Kỳ cuối: Đường rộng nông thôn thêm mới

07:12, 02/12/2014

Ngày trước, khi nhắc đến đường đi Tân Thành (Bình Tân), Hòa Hiệp (Tam Bình), Xuân Hiệp (Trà Ôn)… là ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Thế nhưng với sự chung tay góp sức của người dân, những khó khăn ấy giờ đã là ký ức.

>> Kỳ 1: Có những tấm lòng quý hơn vàng
>> Kỳ 2: Khơi sức dân


Những tuyến đường ngày càng được mở rộng, ấp liền ấp, xã liền xã giúp người dân đi lại thuận lợi.


Ngày trước, khi nhắc đến đường đi Tân Thành (Bình Tân), Hòa Hiệp (Tam Bình), Xuân Hiệp (Trà Ôn)… là ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Thế nhưng với sự chung tay góp sức của người dân, những khó khăn ấy giờ đã là ký ức.

Những con đường lớn đã mở ra, việc đi lại của bà con không còn khó khăn như trước…

Khó khăn đã lùi xa

Ông Hồ Văn Xê (ấp Phước Ngươn B, xã Long Phước- Long Hồ) nhớ lại: “Hồi xưa, đường sá lầy lội. Lúc đó mơ có được con lộ khang trang, bây giờ Nhà nước đầu tư làm thì mừng quá. Chuyện mất vài chục, thậm chí vài trăm mét đất nhưng đổi lại việc đi lại thông thương thì cũng đáng”.

Tuổi ngoài 80, ông Sáu Thì (ấp Ngã Ngay, xã Tân Long- Mang Thít) được xem là một trong những “già làng” ở địa phương.
 
“Tui ở đây từ năm mười mấy tuổi đến giờ cũng mấy chục năm nên… biết hết. Nói chi cho xa, nội cái chuyện đường sá thôi cũng thấy khác. Con đường trước nhà mấy năm trước chỉ là đường đất nhỏ xíu, chứ đâu được đường nhựa nghe đâu tải tới “5 tấn”. Ông cười ví von: “Đi hớt tóc giờ cũng sướng, chỉ việc ngồi nhà alô là taxi vô tới cửa. Khoái quá trời!”

Có thể nói, về nông thôn bây giờ không còn khó khăn như trước. Những con lộ tráng nhựa phẳng lì, đúng chuẩn nông thôn mới thay thế cho những con đường nhỏ xíu, trơn trợt ngày nào.
 
Ngay như ấp Ngãi Thạnh- ấp nông thôn của xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm), các tuyến đường giao thông được hình thành từ các bờ vùng thủy lợi, kết hợp với các đường liên xóm. Những năm trước, việc đi lại ở các tuyến đường trên địa bàn ấp gặp không ít khó khăn- nhất là trong mùa mưa, lũ.

Đến khi Nhà nước đầu tư xây dựng đê bao chống lũ dọc theo tuyến sông Bưng Trường và sông Nhà Đài thì đỡ hơn, nhưng “cũng chưa hết khó”.

Bởi khi đê bao hoàn thành, mùa mưa mặt đê bị rửa trôi, ngày càng xuống cấp, “xe máy chạy không được, xe đạp phải… dẫn luôn”. Chi bộ ấp đứng ra chủ công vận động nhân dân, người hiến đất, người góp công làm con đường đan ngon… hết ý.

Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nguyễn Bá Tòng kể: Có những con đường làm từ những năm chín mươi, chín mấy nhưng làm theo kiểu chắp vá, nhỏ xíu giống như bờ đê. Mùa nước nổi không sao ngủ được. Dân kêu nước tràn là lo sốt vó”.

Ông nhớ hoài chuyện con đường phân ranh Ấp 4, Ấp 6 (Hòa Hiệp) và Ấp 5 (Hòa Thạnh) khiến 2 xã… muốn chết. Vì không chủ động được nước, bên đòi sạ, bên bảo chưa mà... cự nhau hoài. Mười mấy năm rồi giờ mới được giải quyết.

Rời QL53, chúng tôi ra QL1 về xã Đông Thạnh. Nơi mà theo đồng chí Bí thư xã Đông Thạnh Lê Văn Xứ: “Hồi trước đi chợ mua hai món đồ thôi muốn cả ngày vì… không có đường. Sáng rờ rờ trời là đã đi rồi. Mỗi ngày chỉ có 1 chuyến đò, về hết ghé chỗ này đến ghé chỗ khác, về đến nhà 3- 4 giờ chiều. Khổ lắm. Còn giờ thì… sướng quá rồi”.

Đường vào xã Đông Thạnh ngày nay quả là sướng thật! Mặt lộ to đùng, không chỉ xe máy mà xe 4 bánh cũng có thể lưu thông. Ngoài 3 đường liên xã, địa phương phấn đấu đến năm 2015, xe 4 bánh có thể về 6 ấp.

Đường lớn đã mở

Trò chuyện cùng chúng tôi về đường giao thông nông thôn ngày nay, ông Hai Hiển (ấp Vĩnh Thới, xã Thuận Thới) nhớ lại: Mấy năm trước, đường đi trước nhà tui chỉ là con đường đất nhỏ xíu. Tụi nhỏ về thăm tui chỉ dám chạy xe mùa nắng, chứ mùa mưa phải gửi xe, đi đò cả nửa tiếng đồng hồ”.
 
Hớp ngụm trà, ông tâm đắc: “Ngày trước, chợ búa chi cũng chỉ nhờ ghe xuồng. Giờ thì khỏe rồi. Nói chi xe 2 bánh, xe 4 bánh cũng chạy ngời ngời trên lộ”.

Thật vậy, nông thôn Vĩnh Long bây giờ đường đan tỏa ra tứ hướng. Ngay cả vùng cù lao mương rạch chằng chịt cũng đã thông xe 2 bánh từ nhiều năm nay và ôtô cũng đã đến được trung tâm xã.

Hiện có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, các ấp đều có đường dân sinh được thuận tiện trong hai mùa mưa nắng, góp phần quan trọng hình thành nông thôn mới đến tận vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến.

Ngay như xã Mỹ Lộc (Tam Bình), sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân hiến gần 200.000m2 để mở rộng đường làng ngõ xóm. Xã Long Mỹ (Mang Thít), trên 800 hộ dân hiến trên 13.000m2 đất ruộng, vườn cùng hoa màu.
 
Xã Long Phước (Long Hồ) triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” với mô hình “Vận động nhân dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn”, đến nay có gần 500 hộ hiến trên 45.000m2 đất cùng nhiều cây ăn trái, cây lấy gỗ lâu năm.

Thông qua vận động của chính quyền và các đoàn thể, người dân xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm) đã tự nguyện hiến trên 40.000m2 đất mà không nhận đền bù…

Chưa có con số thống kê đầy đủ người dân đã hiến bao nhiêu đất, vật kiến trúc cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn nhưng từ thực tế lãnh đạo địa phương đều khẳng định chắc nịch: Sức dân to lớn lắm!


Đường liên ấp giữa Ấp 7 (xã Hòa Lộc) và Ấp 8 (xã Mỹ Lộc) xe chạy bon bon.

Chính những công trình hợp lòng dân đã huy động được sức dân để từ đó những con đường lớn đã mở. Lộ Bờ Ông Cả (QL53- sông Ngã Ngay) trước là “bờ mẫu, rộng chỉ bằng miếng đan… 8 tấc, chạy xe sợ té muốn chết”, giờ được tráng nhựa phẳng lì, đâm thẳng ra QL53 rất phải thế!

Chủ tịch UBND xã Tân Long Lê Thành Phương phấn khởi khoe luôn: Ấp xa nhất về đến trung tâm huyện giờ cũng chỉ 7- 8 cây số, rút được gần nửa khoảng cách so với trước đây!

Phải là người dân nơi đây, từng oằn lưng gánh vác từng bó lúa trên con đường sình lầy trơn trợt trên cái bờ “cơm nếp” ngày nào thì mới cảm nhận được nỗi mừng vui khi những con đường đan, đường tráng nhựa phẳng lì, mát mắt nối dài ở vùng quê này.

Ai có ngờ rằng, ngọn Ba Giạ (Hòa Hiệp) “trước đây ai cũng ngán vì âm u, muỗi cắn không biết đường ra, hai bên toàn lá”, đến mùa nước còn dễ sợ hơn, ngập hết nhà cửa. Con cái đi học phải cõng, quần xăn tới gối. Bây giờ tên gọi “Ba Giạ” vẫn còn nhưng nó đã là con đường cao, trải đá ra tận lộ lớn.

Quanh năm gắn bó với ruộng đồng nên với nông dân, tấc đất, tấc vàng và đất đai, ruộng vườn chẳng khác nào khúc ruột của mình. Làm đường, hiến đất cũng tiếc lắm chứ song mình phải nghĩ đến cái chung mà hy sinh một chút! Nhiều nông dân khẳng định chắc nịch như vậy. Chính suy nghĩ này đã làm những tuyến đường ngày càng được mở rộng, ấp liền ấp, xã liền xã…

Điều đó cũng khẳng định rằng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo sự đồng thuận cao, đã thu hút nhân dân tự đóng góp ngày công, tiền của tham gia làm đường giao thông, không chỉ tạo thuận lợi cho giao lưu đi lại của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, tạo diện mạo mới cho Vĩnh Long ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: UYÊN QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh