Huy động hơn 37.000 chiến sỹ sẵn sàng hỗ trợ ứng phó bão số 5

07:12, 11/12/2014

Tối 10/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp trực tuyến về việc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5.


Tàu thuyền neo đậu trú bão. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)


Tối 10/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp trực tuyến về việc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết bão số 5 còn có khả năng mạnh thêm (khoảng cuối cấp 9) trên khu vực giữa Biển Đông do đi vào vùng biển ấm và không khí lạnh tăng cường bổ sung gió Đông Bắc mạnh phía Bắc.

Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ 20 km/giờ, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam , cường độ bão giảm còn cấp 8 hoặc yếu hơn.

Khoảng chiều tối và đêm 11/12, bão hoặc áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão đi vào khu vực Khánh Hòa-Bình Thuận, cường độ cấp 6-7, gió giật cấp 8-9.

Phần phía Bắc của bão (khu vực Bình Định-Khánh Hòa) có gió mạnh hơn do kết hợp với không khí lạnh (gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10).

Từ trưa mai (11/12) đến hết ngày 13/12, từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa khoảng 100-200 mm/đợt, trọng tâm mưa là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa (có nơi trên 200mm).

Ở Tây Nguyên (Nam Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) mưa 50-70mm, có nơi trên 100mm. Tại Nam Bộ có mưa, mưa vừa (30-60mm).

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông từ đêm nay (10/12) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Nam Bộ có khả năng xảy ra dông, gió giật mạnh trong chiều tối và đêm mai (11/12).

Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ-cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 đến Quân khu 9 và các lực lượng, huy động hơn 37.000 cán bộ chiến sỹ, 216.000 dân quân, cùng 3.726 phương tiện các loại và 10 tàu của lực lượng Hải quân ứng trực sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Đại tá Phạm Văn Tỵ, do tính chất đặc thù của các tỉnh phía Nam, nhiều nhà dân chưa được kiên cố nên đề nghị các địa phương hết sức chú ý chằng chống nhà cửa, tránh tư tưởng chủ quan khi bão vào cấp 6, cấp 7 làm tốc mái tôn có thể đe dọa tính mạng người dân.

Đồng thời các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội trên địa bàn và thông báo kịp thời để các lực lượng ứng phó kịp thời khi xảy ra tình huống xấu.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão, đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước, trong và sau bão.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giữ liên hệ với các tàu, thuyền hướng dẫn ngư dân vào nơi trú tránh an toàn, bố trí sắp xếp tàu, thuyền tại các nơi neo đậu; sẵn sàng các phương án sơ tán dân những khu vực ven biển, lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và những nơi có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét sạt lở đất, vùng hạ lưu các hồ chứa phải xả nước khi xảy ra tình huống xấu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý trong bão có thể có những sự thay đổi bất thường, vì vậy không chủ quan và phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất; thường xuyên thông tin cho nhân dân phòng chống trên biển và trên bờ, nhất là ở các đảo và du khách nước ngoài về diễn biến của bão.

Các địa phương đã thực hiện lệnh cấm biển đề nghị thực hiện nghiêm không để ngư dân ra khơi khi bão đổ bộ đất liền./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh