Len lỏi vào các điểm đen về ma túy và mại dâm, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tiếp cận và chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS tránh lây lan cho cộng đồng,… đó là công việc hàng ngày của các nhóm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
Anh Quốc T. thăm và tặng quà từ dự án cho gia đình có người nhiễm HIV.
Len lỏi vào các điểm đen về ma túy và mại dâm, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tiếp cận và chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS tránh lây lan cho cộng đồng,… đó là công việc hàng ngày của các nhóm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Họ đã phần nào góp sức xóa đi sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS.
Con đường đến với công tác xã hội
Dù hoàn cảnh mỗi người khác nhau, đến với công việc này một cách tình cờ hay có chủ ý thì chung quy lại họ đều có một trái tim nhân ái, giàu đức hy sinh và nghị lực phi thường để tiếp tục công việc.
Không phải là người có nhiễm HIV nhưng anh Huỳnh Quốc T. (Mang Thít) vẫn quyết định lao vào con đường mà ít ai dám đi, đó là gia nhập nhóm Mỹ Thuận (nhóm tự lực dành cho người nhiễm HIV) dù tuổi đời còn rất trẻ.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành công tác xã hội ở TP Hồ Chí Minh, anh quyết định trở về Vĩnh Long cống hiến cho quê hương. Anh chia sẻ nguyên nhân tham gia nhóm là vì ban đầu lỡ học ngành công tác xã hội nên xin vào làm để học hỏi kinh nghiệm.
Những ngày đầu, anh sợ hãi và chùn bước. Dần dần khi quen công việc, anh cảm thương những người bị nhiễm, muốn giúp đỡ họ phần nào, giúp họ tìm thấy niềm tin và hy vọng vào cuộc sống.
Không giống với anh T., anh Phạm Bá M. (Phường 3- TP Vĩnh Long) là một thành viên thuộc diện NCH (người có HIV). Khi biết tin mình mắc phải căn bệnh này, M. đã dũng cảm đối mặt với nó.
M. quan niệm: Những gì trong quá khứ hãy để nó qua đi, điều quan trọng bây giờ là cuộc sống tương lai của mình như thế nào, hãy sống sao cho đáng sống. Chính nhờ những suy nghĩ tích cực này mà ngay sau khi được các anh chị trong Tiểu Ban quản lý dự án- Viện Nghiên cứu phát triển xã hội động viên, M. đã quyết định tham gia nhóm Mỹ Thuận. Ở đó, M. được tin tưởng giao làm nhóm trưởng.
Những tháng ngày tiêm chích ma túy làm cho thân thể chú Trần Công H. (Phường 4- TP Vĩnh Long) gầy còm, xơ xác.
Chú kể lại với chúng tôi rằng, trước đây chú cũng là một người chí thú làm ăn, hàng ngày chạy xe ôm để kiếm tiền lo cho gia đình. Chính những hôm đi sớm về khuya và bị những người bạn rủ rê đã khiến chú sa chân vào ma túy.
Chú tâm sự: “Gia đình đã động viên tôi đi cai nghiện. Sau khi ra trại cai nghiện, tôi được các cán bộ phường động viên, vận động tôi tham gia làm tiếp cận viên ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS từ năm 2006”. Từ năm 2012, chú còn tham gia thêm vào nhóm Bạn tình Vĩnh Long- nhóm dành cho những đối tượng (ĐT) là “bạn đời” của người có nguy cơ cao bị HIV/AIDS.
Những cống hiến âm thầm mà vô giá
Việc đầu tiên của các tư vấn viên là tiếp cận ĐT, có lẽ đây là việc làm khó khăn nhất vì các ĐT này thường hay lẩn tránh mọi người. Từng là người trong cuộc nên chú H. biết rõ các tụ điểm tiêm chích, mại dâm,…
Chú đến tận các tụ điểm này để khuyên nhủ, động viên các ĐT này về với nẻo thiện. Trường hợp không động viên được thì chú khuyên nên sử dụng kim tiêm sạch và không vứt bừa bãi mà hãy bỏ vào một góc để sau đó chú sẽ đến đem về xử lý.
Bên cạnh đó, chú còn đến tận nhà để tuyên truyền cho bạn tình âm tính (là đối tượng không HIV nhưng có bạn nhiễm HIV) của các ĐT nguy cơ cao, phát bao cao su và phổ biến kiến thức về tình dục an toàn, kêu gọi chung thủy một vợ một chồng, khuyến khích động viên họ đi xét nghiệm HIV/AIDS để có phương án điều trị tránh lây cho cộng đồng.
Khi phát hiện ĐT nhiễm HIV/AIDS, nhóm sẽ chuyển ĐT này qua nhóm Mỹ Thuận để nhóm này tiếp cận, chăm sóc và truyền thông. Chú tâm sự: “Có khi mình đến nhà nhiều lần để tư vấn, tuyên truyền bị chồng của các ĐT hiểu lầm xua đuổi, chửi bới có khi còn đuổi đánh. Nhưng vì tấm lòng của bản thân đối với họ và trách nhiệm với xã hội nên tôi quyết định kiên trì”.
Các thành viên trong dự án chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình công tác.
Hầu hết mọi người khi hay tin mình bị dương tính HIV đều tự ti, không tiếp xúc với xã hội, không đi khám bệnh, không dám ra ngoài vì sợ mọi người biết sẽ kỳ thị, xa lánh,… Có người còn tuyệt vọng trả thù đời hoặc tìm đến cái chết.
Hiểu rõ vấn đề đó, Quốc T. và Bá M.- 2 thành viên thuộc nhóm Mỹ Thuận thường xuyên đến thăm hỏi động viên, truyền thông cho các ĐT đã nhiễm, khuyên nhủ các ĐT có nguy cơ đi xét nghiệm HIV.
Hơn thế nữa, Quốc T. và Bá M. là người trực tiếp chăm sóc vết thương cho người nhiễm HIV/AIDS khi có nhiễm trùng cơ hội, đồng thời hướng dẫn họ đến các phòng khám ngoại trú đăng ký điều trị ARV. Mỗi người sẽ phụ trách một số ĐT có HIV cho đến khi họ qua đời. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các hoàn cảnh đơn thân hoặc bị gia đình bỏ rơi.
“Khi đến nhà để tiếp cận các đối tượng này, tôi phải đi khẽ, nói nhẹ, không để mọi người xung quanh biết… giống như đi ăn trộm vậy (anh cười).
Có những lúc phải hẹn ĐT để trao quà hoặc làm công tác truyền thông ở đầu đường, quán cà phê. Tất cả chỉ vì những gia đình đó sợ mọi người xung quanh biết sẽ xa lánh, kỳ thị, đặc biệt là ở vùng quê”- anh Quốc T. tâm sự.
Anh Quốc T. chia sẻ thêm: “Khi mình vận động được nhiều Mạnh thường quân hỗ trợ cho các hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi HIV thì mừng lắm. Nhìn nụ cười vui mừng của họ lúc nhận quà là động lực lớn lao thúc đẩy mình tiếp tục công việc hiện tại”.
Anh Bá M. cũng chia sẻ: “Bên cạnh niềm vui thì vẫn còn có nhiều nỗi buồn, đó là trong quá trình tiếp cận các ĐT không hiểu chúng tôi, không tiếp nhận sự giúp đỡ từ chúng tôi. Nhìn thấy họ đau khổ, tuyệt vọng, tự cô lập mình, chúng tôi cảm thấy rất buồn”.
Theo chị Lê Thị Yến Hằng- cán bộ Khoa Giám sát HIV/AIDS/STI (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS- Sở Y tế) thì:
“Các thành viên trong nhóm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là những người trực tiếp tiếp xúc với người nhiễm và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trực tiếp tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc người bệnh. Họ có đóng góp rất lớn trong việc kiềm chế, kéo giảm số ca nhiễm trong tỉnh. Trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS thời gian tới, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía các bạn, nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau mà người bệnh phải gánh chịu”.
Những việc làm này góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức, hành vi trong nhóm nguy cơ cao, giảm thiểu sự lây lan của HIV trong cộng đồng.
Chị Dương Mỹ Linh- cán bộ Tiểu ban quản lý dự án Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết: Dự án Quỹ Toàn cầu triển khai ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2014 thông qua Dự án Thành phần VUSTA (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) có 2 tổ chức (ISDS và Cohed) triển khai tại 10 tỉnh- thành. ISDS triển khai tại 5 tỉnh gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tại Vĩnh Long có 3 nhóm: Mỹ Thuận, Bạn tình Vĩnh Long, Glink đã tham gia dự án. Nhóm Mỹ Thuận có 8 thành viên, chỉ tiêu dự án giao chăm sóc 302 người có HIV, 50 bạn tình âm tính, 200 trẻ bị ảnh hưởng HIV; nhóm Bạn tình Vĩnh Long gồm có 3 thành viên, chỉ tiêu dự án giao chăm sóc cho 240 bạn tình âm tính; nhóm Glink Vĩnh Long gồm có 4 thành viên, chỉ tiêu dự án giao chăm sóc cho 350 ĐT |
Bài, ảnh: PHAN NGUYỄN- TÂM YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin