Nỗi lo mang tên “thất nghiệp”

07:12, 14/12/2014

Thực trạng nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV) tốt nghiệp ở các bậc học không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề đào tạo hiện nay đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Thực trạng nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV) tốt nghiệp ở các bậc học không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề đào tạo hiện nay đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Từ 2012 đến 2014, Vĩnh Long đã giải quyết việc làm bình quân trên 27.000 LĐ/năm.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng trước thực trạng 174.000 cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp, nhiều trường nghề tuyển sinh nhưng không có người học, học ra không đáp ứng yêu cầu, lãng phí đào tạo, ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội.

Hiện nhiều trường đại học (ĐH) cứ ồ ạt tuyển sinh, đào tạo rồi sau đó hàng ngàn SV ra trường không có việc làm thì gây lãng phí, tạo áp lực rất lớn cho xã hội và đó chưa đề cập đến vấn đề đào tạo không đạt chất lượng.

Các chuyên gia lao động (LĐ) cho rằng có nhiều nguyên nhân làm cho số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hàng loạt. Trong đó, cơ bản nhất là dự báo nhu cầu việc làm chưa chính xác, cơ cấu đào tạo xa thực tế, học theo phong trào, chất lượng đào tạo kém…

Thông tin từ bản tin thị trường LĐ của Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hiện nay, 750.000 LĐ có trình độ ĐH trở lên đang làm các nghề có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn và tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.

Anh Trần Khắc Danh- Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Vissan cho biết: “Với một số công việc đơn giản, thời gian huấn luyện nghề ngắn, công ty chỉ cần tuyển LĐ học vấn phổ thông, THCS, không muốn nhận những người trình độ ĐH vì lo ngại người LĐ sẽ “nhảy” việc khi có cơ hội. Nhưng thực tế, có khá nhiều cử nhân nộp đơn xin việc do chưa tìm được việc làm phù hợp, phần lớn SV này tốt nghiệp mảng xã hội- kinh tế”.

Giám đốc Sở LĐ- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Đạo cho biết, xu hướng hiện nay HS tốt nghiệp THPT xong là thi vô ĐH và khi tốt nghiệp rồi thì cơ hội việc làm rất khó. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 12.500 người chưa có việc làm. Trong đó, số người tốt nghiệp ĐH là 4.800; CĐ là 2.000 người; trung cấp chuyên nghiệp là 1.500 người. Riêng số người tốt nghiệp các trường nghề chưa có việc làm khoảng 900. Ông nêu lên thực trạng, hiện có nhiều SV tốt nghiệp ĐH xong ra làm trái nghề hoặc quay trở lại học trung cấp để có cơ hội tìm việc làm. Cơ hội SV ra trường được tuyển dụng vô cơ quan Nhà nước hiện nay rất ít vì không có chỉ tiêu. Rồi ở các doanh nghiệp (DN) việc tuyển dụng cán bộ quản lý có trình độ ĐH rất ít mà chủ yếu tuyển thợ lành nghề. Thời gian qua, việc tuyển dụng LĐ có trình độ tay nghề cao rất khó bởi các trường ĐH mở ra trên địa bàn tỉnh khá nhiều nên khi tuyển sinh là vét hết nguồn nên đa phần HS cứ đổ xô đi học ĐH. Do vậy, mấy năm gần đây các trường nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh không đạt chỉ tiêu. Trong khi nhu cầu học nghề của xã hội rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam; nhiều công ty, DN phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất dẫn đến thừa LĐ. Năm 2014, Vĩnh Long giải thể 32 DN, tạm ngừng hoạt động 33 DN. Số lượng các trường CĐ, ĐH công lập và ngoài công lập phát triển quá nhanh, các trường chỉ chú trọng số lượng tuyển sinh đầu vào, ít quan tâm chất lượng đầu ra và việc làm cho SV, HS. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội, đào tạo chưa gắn kết với giải quyết việc làm. Đồng thời, Chính phủ không tăng biên chế hành chính hàng năm chỉ tuyển dụng bù đắp khi có biên chế công chức nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, nên cơ hội SV ra trường vào cơ quan hành chính Nhà nước cũng bị giới hạn;..

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, xác định nhu cầu và lộ trình đào tạo ngành nghề phù hợp. Việc thi tuyển công chức, viên chức công khai tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tham gia vào cơ quan Nhà nước. Song song đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ DN phát triển để thu hút LĐ; liên kết DN ngoài tỉnh, tín dụng và đầu tư xuất khẩu LĐ; hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các ngành, nghề đang dư thừa.

Bộ trưởng Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, bộ sẽ cố gắng tìm giải pháp nâng cao chất lượng quản lý để sinh viên được đào tạo ngành nghề nào thì cống hiến và làm việc đúng chuyên ngành đó một cách cao nhất. Trước mắt với số thanh niên đã ra trường chưa có việc, bộ sẽ chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm làm tốt công tác thông tin giữa người LĐ, người sử dụng LĐ.

Về thực trạng SV ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay hiện có trên 200.000 SV đào tạo nghề, và 500.000- 600.000 SV đại học, như vậy khi ra trường có khoảng 700.000- 800.000 SV. Song thực tế hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên việc làm cho người LĐ còn hạn chế. Không phải tất cả SV ra trường đều đang ngồi chơi, 60% SV ở nông thôn về giúp cha mẹ.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh