
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặc biệt quan tâm đến vai trò và quyền lợi của phụ nữ. Người đã nhấn mạnh: “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ là không giải phóng một nửa loài người; nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa”.
Vợ chồng hạnh phúc khi đồng cam cộng khổ. Ảnh: VINH HIỂN
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặc biệt quan tâm đến vai trò và quyền lợi của phụ nữ. Người đã nhấn mạnh: “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ là không giải phóng một nửa loài người; nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa”.
Cũng trong bài “Phải thật sự đảm bảo quyền lợi của phụ nữ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/12/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh.
Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy quyền lợi của mình”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách để đảm bảo bình đẳng nam nữ, phát huy vai trò và quyền lợi phụ nữ, ngăn chặn sự xâm hại đối với phụ nữ… thông qua Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xâm phạm nhân phẩm phụ nữ”;
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Nhà nước và xã hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ” và các văn bản luật: Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Riêng tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình theo Quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 10/2/2009 của UBND tỉnh; đây chính là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò và bảo vệ quyền lợi ích của phụ nữ.
Trong thực tế, tuy vai trò của phụ nữ được khẳng định, phát huy; quyền lợi ích được đảm bảo nhưng điều cần quan tâm là vấn nạn bạo hành trong gia đình vẫn đang là mối nguy hại cho rất nhiều chị, em phụ nữ. Hầu như, trên khắp cả nước bạo lực gia đình vẫn xảy ra, rất khó kiểm soát và đại đa số nạn nhân là phụ nữ.
Nhiều phụ nữ có việc làm ổn định và có thu nhập, song vẫn bị chồng hành hạ đánh đập về thể xác và tinh thần.
Đâu đó, vẫn còn những lời than vãn đến nao lòng của những chị em bị chồng hành hạ mà vẫn cắn răng gánh chịu! Một phần nguyên nhân lại xuất phát từ suy nghĩ của người phụ nữ luôn tự cho mình lệ thuộc vào chồng, nhẫn nhục, chịu đựng không muốn người ngoài biết, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, con cháu.
Thế nên, ngay chính chị em phụ nữ cần phải tự khẳng định mình, tự bảo vệ mình và tự cứu mình trước hành vi bạo lực gia đình.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện trên cả nước có trên 70% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ. Riêng tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2014 có 395 trường hợp bạo lực gia đình, trong đó có 243 trường hợp nạn nhân là phụ nữ.
Trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, ngành văn hóa đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng như: triển khai mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình:
thành lập các CLB gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, để trực tiếp tuyên truyền đến quần chúng nhân dân ở những địa phương vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tập trung tuyên truyền đến những đối tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình;
đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan: xây dựng pa nô, treo áp phích, khẩu hiệu, băng rôn ở những điểm tập trung đông dân cư, khu hành chính, chợ, bến phà, trường học, trụ sở ấp- khóm… đã mang lại hiệu quả đáng kể, song bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các trường hợp bạo lực gia đình biểu hiện dưới nhiều hình thức: bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục và ngày càng ở mức báo động, bởi có những trường hợp nghiêm trọng, trái luân thường đạo lý và xoáy mòn truyền thống tốt đẹp vốn có của gia đình Việt Nam: con giết cha (xã Long An), chồng giết vợ (TX Bình Minh), cha mẹ hành hạ ngược đãi con cái (xã Trung Chánh),...
Từ thực tế đáng thương tâm như vậy, trước vấn nạn bạo lực gia đình, thiết nghĩ đã đến lúc rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng xã hội và gia đình chú trọng quan tâm hơn nữa để phòng, chống bạo lực trong gia đình bằng những giải pháp như sau:
Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, xem đây là một trong những nội dung cấp bách và cấp thiết của địa phương, để cùng thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình gia đình Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, theo Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của UBND tỉnh.
Đối với các sở ban ngành và các tổ chức đoàn thể, cần tích cực phối hợp đồng bộ hơn nữa với ngành chức năng để tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình cho công chức viên chức, ngành và hội viên các cấp;
lồng ghép các nội dung được phân công trong Chiến lược phát triển gia đình gia đình Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, theo Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của UBND tỉnh vào chương trình công tác của ngành, của tổ chức đoàn thể để thực hiện nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình.
Sở chuyên ngành đã xây dựng mô hình theo chỉ đạo của bộ; các huyện- thị- thành cần chủ động nhân rộng mô hình cho địa phương mình, để dần dần công tác phòng chống bạo lực gia đình ăn sâu và có hiệu quả thiết thực, vững chắc đến từng khu dân cư, từng tổ tự quản, đến từng hộ gia đình và trước hết cần chú trọng ở các xã điểm xây dựng xã nông thôn mới.
Đối với gia đình và cộng đồng xã hội, cần thật sự quan tâm hơn nữa đến việc phòng chống bạo lực gia đình và hãy xem đây là một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
“Hãy phòng ngừa trước khi chống”, vì lẽ bạo lực gia đình có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu và không loại trừ hậu quả nghiêm trọng do bạo lực gia đình gây ra.
Ngoài đối tượng của bạo lực gia đình cần được tư vấn, chuyển đổi nhận thức, hành vi, thì ngay chính bản thân của mỗi người cũng cần phải kiểm soát và tích cực phòng chống cho bản thân mình.
Cộng đồng phải nêu cao trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình bằng cách tích cực phát hiện nguy cơ của bạo lực gia đình ở từng tổ nhân dân tự quản, ở tận khóm- ấp để đấu tranh, giáo dục, ngăn chặn… lúc nguy cơ mới manh nha; cán bộ, công chức các cấp phải gương mẫu trên cả 2 phương diện là: phòng chống bạo lực ngay chính trong gia đình mình, đồng thời tích cực phòng chống bạo lực gia đình trong khu dân cư nơi mình cư trú.
Chính vì vậy, chúng ta hãy “Hành động vì gia đình không có bạo lực”! Hãy chung tay góp sức để phòng, chống bạo lực gia đình.
Phòng chống bạo lực gia đình tốt sẽ góp phần giải phóng phụ nữ thoát khỏi vấn nạn bạo hành; cũng là biện pháp bảo vệ một nửa thế giới loài người như Bác Hồ kính yêu từng khẳng định và cũng là giải pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu:
“Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc” của Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình theo Quyết định số 215/QĐ-TTg, ngày 6/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
SEN VÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin