
Cách TP Vĩnh Long chỉ vài cây số, hàng trăm hộ dân sống ở mặt tiền Quốc lộ 1 thuộc 2 ấp Tân Bình, Tân Hưng (xã Tân Hạnh- Long Hồ) rất bức xúc về chất lượng nước sinh hoạt từ nhiều năm qua.
Thím Bảy Thân cho biết, hơn 20 kiệu đã hứng đầy nước mưa để dành nấu ăn, chứ không dám xài nước máy Trương Vách.
Cách TP Vĩnh Long chỉ vài cây số, hàng trăm hộ dân sống ở mặt tiền Quốc lộ 1 thuộc 2 ấp Tân Bình, Tân Hưng (xã Tân Hạnh- Long Hồ) rất bức xúc về chất lượng nước sinh hoạt từ nhiều năm qua. Trong khi khu vực này có đường ống nước sạch từ TP Vĩnh Long ngang qua (chủ yếu phục vụ Khu công nghiệp Hòa Phú) với chất lượng nước tốt, thì người dân ở đây cho biết nguồn nước từ Nhà máy nước Trương Vách cung cấp khiến người dân lo lắng khi sử dụng.
“Có nước máy nhưng không dám xài”
Nhiều người dân ở 2 ấp Tân Bình, Tân Hưng đã lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về chất lượng nước máy đang sử dụng. Trước đây, khi chưa có nhà máy nước, người dân xách nước sông lóng phèn dùng ăn uống, sinh hoạt. Từ ngày có nước máy chảy tới nhà, “tụi tui mừng hết lớn”, nhưng hơn 6 năm qua chất lượng nước ngày càng tệ.
Chị N.H- bán nước ở chợ Cầu Đôi, lo lắng: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm. Từ khi có Nhà máy nước Trương Vách thì tiện lợi hơn. Nhưng mấy năm nay mình xài thấy nước lạ lạ như khi nấu nước thấy nồi nước đóng teng, rửa tay thấy nhớt, rửa hoài không sạch. Lâu lâu đường nước lại bị nghẹt, đổi màu đục, đóng cặn. Riết rồi tôi đâu dám xài”.
Cạnh đó, chú Sáu Lang bán quần áo may sẵn cũng cho biết vừa chạy ra TP Vĩnh Long chở 2 thùng nước về để dành nấu nướng, vì không dám xài nước Trương Vách.
Theo chú Sáu Lang, thoạt nhìn nước cũng bình thường, nhưng khi nấu nồi ấm bị đóng teng, nước lúc nào cũng như nhớt nhớt, sáng ra mở nước có mùi khét khét… tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Nhiều người không có điều kiện vẫn phải bơm nước sông lên xử lý để sử dụng.
Thím Bảy Thân (ấp Tân Hưng) chỉ cho chúng tôi coi mấy cái thau nhôm “rổ mặt, đen xì hết” qua vài lần sử dụng và hàng kiệu hơn 20 cái chứa đầy nước mưa bảo: “Nước máy tưới cây còn héo, thì sao dám uống?” Trong khi chú Bảy Thân “thực nghiệm” pha bình trà “nhìn coi cái màu đen sậm à, nước trà không còn mùi vị gì”.
Chú Bảy Thân cho biết: “Tui và hàng chục người dân đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh tình trạng nước kém chất lượng, kiến nghị chính quyền có giải pháp hỗ trợ người dân sử dụng được nguồn nước đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng tụi tui nói 6 năm rồi vẫn chưa giải quyết được”.
Chú chỉ đường ống dẫn nước chạy qua trước sân nhà đặt câu hỏi: “Đó, cô chú thấy khu vực này có 2 hệ thống nước, sao người dân không được lựa chọn nước tốt hơn?”
Mỏi mòn mong nước sạch hơn
Chúng tôi đem câu hỏi này chuyển đến ông Lê Tấn Lộc- Trưởng ấp Tân Hưng, để giải tỏa bức xúc cho người dân. Theo ông: Doanh nghiệp Trương Vách đầu tư nhà máy nước từ hơn 10 năm trước, lúc đó người dân rất “khát” nước máy.
Trương Vách khai thác mạch nước ngầm cung cấp, bà con có nước thì xài, đâu quan tâm chất lượng. Càng ngày đời sống càng phát triển, người dân ra TP Vĩnh Long rồi về so sánh nước mình không ngon ngọt như nước người ta.
Riết rồi để ý, nước mình đang xài sao nó lạ quá. Luộc rau gì nước cũng có màu như rau, tắm giặt nhớt trên da luôn, nồi nhôm mới mua về nấu xong nhấc xuống có trớn ngang, pha trà, cà phê không còn mùi vị…
Người dân không hài lòng và cảm thấy khó hiểu vì các mẫu nước doanh nghiệp đưa đi kiểm nghiệm đều đạt chuẩn.
Cũng theo ông Lê Tấn Lộc, chợ Cầu Đôi có hơn 200 hộ buôn bán. Trong khi ở 2 ấp Tân Bình, Tân Hưng có trên 1.000 hộ, nhưng hiện chỉ có các hộ ven quốc lộ, dọc đường đan có nước máy sử dụng, còn hơn phân nửa số hộ vẫn chưa có nước máy sử dụng vì họ “nghe tới đã sợ” về chất lượng nước.
Mặt khác, ông Lê Tấn Lộc cho biết nếu người dân có nhu cầu thì năng lực nhà máy khó đáp ứng nổi, do đường ống nhỏ đã đầu tư hơn chục năm chưa được nâng cấp. Người dân vẫn thường phản ánh nước bị nghẹt, đường ống hay bị bể dễ lẫn tạp chất, ô nhiễm.
Đối với khu vực đang phát triển ven đô thị TP Vĩnh Long, hiện nay nước sạch không chỉ sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, mà còn góp phần cho các dịch vụ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn. Yêu cầu “nước sạch hơn” đang rất bức xúc.
Theo ông Lê Tấn Lộc, lãnh đạo tỉnh cần có biện pháp phù hợp để sớm giải quyết bức xúc của người dân. Một mặt giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp tránh đầu tư chồng lấn. Mặt khác cũng cần quan tâm yêu cầu của người tiêu dùng, vì họ bỏ tiền ra mua sản phẩm thì buộc phải được lựa chọn hàng hóa tốt hơn.
Bài, ảnh: AN- THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin