Làm giàu trên mảnh đất quê hương

06:11, 07/11/2014

Với sức trẻ và nghị lực vượt khó vươn lên, anh Nguyễn Công Trình (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) và anh Phan Văn Tuân (xã Phú Lộc- Tam Bình) là tấm gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Không chỉ vậy, các anh còn là những bí thư chi đoàn ấp, xã hoạt động xuất sắc trong các phong trào.


Anh Nguyễn Công Trình với quyết tâm làm giàu trên quê hương.

Với sức trẻ và nghị lực vượt khó vươn lên, anh Nguyễn Công Trình (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) và anh Phan Văn Tuân (xã Phú Lộc- Tam Bình) là tấm gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Không chỉ vậy, các anh còn là những bí thư chi đoàn ấp, xã hoạt động xuất sắc trong các phong trào.

Anh Trình “Ri 6”

Thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ sầu riêng và mít cao sản, anh Nguyễn Công Trình là thanh niên duy nhất của tỉnh Vĩnh Long đạt giải thưởng Lương Định Của 2014.

Khởi nghiệp với 2.000m2 đất trồng nhãn, năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, cuộc sống gia đình anh Trình gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại cuộc sống trước đây, anh cho biết: Nhiều lúc cũng có ý định đi làm ăn xa để tăng thêm thu nhập, nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy không đâu bằng chính quê hương mình”.

Trong lần tình cờ sang Tiền Giang, anh tham quan mô hình trồng sầu riêng Ri 6 hiệu quả, từ đây anh bàn bạc với gia đình và mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn để trồng giống cây này. 

Anh Trình cho biết: “Khi sầu riêng còn nhỏ, tôi trồng xen thêm cây chuối trong vườn để tạo nguồn thu nhập chăm sóc tốt cho vườn sầu riêng”. Ngoài ra, anh còn mua trái cây của bà con trong xã lên TP Hồ Chí Minh bán lại để tăng thêm thu nhập.

Ban đầu vì thiếu kinh nghiệm nên sầu riêng cho trái nghịch ít. Càng về sau, anh tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi đúc kết kinh nghiệm, đến nay gia đình anh mua thêm 2.000m2 đất và thuê thêm 5.000m2 đất vườn để mở rộng mô hình.

Anh Trình cho biết, sầu riêng muốn bán được giá cao thì phải làm trái vụ. Sầu riêng làm trái vụ lại đòi hỏi những kỹ thuật về đậy gốc, xiết nước, thời điểm bón phân để hoa đậu trái…, không phải ai làm cũng thành công.

Theo anh Trình, để xử lý cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ, vào mùa mưa phải dùng tấm nilon trải phủ hết gốc sầu riêng để cây không thấm nước mưa, đồng thời bơm thoát nước ra ngoài cho mương cạn vì sầu riêng rất sợ nước.

Anh cho rằng: “Sầu riêng Ri 6 là loại cơm vàng hạt lép, nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay đối với loại trái cây này rất mạnh”. Hiện, anh mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên 6.000m2 và trồng thử nghiệm 2.500m2 mít cao sản. Với mức giá trung bình 25.000 đ/kg, mỗi năm anh thu lợi từ vườn sầu riêng trên 400 triệu đồng. Chưa kể anh còn thu trên 100 triệu đồng từ vườn mít cao sản và chuối xen canh. Mô hình của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, giúp họ có thêm thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ là thanh niên làm kinh tế giỏi, với vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp Phước Thạnh, anh Trình còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của đoàn, địa phương phát động.

Anh Phan Đại Trung- Bí thư Đoàn thanh niên xã Quới Thiện cho biết: Mô hình sản xuất của anh Nguyễn Công Trình cho hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện tại, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với anh Trình hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật cho thanh niên trong xã để cùng phát triển.

Anh Tuân “Bí thư cá giống”

Là Bí thư Xã Đoàn Phú Lộc (Tam Bình), anh Phan Văn Tuân luôn trăn trở muốn tìm công việc gì đó phát triển kinh tế gia đình và nêu gương cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Khoảng 10 năm trước đây, anh Tuân là bộ đội xuất ngũ. Gia đình anh lúc này có ao khoảng 1.000m2 nuôi cá bột: cá trê, cá trắng,… lợi nhuận thấp mà vốn đầu tư lại cao. Thấy được điều này, anh Tuân đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và quyết định chuyển sang nuôi ương cá tai tượng giống.

Anh Tuân cười chia sẻ: “Ban đầu kinh nghiệm không có, nuôi khó khăn rồi tôi đi học hỏi kinh nghiệm từ các vựa,… lần lần tích góp cho mình”. Cá bột giống cũng phải được chọn lựa kỹ mua ở các vựa tận Tiền Giang, vựa có uy tín và kinh nghiệm.


Làm tốt công tác đoàn, anh Phan Văn Tuân (người đầu tiên, bên phải) vẫn không quên phát triển kinh tế.

Theo anh Tuân, khâu xử lý ao nuôi cá là rất quan trọng vì cá bột rất dễ nhiễm bệnh nên ao nuôi và nguồn nước phải sạch. Trước mỗi lứa cá bột thả nuôi, anh Tuân đều vét ao, vệ sinh ao bằng vôi bột, thuốc xử lý để mấy ngày rồi mới thả nước, xả ao. “Cá bột mình mua còn trứng nước nên mỏng manh lắm, thức ăn chỉ đơn giản là hột vịt, đậu nành xay. Sau khi cá lớn mới dùng đến thức ăn”.

Với 1.000m2 nuôi khoảng 20.000- 30.000 con cá bột, sau 2 tháng cá lớn độ 2 ngón tay là bán được từ 700- 1.000 đ/con tùy thời điểm. Một ao cá tai tượng bột như vậy, anh Tuân đầu tư khoảng 16 triệu đồng. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh lời khoảng 50 triệu.

Anh Tuân vui vẻ nói: “Cá tai tượng bột chỉ hơi cực lúc xử lý ao và khi thu hoạch còn lúc thường ngày chỉ cần cho cá ăn 2 lần/ ngày là được”.

Một điều đáng quý ở anh Tuân là anh chẳng những phát triển tốt kinh tế gia đình mà còn là Bí thư xã đoàn năng nổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với những thanh niên gần xa muốn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, anh Tuân luôn nhiệt tình chia sẻ.

Anh Nguyễn Thành Luân- Phó Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình: “Phát triển mô hình kinh tế trong thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mô hình của anh Phan Văn Tuân được đánh giá cao và đang nhân rộng trong thanh niên”.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh