hiện tại có 5 người và đều có BHYT.
Trong đó, 2 con chị có thẻ BHYT theo diện học sinh. Mẹ, ông xã và chị tham gia BHYT theo diện tự nguyện hộ gia đình và có từ đồng vốn xoay vòng như vầy. Nhà chị Trúc cũng tương tự vậy.
Điều đáng nói là từ mô hình góp vốn xoay vòng đã nêu, góp từ đồng tiền chắt mót ít ỏi hàng ngày qua lao động: chằm lá, nuôi heo, buôn bán nhỏ,... mà các chị đã trực tiếp tham gia và góp một phần vào “chính sách an sinh xã hội” là thẻ BHYT.
Chị Mai, chị Trúc và nhiều chị đang cắm mặt vào công việc chằm lá xác nhận: “Khám BHYT ở y tế xã, ở bệnh viện bây giờ thấy tốt hơn nhiều rồi. Chúng tôi tiếp tục góp vốn để đến hết hạn là lại đáo hạn cho bà con. Dù mua BHYT để đó, chứ ai đâu muốn dùng tới...”
Mua cho mình, giúp cho người
Có thể xem bà Ngô Nguyễn Hiền Nhi- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Mỹ là người khởi xướng và đôn đốc thực hiện phong trào. Mới đây, chị Nhi trong nhóm 10 thành viên đơn vị huyện Mang Thít đoạt giải nhì hội thi “Tuyên truyền viên BHYT” do BHXH tỉnh Vĩnh Long tổ chức.
Chị Nhi còn đoạt giải cá nhân ấn tượng nhất hội thi. Theo BHXH huyện Mang Thít, kết quả đó phản ánh việc hội đoàn thể, cùng BCĐ công tác BHYT toàn dân ở địa phương triển khai tốt tuyên truyền, đa dạng các mô hình để giúp nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Theo bà Dương Thị Uống- Giám đốc BHXH huyện Mang Thít, tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân huyện hiện đạt 69,84%. Trong đó 9/13 xã- thị trấn đều đạt từ 70% trở lên. “Theo chỉ tiêu BCĐ tỉnh giao huyện năm nay bao phủ BHYT 68%, thì huyện đã thỏa số này. Còn chỉ tiêu nghị quyết Huyện ủy giao 70%, BHXH huyện ước cuối năm cũng sẽ đạt”- bà Dương Thị Uống nói.
Về mô hình góp vốn xoay vòng ở Long Mỹ để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân, bà Dương Thị Uống cho biết: Ban Dân vận Huyện ủy Mang Thít trong một hội nghị liên quan đã đánh giá cao mô hình này và trên tinh thần giao Hội Phụ nữ, BHXH huyện phối hợp, chỉ đạo nhân rộng mô hình ra các địa bàn.
“Cách làm đó giải quyết chính sách cho những người không thuộc diện được ngân sách cấp hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần để tham gia BHYT. Cách làm này hay và ý nghĩa với người dân thuộc diện tự nguyện tham gia BHYT, đối tượng phải vận động có BHYT, trong khi đời sống họ còn khá khó khăn”- bà Dương Thị Uống phân tích.
Y như chị Trúc khẳng khái: “Mình mua BHYT là mình có thể giúp đỡ bao nhiêu người khác phải nhờ tới BHYT đó thôi”.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, bà Dương Thị Uống cho rằng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nào quan tâm sâu sát tới lĩnh vực trên thì ở đó BHXH, BHYT phát triển.
Ông Phan Thanh Lệ Sử- Phó Giám đốc BHXH Mang Thít nói, hướng tới ngành sẽ phối hợp chặt chẽ chính quyền các xã để chỉ đạo, cung cấp thông tin đầy đủ để đại lý thu BHYT đến vận động người dân mua mới BHYT hoặc đáo hạn thẻ kịp thời.
Câu chuyện ghi nhận tại xã nông thôn mới Long Mỹ có thể là chuyện không mới nhưng qua các phong trào mô hình tương trợ giúp đỡ nhau vậy, việc tuyên truyền vận động tham gia BHYT toàn dân đã đi đến “ngóc ngách” thực tế |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin