Chiều 9/12, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số 2014, tại Hà Nội với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước.”
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,1 con vào năm 2013; tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giảm từ 3,5% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2013; quy mô dân số năm 2013 chỉ đạt 90 triệu người; tuổi thọ bình quân tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2013.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, quy mô dân số lớn và vẫn tiếp tục tăng, mức sinh vẫn biến động khó lường, nhiều tỉnh mức sinh còn cao chưa đạt mức sinh thay thế nhưng một số tỉnh, thành mức sinh giảm quá thấp gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện nay, nhiều địa phương tại miền núi phía Bắc, Trung, Tây Nguyên vẫn còn hiện tượng sinh ba, thậm chí là sinh 6-7 con. Ngược lại, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lại có mức sinh rất thấp 1,5-1,6 con.
Vì thế, nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân số thời kỳ tới là duy trì được mức sinh thay thế hợp lý. Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con.”
Bên cạnh đó, một bài toán lớn đang đặt ra trong công tác dân số là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hiện tỷ lệ ở mức 113,8 bé trai trên 100 bé gái.
Theo đánh giá của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, nếu không thực sự có đột biến trong các giải pháp thực hiện thì Việt Nam khó đạt mục tiêu duy trì tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2020 ở mức 115 trẻ trai trên 100 trẻ gái.
“Nếu muốn duy trì kết quả đã được trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta không thể buông lỏng công tác dân số. Tất cả mọi người đều phải vào cuộc. Đây không phải là kỹ thuật cao siêu, công nghệ cực cao để làm công tác dân số mà là vấn đề tư tưởng cực kỳ quan trọng,” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Để giải quyết thực trạng này, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện ngành dân số tập trung tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, ngành dân số đang có các chính sách ưu tiên nữ giới, những gia đình sinh con một bề là con gái, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin