Kỳ 2: Vượt mặc cảm, sống có ích

08:11, 23/11/2014

Trên bước đường hòa nhập cộng đồng còn lắm gập ghềnh, sự chung tay giúp sức của xã hội đối với những người hoàn lương là động lực to lớn giúp họ quay về nẻo thiện. Bên cạnh đó, sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân, vượt qua mặc cảm không những giúp họ vững bước trên con đường hoàn lương mà còn sống có ích cho xã hội.

>> Kỳ 1: Quá khứ lỗi lầm

Trên bước đường hòa nhập cộng đồng còn lắm gập ghềnh, sự chung tay giúp sức của xã hội đối với những người hoàn lương là động lực to lớn giúp họ quay về nẻo thiện.
Bên cạnh đó, sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân, vượt qua mặc cảm không những giúp họ vững bước trên con đường hoàn lương mà còn sống có ích cho xã hội.

Học Đông y để giúp đời


Ông Trần Lý giờ đây trở thành thầy thuốc luôn quan tâm giúp đỡ mọi người.

Ở Vĩnh Long, nhiều người biết ông Trần Lý- lương y giỏi ở xã Thanh Đức (Long Hồ) và là người nhiệt tình với công tác xã hội. Tuy nhiên, không ai ngờ lương y Trần Lý từng có quá khứ “chạy trốn” pháp luật. Biết không thể suốt đời sống ngoài vòng pháp luật, ông quyết định về quê đầu thú để được khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Lý kể lại cuộc đời nhiều vinh quang và cũng nhiều tủi nhục của mình. Từ nhỏ ông sống trong môi trường quân đội, đến khi đất nước giải phóng, ông chuyển công tác nhiều ngành. Ở mỗi cơ quan, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt và được khen thưởng. Nhưng cuộc đời thay đổi từ khi ông bước vào môi trường kinh tế.

Năm 1990, ông nghỉ công tác ở cơ quan Nhà nước về nhà kinh doanh máy nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Do không có kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh nên công việc làm ăn thua lỗ kéo dài dẫn đến mất thanh toán, rồi nợ nần ông phải chạy trốn sang Campuchia, Thái Lan.
 
Sau hơn 4 năm lẩn trốn, ông quay về đầu thú và tòa kết án 20 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”… 10 năm cải tạo (được hưởng đặc xá, tha về trước thời hạn) là thời gian thấm thía và ông quyết làm lại từ đầu khi về tái hòa nhập cộng đồng.

Nghĩ thì dễ, nhưng ngày đầu trở về mọi thứ đều thay đổi: tay trắng, tự ti, mặc cảm, kỳ thị của xã hội… Song, ý chí quyết tâm và sự động viên của chính quyền địa phương, người thân giúp ông từng bước vượt qua.

Ông bắt đầu từ công việc nhỏ nhặt là mua bán phế liệu kiếm từ đồng tiền lời và cuộc sống gia đình cũng dần cải thiện. Một điều mà ông ấp ủ từ khi ra tù đó là khi cuộc sống ổn định sẽ giúp đỡ lại xã hội. Thế là ông chọn học nghề Đông y.

Ông còn thi vào Trường Đại học Cần Thơ ngành Đông y và trở thành “sinh viên cao tuổi” nhất của trường. Với quyết tâm cao, cuối cùng ông cũng toại nguyện ra trường cầm tấm bằng Đông y loại giỏi.

Một điều khiến nhiều người cảm kích, ông học hốt thuốc không phải làm kinh tế mà để giúp người. Hàng ngày, ông đến chùa hốt thuốc Nam cho bệnh nhân và được cho là rất “mát tay”. Ông Trần Lý hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc huyện Long Hồ.

Ông Trần Lý chia sẻ: “Người chấp hành án tù về địa phương hãy suy nghĩ chín chắn trước khi hành động, đừng để người thân khổ tâm và những hệ lụy sau này do mình làm ra. Hãy cố gắng rèn luyện vượt qua khó khăn để hòa nhập cộng đồng và làm với tất cả tấm lòng, giúp ích cho xã hội cũng như bản thân sống phải có niềm tin, không tái phạm pháp luật…

Vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời

Năm 1994, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Phường 2- TP Vĩnh Long) rơi vào tình cảnh đổ vỡ. Vợ chồng ly hôn, chị nuôi 4 đứa con tuổi ăn học. Không nghề nghiệp, chị thuê mặt bằng mở quán nước giải khát kiếm sống qua ngày.

Giữa thời buổi cạnh tranh quyết liệt, công việc buôn bán cũng không dễ chút nào, người phụ nữ như chị Hạnh cũng không đứng vững được.

Thế là chị chuyển hướng kinh doanh trá hình, phục vụ khách làng chơi và quán chị nhanh chóng đông khách trở lại. Tuy nhiên, chị đâu ngờ rằng quán chị đã lọt vào “tầm ngắm” của công an. Chị Hạnh bị khởi tố về hành vi chứa mại dâm và bị kết án 17 năm tù.

Chị kể lại những ngày đen tối của cuộc đời:

“Tôi bị bắt, sau đó đi tù. 4 đứa con bơ vơ không ai lo lắng, dang dở chuyện học, lao động sớm bươn chải cuộc sống. Ngồi trong tù nhưng đầu óc cứ nghĩ các con giờ ở đâu, tương lại chúng sau này sẽ ra sao khi không có mẹ cha bên cạnh.

Tôi ngẫm nghĩ mà hối hận việc mình làm, giá như chọn cái nghề hợp pháp thì gia đình đâu tan nát thêm một lần nữa. Không còn con đường nào khác là cải tạo tốt để được Nhà nước sớm tha về đoàn tụ các con. Tôi được trả tự do vào năm 2008 sau 11 năm chấp hành án…”



Tái hòa nhập cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hạnh được quan tâm, giúp đỡ sống có ích và được Công an tỉnh biểu dương.

Hiện các con chị Hạnh có nghề nghiệp ổn định và chị cũng có cơ ngơi vững chắc ở TP Vĩnh Long.

Còn anh Võ Ngọc Tâm (xã Mỹ An- Mang Thít) cũng từng phạm tội cướp giật và sau khi mãn hạn tù anh học nghề cơ khí rồi đi làm. Hiện anh có một cơ sở cơ khí tại TP Hồ Chí Minh đang ăn nên làm ra.
 
“Ở tù về không phải là hết cơ hội làm lại cuộc đời mà quan trọng hãy vượt qua mặc cảm, tự tin với cuộc sống hiện tại vì bên cạnh chúng ta luôn có xã hội quan tâm giúp đỡ. Nhất là cần sự nỗ lực, phấn đấu của chính bản thân để trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội…”.- anh Tâm chia sẻ.

Hiện tỉnh Vĩnh Long có 4.679 người chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng. Trong số này được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đoàn thể có 3.009 người có việc làm ổn định, chiếm 90,8%. Nhờ làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù nên tình trạng tái phạm cũng giảm còn 7,4%. Vĩnh Long là địa phương người chấp hành án tù tái phạm thấp nhất cả nước.


Kỳ sau: Cộng đồng dang tay đón người lầm lỗi

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh