
Đó là thông điệp, khẩu hiệu truyền thông của Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (PN) và trẻ em gái” do Liên Hợp Quốc phát động, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng chủ trì với nhiều bộ, ngành liên quan hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với PN và trẻ em gái (25/11).
Đó là thông điệp, khẩu hiệu truyền thông của Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (PN) và trẻ em gái” do Liên Hợp Quốc phát động, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng chủ trì với nhiều bộ, ngành liên quan hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với PN và trẻ em gái (25/11). Thông điệp với mục tiêu cùng cam kết chấm dứt bạo lực với PN và trẻ em gái không chỉ trong các gia đình, mà còn ở nhà trường, công sở hoặc nơi công cộng.
Hạnh phúc trong gia đình không có bạo lực. Ảnh: THÚY HẢI
Còn đó nỗi đau về bạo lực gia đình
Bạo lực đối với PN và trẻ em gái diễn ra dưới nhiều hình thức như bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế. Trong đó nhóm bị bạo lực tình dục và tinh thần thường không dám lên tiếng, khó được cơ quan nhà nước tiếp cận, giúp đỡ. Cứ 2 PN kết hôn thì có 1 người phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Thống kê tình trạng bạo hành gia đình vài năm qua cho thấy 71,44% nạn nhân là PN và trẻ em gái.
Đầu tháng 9 vừa qua, dư luận đau lòng trước vụ việc bé Kim Ngân (quê ở Mang Thít- Vĩnh Long) bị chính mẹ ruột và cha dượng bạo hành tại khu nhà trọ ở Bình Dương. Bé Ngân thường xuyên bị hành hạ, dã man trước những trận đòn roi, may nhờ hàng xóm đến giải cứu.
Bé Ngân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, mặt sưng húp biến dạng, 2 mắt bầm tím mức độ nặng, xuất huyết lưới nhện thuộc dạng chấn thương sọ não.
Sau đó, bé được hàng xóm đưa đi cấp cứu điều trị kịp thời, được về với ba ruột và nhận nhiều quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Song theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, ngoài các vết thương thể xác thì chấn thương tinh thần sẽ còn hằn sâu, lâu dài trong đời sống của đứa trẻ.
Nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật...
Ðây là nhóm nguyên nhân được nhiều người đồng thuận nhất, bởi ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi.
Ðiều đáng quan tâm nữa là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Như trường hợp anh L. (Tam Bình), nửa đêm đánh vợ, đập hết đồ trong nhà đến mức vợ con phải trốn ngoài vườn...
Đây là gia đình xảy ra bạo lực gia đình thường xuyên, hạnh phúc mong manh đổ vỡ, nhưng nạn nhân cũng không dám làm lớn chuyện, trình báo với địa phương vì sợ “mất mặt”. Nhờ có nhóm phòng chống bạo lực gia đình của xã đã kịp thời phát hiện và can thiệp bằng nhiều hình thức nên sự việc cũng dần ổn định.
Tăng cường nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
Phát huy các mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình là một trong những nội dung mà Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hành động nhân buổi khảo sát về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò thường trực BCĐ Công tác gia đình tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức cán bộ công chức và người dân.
Đến nay, tỉnh đã nhân rộng được 31 mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình ở 8/8 huyện- thị- thành.
Theo ông Trần Quang Đông- Phó BCĐ Phòng chống bạo lực gia đình phường Cái Vồn (TX Bình Minh), sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở phường đi vào nề nếp và đem lại hiệu quả đáng kể.
Nắm chắc yêu thương. Ảnh: LOUIS HO
Tổng số vụ bạo lực gia đình xảy ra trong 2 năm là 50 vụ (do uống rượu về chửi mắng, con cái ngược đãi cha mẹ), chủ yếu ảnh hưởng đến tinh thần. Theo đó, BCĐ phòng chống bạo lực gia đình thành lập các CLB gia đình phát triển bền vững; các nhóm phòng chống bạo lực gia đình để thường xuyên sinh hoạt tuyên truyền theo diện rộng và chiều sâu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình...
Nhờ vậy, sau mỗi năm, số vụ bạo lực gia đình chỉ còn 2/3 số vụ của năm trước (năm 2012 là 36 vụ, năm 2013 là 14 vụ). Trong năm 2014, không có xảy ra vụ bạo lực gia đình, mà chỉ có 15 trường hợp có nguy cơ bạo lực gia đình được BCĐ đang theo dõi diễn biến để có biện pháp ngăn ngừa thích hợp.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã phối hợp với UBND các cấp và các ngành liên quan thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã mang lại hiệu quả thiết thực, can thiệp và hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Hội thành lập được trên 39 “địa chỉ tin cậy” tại các huyện- thị- thành với trên 263 thành viên, tích cực tư vấn, tham gia giải quyết được nhiều vụ việc có hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh- Nguyễn Thị Minh Hạnh, mô hình “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đánh giá là mô hình có tính khả thi cao, góp phần cùng địa phương giữ gìn an ninh trật tự xã hội; phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ phạm tội, góp phần thực hiện các tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
THÚY HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin