Duy trì mức sinh thấp hợp lý- không thể buông lơi

06:12, 26/12/2014

"Duy trì mức sinh thấp hợp lý- Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước" là một trong những nhiệm vụ đang đặt ra đối với công tác dân số nên đề cao nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân là việc không thể buông lơi.

"Duy trì mức sinh thấp hợp lý- Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước" là một trong những nhiệm vụ đang đặt ra đối với công tác dân số nên đề cao nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân là việc không thể buông lơi.


Duy trì mức sinh thấp hợp lý sẽ giúp đất nước phát triển bền vững trong tương lai.

Sau những nỗ lực trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/ bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ) và đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 69% tổng dân số).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Hiện số cặp vợ chồng sinh đủ 2 con giảm rất mạnh, nhiều địa phương mức sinh còn chênh lệch nhau. Có nơi đến giờ vẫn chưa đạt được mức sinh thay thế, nhưng cũng có những tỉnh- thành mức sinh đang giảm rất thấp.

Vĩnh Long hiện nằm trong nhóm tỉnh- thành có mức sinh thấp với số con bình quân trên mỗi bà mẹ khoảng 1,8 con. Một số nơi như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Bình Tân,… chỉ số này thấp hơn rất nhiều.

Kết quả giám sát tại các địa phương về công tác DS-KHHGĐ của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Long cho thấy, mức sinh của tỉnh trong năm 2014 có chiều hướng tăng nhẹ (1,86%) và có 395/ 8.553 trẻ sinh ra là con thứ 3. Những trường hợp này, đa số đều là hộ nghèo, chỉ có một ít thuộc diện khá giả do sinh con một bề nên kiếm thêm đứa thứ 3 với hy vọng “có nếp, có tẻ”.

Trong khi đó, giới trí thức, cán bộ viên chức, công nhân đang được khuyến khích sinh đủ 2 con nhưng nhiều người lại lắc đầu, bảo “một đứa được rồi”.

Lý giải vì sao không sinh thêm con thứ 2, chị Lê Thị Thu (xã Song Phú- Tam Bình) cũng như nhiều nữ công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú, cho biết: “Lương em cộng tiền phụ hồ của chồng vừa đủ ăn uống và lo cho con gái học hành. Tháng nào đám tiệc nhiều là thiếu, không đủ tiền xoay xở nên phải vay mượn bên ngoài. Giờ sinh thêm đứa nữa lo sao nổi?”

Anh Nguyễn Văn Tâm (công tác tại một ngành tỉnh) thì tâm sự: “Vợ chồng tôi có một con trai 10 tuổi, gia đình nội ngoại đều muốn có thêm đứa cháu nữa nhưng vợ tôi cứ dùng dằng không chịu sinh vì sợ con nhỏ bận bịu không đi làm được. Vợ chồng tôi đều là công chức, công việc cơ quan cũng nhiều nên giờ mà chăm con nhỏ cũng ngán nên thôi”.

Ngoài lý do kinh tế, công việc, một số cặp vợ chồng sau khi sinh đứa thứ nhất bị rơi vào cảnh “vô sinh thứ phát” hoặc đã lớn tuổi nên “muốn sinh thêm lại không được” dẫn đến số trường hợp sinh đủ 2 con ngày càng giảm.
 
Theo ông Võ Thanh Liêm- Phó Phòng DS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Vĩnh Long:

“Sau hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác DS- KHHGĐ, nhiều gia đình đồng tình với mô hình ít con nên giờ vận động họ sinh thêm cho đủ 2 con là điều không thể làm được ngay. Do đó, chúng tôi đang triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số kết hợp tuyên truyền để mọi người thấy được tầm quan trọng của việc ổn định mức sinh hợp lý. Từ đó, sinh con sao cho vừa đủ”.


Duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cũng nhằm kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.

Thực tế ở nhiều nước có mức sinh thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, khi mức sinh quá thấp sẽ làm suy giảm nguồn nhân lực, rút ngắn giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” và đẩy nhanh quá trình già hóa dân số.

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “dân số vàng” nên duy trì mức sinh thấp hợp lý là để trong tương lai, cả nước sẽ có được quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa các độ tuổi và duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động nhằm kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, tạo cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội,…

Vừa qua, tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã khẳng định: “Sự phát triển bền vững của dân tộc, đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Hay nói cách khác, phải phụ thuộc vào quy mô dân số, cơ cấu, chất lượng dân số” nên ông chỉ đạo các địa phương không được buông lơi trong việc duy trì và ổn định mức sinh.

Theo đó, Vĩnh Long triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm đề cao trách nhiệm và huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và từng gia đình trong việc duy trì mức sinh thấp hợp lý.
 
“Giờ tuyên truyền, vận động sinh đủ 2 con “trần ai” cũng không kém ngày xưa đi vận động giảm sinh. Khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để mọi người hiểu và thực hiện vì đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương”- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bình Tân, chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh