“Khuyết” nhưng không “tàn”

06:12, 03/12/2014

Những khiếm khuyết cơ thể thường làm nhiều người khuyết tật (NKT) mặc cảm, tự ti,… Nhưng vượt qua những ranh giới đó, không ít NKT tự tin hòa nhập cộng đồng bằng chính sức lao động của mình. Khuyết tật nhưng không tàn tật, họ luôn lạc quan trong cuộc sống. Để từ đó, sống đẹp, sống có ích cho gia đình xã hội.


Trong năm 2014, Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã trao 718 xe lăn, 65 xe lắc, 52 xe bại não cho NKT.

Những khiếm khuyết cơ thể thường làm nhiều người khuyết tật (NKT) mặc cảm, tự ti,… Nhưng vượt qua những ranh giới đó, không ít NKT tự tin hòa nhập cộng đồng bằng chính sức lao động của mình. Khuyết tật nhưng không tàn tật, họ luôn lạc quan trong cuộc sống. Để từ đó, sống đẹp, sống có ích cho gia đình xã hội.

Vượt qua khiếm khuyết

Chúng tôi về xã Phú Đức (Long Hồ) thăm gia đình của chú Nguyễn Văn Bảy (52 tuổi) khi chú đang đi cắt cỏ cho 2 con bò nhà. Với dáng người nhỏ nhắn, một chân và tay bên trái bị teo cơ rút lại, chú Bảy đi đứng khó khăn.
 
Vậy mà ngày ngày chú Bảy vẫn ra ruộng, vườn cắt cỏ cho bò. Chú cười tươi: “Mỗi ngày, 2 con bò ăn 1 xe cỏ, tui cắt một buổi sáng là xong”. Vì có tật, mỗi khi cắt cỏ chú Bảy dường như nằm sát mép đất chứ không thể ngồi được và mỗi khi cắt xong thì đầu cổ, mình mẩy chú dính đầy bùn đất.

Gia đình chú Bảy có cả thảy 3 người bị tật. “Chị Ba bị mù một mắt và em gái cũng bị chân tay giống tui”- chú Bảy nói. Tuy vậy, 3 chị em vẫn tự chăm sóc bản thân và mẹ già hơn 80 tuổi đồng thời làm 3 công vườn ruộng. Chú Bảy cho rằng: “Khuyết tật nhưng tôi cũng làm việc chứ, đâu thể cứ ăn bám gia đình mãi được. Mình làm được gì thì cứ ráng làm”.

Cô Nguyễn Thị Thắm- em chú Bảy- đi đứng khó khăn dáng người nhỏ thó, quanh năm chỉ quanh quẩn trong nhà vì “cứ đường mấp mô, giở chân lên là nó té”- mẹ cô Thắm- bà Huỳnh Thị Duyên nói. Ngày ngày, cô Thắm ở nhà phụ dọn dẹp, cơm nước. Bà Duyên nói thêm: “Đầu óc nó chậm phát triển. Hồi nó còn nhỏ cái đầu bự dữ lắm, đi đâu cũng lấy cái khăn rằn quấn lại, bây giờ đỡ rồi đó chớ”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- cán bộ phụ trách NKT của xã Phú Đức cho biết: “Gia đình của anh Nguyễn Văn Bảy không thuộc diện hộ nghèo, cũng không nhận được trợ cấp dành cho NKT. Nhiều lần chúng tôi làm hồ sơ nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách”.

Mạnh mẽ vươn lên

Anh Huỳnh Chí Dũng (Phường 3) bị khuyết tật vận động nhưng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội.

Anh Dũng hiện là Chủ nhiệm CLB NKT Phường 1 và Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phường 3. Với anh Dũng, phải bỏ qua một bên sự ưu tư, sầu não. Mình phải sống lạc quan, phấn đấu tìm niềm vui trong công việc để tự lo cho bản thân và làm nhẹ gánh cho cha mẹ.

Ngoài công việc cơ quan, về đến nhà anh Dũng còn học nghề đan ny lông để làm gia công tại nhà. Anh vui vẻ cho biết: “Tháng rồi mới học làm được hơn 500 ngàn. Tháng này, tôi làm còn nhiều hơn ”.


Chú Nguyễn Văn Bảy mỗi ngày vẫn đi cắt cỏ nuôi bò.

Đi đứng khó khăn nhưng khi nghe tin có lớp dạy nghề cho NKT, cô Nguyễn Thị Bích Châu (Phường 2) đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Nhờ khéo tay lại hay làm nên mỗi tháng cô Châu thu nhập hơn 1 triệu đồng. Đối với cô, đó là động lực, là niềm vui vì cô đã có thể tự nuôi sống bản thân mình.

Trên chiếc xe lắc, ngày ngày chú Phạm Hoàng Sơn (xã Tường Lộc- Tam Bình) đi bán vé số, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn nuôi cả gia đình.

Cưới vợ và ra riêng với 2 bàn tay trắng, nhờ chí thú làm ăn và không ngừng học hỏi: làm bột, làm bánh nay chú Sơn đã có tích lũy mua được mấy công vườn và nuôi 2 con ăn học đàng hoàng. Điều đáng khâm phục ở chú là tinh thần lao động không mệt mỏi. “Tết, tôi cũng không nghỉ, vì một ngày không làm gì thì không chịu nỗi đâu”.

Trong năm 2014, Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã bảo trợ cho hơn 412.000 lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.

Hoạt động nổi bật trong năm 2014 là việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế, tập trung kế hoạch đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại địa phương để tạo nguồn thu nhập ổn định cho đối tượng NKT.
 
Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến công của tỉnh, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ- cơ sở đan sợi ny lông Thanh Thanh xã Long Phước (Long Hồ), đã tổ chức thành công 2 lớp dạy nghề cho 69 đối tượng là NKT và hộ gia đình NKT.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh