Dịch vụ taxi Uber và những thách thức ở khu vực Đông Nam Á

03:12, 05/12/2014

Dịch vụ Uber, giúp đặt taxi thông qua ứng dụng trên smartphone, đang ngày càng phổ biến, hứa hẹn mang lại cước phí rẻ hơn so với các hãng taxi thông thường.

Dịch vụ Uber, giúp đặt taxi thông qua ứng dụng trên smartphone, đang ngày càng phổ biến, hứa hẹn mang lại cước phí rẻ hơn so với các hãng taxi thông thường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: www.theverge.com)

Tuy vậy, Uber, đang hoạt động ở hơn 200 thành phố từ khi thành lập vào năm 2009, hiện đối diện với các tranh chấp pháp lý ở nhiều nước như Đức, Vương quốc Anh và nay là khu vực Đông Nam Á.

Khi đưa vào triển khai ở Việt Nam, hãng này đã vấp phải nhiều vấn đề pháp lý khi hàng loạt tài xế bị kiểm tra không xuất trình được bằng lái.

Uber cũng đã từng đối mặt với vấn đề tương tự ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, vào giữa năm 2011, vì sử dụng tài xế không có giấy phép hành nghề, Cơ quan Vận tải thành phố San Francisco từng yêu cầu công ty này ngừng hoạt động. Cùng thời điểm, hàng ngàn tài xế taxi truyền thống ở châu Âu đã xuống đường biểu tình phản đối dịch vụ Uber.

"Cần hợp pháp hoá Uber"

Ở Việt Nam, nếu sử dụng phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải, khi bị kiểm tra, cá nhân sẽ bị phạt ba đến bốn triệu đồng, đối với các tổ chức là sáu đến tám triệu đồng.

Tại Ấn Độ, dịch vụ Uber đã bị khai báo là vi phạm các quy định về hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng. Tài xế taxi truyền thống ở đất nước này nói rằng các lái xe Uber đã không tuân thủ luật lệ được thiết lập bởi Ngân hàng trung ương Ấn Độ, nơi yêu cầu bất cứ hình thức thanh toán tín dụng nào cũng đều phải sử dụng quy trình thẩm định hai bước.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ nói việc trả tiền cho một chặng đường đi xe Uber thông qua điện thoại thông minh đã phá bỏ luật lệ và thiết lập hạn chót là ngày 30/11 để hãng này chấp hành.

Đáp lại, Uber đã lập ra một thỏa thuận với công ty Paytm cho phép khách hàng không còn trực tiếp sử dụng thẻ tín dụng và không phạm phải yêu cầu hai bước.

Uber đã chỉ trích hệ thống hai bước làm cho người không đăng ký ở Paytm cảm thấy “không cần thiết và nặng nề," đồng thời cho rằng hệ thống này rườm rà với khách hàng và bó buộc các công ty kinh doanh trên khắp Ấn Độ.

Còn ở Thái Lan, nhà chức trách nhìn nhận những công ty taxi Uber là không hợp pháp, bởi những lý do như các phương tiện Uber không đăng ký đúng cách; tài xế không có bằng lái; giá phí không đồng thuận với giá thị trường; dịch vụ không dành cho khách hàng không có thẻ tín dụng.

Bộ Giao thông Vận tải nước này cũng đã bắt đầu tìm và phạt tiền những tài xế Uber. Khi bị bắt, những người này có thể đối mặt với mức phạt lên tới 4.000 baht (tương đương 120 USD).

Trong khi đó, ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ Uber ở Singapore và con số này đã tăng vọt ở thành phố gần 5,4 triệu dân này, đặc biệt là vào những giờ cao điểm.

Uber đã cung cấp dịch vụ cao cấp UberExec hay như các ôtô rẻ hơn như UberX, bên cạnh các dịch vụ đặt taxi thông thường khác.

Tuy nhiên, nhà chức trách Singapore có kế hoạch quản lý ứng dụng taxi của Uber bằng việc giới hạn phí, phí trả cho ứng dụng đặt chỗ không được phép vượt quá các hãng taxi khác, và chỉ sử dụng những tài xế và phương tiện được cấp phép.

Những nhà vận hành như Uber hay GrabTaxi hiện nay phải đăng ký với Cục Giao thông vận tải. Cách điều hành mới này sẽ được thi hành từ quý 2/2015./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh