Tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động,… đã cướp đi sinh mạng, sức khỏe của nhiều người. Trong đó, nhiều trường hợp vì không được cấp cứu đúng lúc, đúng cách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, công tác sơ cấp cứu (SCC) khi gặp những trường hợp tai nạn là rất cần thiết.
Tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động,… đã cướp đi sinh mạng, sức khỏe của nhiều người. Trong đó, nhiều trường hợp vì không được cấp cứu đúng lúc, đúng cách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, công tác sơ cấp cứu (SCC) khi gặp những trường hợp tai nạn là rất cần thiết.
Các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ trong hội thi sơ cấp cứu.
Đúng lúc, đúng cách
Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều cần người trợ giúp vì chưa có mặt của nhân viên y tế, nếu để nạn nhân đợi quá lâu có thể ảnh hưởng tính mạng hoặc làm tổn thương nặng thêm. Nếu mỗi người chúng ta có được những kiến thức cơ bản về SCC, biết xử trí đúng cách thì chắc chắn sẽ hạn chế những thương tổn do tai nạn gây nên. Bà Trần Thị Tuyết Mai- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Việc SCC là vô cùng cần thiết bởi thời gian chờ đợi nhân viên y tế có thể làm cho nạn nhân nặng thêm, có khi không cứu chữa được.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đưa ra những cách thức SCC nạn nhân trong những trường hợp thường gặp. Trong các trường hợp nạn nhân chảy máu cần phải băng bó, cần lưu ý băng kín và không bỏ sót vết thương, băng vừa đủ chặt, đúng kỹ thuật và băng sớm. Mục đích giúp che vết thương, cầm máu và cố định vết thương cho nạn nhân.
Đối với người bị gãy xương, có những dấu hiệu cần lưu ý để có cách xử trí đúng: đau dữ dội nơi gãy, phù nề nơi gãy, bị biến dạng như lệch trục hay gập gốc, cử động giới hạn, sờ mất liên tục xương hoặc có tiếng lạo xạo xương, có thể nhìn thấy đầu xương gãy. Gặp trường hợp nạn nhân gãy xương, khi SCC chúng ta phải nhẹ nhàng, hạn chế di động nơi gãy; nẹp bất động phải được cả khớp trên và khớp dưới chỗ gãy, buộc chắc chắn vào chi; nẹp phải được chêm lót bông gạc, không cởi quần áo nạn nhân. Bên cạnh đó, ta cần kiểm tra xem có thương tích nào khác để xử trí chuyển thương được tốt.
Trường hợp thấy nạn nhân ở vùng ngực có vết thương chảy máu có bọt, có tiếng phì phò theo nhịp thở, đau tức ngực khó thở, ta phải xử trí bằng cách đặt nạn nhân nửa nằm nửa ngồi hoặc nằm nghiêng về phía vết thương, lấy gạc, vải sạch, ny lông phủ lên vết thương rồi dùng băng cuộn kín vết thương. Sau đó, di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế
gần nhất.
Khi nạn nhân bị thủng bụng lòi ruột, người SCC cần đặt nạn nhân nằm ngửa 2 chân co lại. Sau đó, lấy gạc vải sạch hoặc chén sạch úp vào phần ruột lòi ra ngoài, sau đó dùng băng cố định chén vào thành bụng, nạn nhân bị lòi ruột cần được ủ ấm, chống sốc và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế.
Xin đừng thờ ơ!
Theo các chuyên gia y tế thế giới, việc SCC nạn nhân tai nạn giao thông trong 15 phút đầu là “thời gian kim cương”, trong 30 phút đầu là “thời gian vàng”. SCC sớm, đúng cách thì khả năng phục hồi cao, chi phí điều trị thấp. Khi bắt gặp một người bị tai nạn, xin mọi người đừng thờ ơ mà hãy hành động để cứu người! Nếu cả xã hội cùng chung tay và nhanh chóng có những hành động đúng thì nhiều sinh mạng sẽ được cứu sống.
Tháng 9/2014, anh Nguyễn Hoàng Lộc (Tam Bình) có uống rượu bia và gặp tai nạn gần Khu công nghiệp Hòa Phú. Vụ tai nạn làm anh mất nhiều máu, đa chấn thương. Những người chứng kiến kể lại, anh Lộc bị máu tràn lên mũi không thở được, miệng cũng ọc đầy máu. May nhờ một người đi đường SCC lau máu, băng bó các vết thương cho anh trong khi chờ xe cứu thương. Bác sĩ điều trị cho anh Lộc cho rằng nếu không được SCC kịp thời, không thể cứu sống anh Lộc được.
Bà Trần Thị Tuyết Mai nói: “Ai cũng có thể học SCC và tham gia SCC. Nếu nhiều người ở trong cộng đồng dân cư hiểu và biết cách sơ cấp cứu thì sẽ hạn chế được những trường hợp đáng tiếc”.
Cũng theo bà, hầu hết những nạn nhân chuyển đến cơ sở y tế đều chưa qua SCC hoặc được SCC không đúng cách. Có những nạn nhân bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng mất nhiều máu do không được cầm máu ngay tại chỗ.
Những trường hợp bị tổn thương cột sống không được nằm cố định trên ván cứng mà lại bị xốc nách. Nhiều người bị gãy chân tay lại không được dùng nẹp cố định… trước khi đưa đến cơ sở y tế, vô tình làm vết thương càng nặng hơn.
Mới đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh tai nạn giao thông tại xã Phú Quới (Long Hồ). Đội có trụ sở tại văn phòng Xã Đoàn Phú Quới. Đội Thanh niên tình nguyện và hơn 100 đoàn viên của các đơn vị thuộc Huyện Đoàn Long Hồ và Trường Đại học Cửu Long có nhiệm vụ sẵn sàng tham gia sơ cứu, ứng cứu nhanh về tai nạn giao thông, phân luồng phương tiện đảm bảo an toàn giao thông khi có tai nạn xảy ra.
Đây là mô hình đầu tiên của Vĩnh Long được thành lập hoạt động thí điểm, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin