Cả xã hội đang dành tất cả các nguồn lực và điều kiện có thể để hạn chế và chấm dứt căn bệnh HIV/AIDS vào năm 2030. Đây cũng là mục tiêu mà cả nước đặt ra nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014. Trước mắt, bằng nhiều chương trình hành động cụ thể chăm sóc và giúp đỡ, người nhiễm HIV đã tự tin hòa nhập cộng đồng, xóa dần mặc cảm để cống hiến cho xã hội.
Cả xã hội đang dành tất cả các nguồn lực và điều kiện có thể để hạn chế và chấm dứt căn bệnh HIV/AIDS vào năm 2030. Đây cũng là mục tiêu mà cả nước đặt ra nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014. Trước mắt, bằng nhiều chương trình hành động cụ thể chăm sóc và giúp đỡ, người nhiễm HIV đã tự tin hòa nhập cộng đồng, xóa dần mặc cảm để cống hiến cho xã hội.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng lành mạnh cho người nhiễm HIV, nhất là trẻ em để họ tự tin sống và cống hiến cho xã hội.
Số người nhiễm và tử vong vì HIV/AIDS giảm
Ca nhiễm HIV đầu tiên tại Vĩnh Long được phát hiện vào năm 1993 tại xã Trung Thành (Vũng Liêm). Tính đến tháng 6/2014, đã phát hiện 2.472 ca nhiễm trên toàn tỉnh (1.366 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 733 người đã tử vong). Trung bình mỗi năm phát hiện 141 ca nhiễm mới. TP Vĩnh Long là nơi có số người nhiễm nhiều nhất với 910 người, thấp nhất là huyện Mang Thít với 115 người.
Theo bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế Vĩnh Long), tỷ lệ người nhiễm HIV có xu hướng ngày càng trẻ hóa (từ 24- 49 tuổi chiếm 75%). Tình dục không an toàn là con đường lây bệnh chiếm đa số (45,1%).
Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV cũng có chiều hướng gia tăng, năm 2008 chỉ có 28,4% thì đến năm 2014 đã tăng lên 39,4% (so tổng số ca nhiễm được phát hiện); có 62 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Tuy nhiên, một kết quả đáng ghi nhận là số trường hợp nhiễm HIV/AIDS và tử vong qua giám sát phát hiện có chiều hướng giảm so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, số trường hợp nhiễm HIV giảm 102 trường hợp (tương đương 40%), số trường hợp chuyển sang AIDS giảm 68 trường hợp (tương đương 44%), số trường hợp tử vong do AIDS giảm 13 trường hợp (tương đương 50%).
Có được điều này là do chương trình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ngày càng được củng cố và cải thiện chất lượng. Từ đó, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị sớm hơn.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách AIDS, các cộng tác viên và đồng đẳng viên tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS đồng thời giới thiệu họ đến các dịch vụ chăm sóc điều trị sớm hơn nên góp phần làm giảm số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong. Qua kết quả giám sát phát hiện cho thấy, số trường hợp nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy chiếm 8,6%, so với cùng kỳ năm 2013 số nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng giảm.
Đồng hành, chia sẻ cùng người bệnh
Theo bác sĩ Lê Văn Việt, nhiều năm qua, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai phòng chống HIV/AIDS, từ đó nâng cao nhận thức của người dân hành động tích cực bảo vệ, chăm sóc, nhất là đối tượng trẻ em.
Nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện được hình thành và phát triển như: dịch vụ chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được duy trì và phát huy hiệu quả.
Các trường học cũng lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các chương trình ngoại khóa, các hoạt động thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục giới tính, rèn luyện kỹ năng sống…
Hiện nay, Vĩnh Long đang duy trì hoạt động 3 phòng khám gồm: phòng khám ngoại trú người lớn, phòng khám nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và phòng khám ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Đa khoa Bình Minh.
Trong đó, số bệnh nhân nhiễm HIV quản lý tại phòng khám ngoại người lớn là 824 người (có 784 bệnh nhân được điều trị ARV), số bệnh nhân trẻ em được điều trị ARV là 37. Riêng số người nhiễm HIV được điều trị thuốc Isoniazid và Vitamine B6 là 260 bệnh nhân.
Ngoài ra, hoạt động của các đội khám bệnh lưu động, chương trình cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ đã tạo điều kiện cho bệnh nhân được tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt nhất, xóa dần mặc cảm và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Thông qua chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đã phát hiện 12 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Những trường hợp này đều được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV và các trẻ sinh ra đều được điều trị dự phòng và nhận sữa ăn thay thế sữa mẹ.
Riêng ngành giáo dục trong thời gian qua cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS thu hút nhiều học sinh tham gia. BCĐ phòng chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội cũng đã được thành lập tại các cơ sở giáo dục, nội dung tuyên truyền phong phú, dễ hiểu và thực hiện. Từ đó nâng cao ý thức của học sinh, phòng tránh các em bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
Nói như cô Huỳnh Thị Xuân- giáo viên Trường THPT Lưu Văn Liệt: “Nếu bản thân mỗi người đều nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, quyết tâm đoàn kết, đứng trên một chiến tuyến thì chắc chắn rằng trên thế giới không còn căn bệnh nào đi chung với 2 từ “đại dịch”. Không chỉ HIV mà ngay cả Ebola ngày nay cũng vậy!”
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011- 2015 là “Geting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu 3 không”: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tuy nhiên, năm 2014, Việt Nam sẽ tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, với nội dung chủ yếu là truyền thông, vận động thay đổi hành vi nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin