Đường về nẻo thiện

07:11, 21/11/2014

Họ là những người từng lầm lỗi, vi phạm pháp luật để rồi trả giá bằng những năm tháng trong vòng lao lý. Sau khi được cải tạo, giáo dục, họ nhận ra được lầm lỗi của mình và quyết tâm sửa đổi để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng để cho họ có cơ hội hoàn lương, ngoài nỗ lực của bản thân cũng cần lắm sự chung sức của cộng đồng xã hội. Ngày trở về của những người từng mang án sẽ

Họ là những người từng lầm lỗi, vi phạm pháp luật để rồi trả giá bằng những năm tháng trong vòng lao lý. Sau khi được cải tạo, giáo dục, họ nhận ra được lầm lỗi của mình và quyết tâm sửa đổi để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Nhưng để cho họ có cơ hội hoàn lương, ngoài nỗ lực của bản thân cũng cần lắm sự chung sức của cộng đồng xã hội. Ngày trở về của những người từng mang án sẽ hạnh phúc hơn khi xã hội dang tay đón nhận bằng sự đồng cảm và chia sẻ.


Nhờ sự giúp đỡ của xã hội và nghị lực vươn lên, anh Khiết (bên phải) đã hòa nhập cộng đồng.


Kỳ 1:
Quá khứ lỗi lầm

Có một thực tế đau lòng mà người mãn hạn tù phải đối mặt, đó chính là sự kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, bằng nghị lực, họ đã vượt qua mặc cảm tội lỗi quá khứ, để trở thành người công dân tốt.

Từ cõi chết trở về

Bị kết án tử hình với 2 tội giết người và cướp tài sản, Nguyễn Thanh Khiết (xã Bình Phước- Mang Thít) tưởng chừng cuộc đời chấm dứt. “Những ngày tháng trong trại giam là thời gian khủng khiếp nhất, cái ngày ra pháp trường xử tử luôn ám ảnh tâm trí, không sao chợp mắt được. Mình kháng cáo cầu mong được giảm án và tòa phúc thẩm xem xét giảm án xuống còn chung thân.

Lúc đó, tôi như người từ cõi chết trở về mừng đến nỗi khóc òa như con nít. Nhà nước khoan hồng, mình quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình…”- anh Khiết nói trong niềm vui.

Nhờ cải tạo tốt, anh Khiết được giảm án, đặc xá và sau 16 năm cải tạo anh được trở về vào đầu năm 2014. Những ngày đầu trở về, nhiều người nhìn anh với ánh mắt kỳ thị, cái “tiếng” là kẻ giết người, cướp của tạo khoảng cách giữa anh với cộng đồng, mọi người xa lánh.

“Tôi không buồn trách ai mà cố gắng làm ăn chân chính để mọi người cũng có cái nhìn thiện cảm hơn”- anh nói.

Không lâu sau, anh được nhận vào làm công việc nạo vét, bơm bùn cho một cơ sở ở Long An (Long Hồ). Tuy công việc cực nhọc nhưng không bao giờ anh chán nản, mà thay vào đó là sự cần cù tận tụy và dần dần được chủ tin tưởng giao hẳn công việc cho anh quản lý.

Hôm gặp chúng tôi, anh đang bận việc, mồ hôi ướt đẫm áo, gương mặt sạm nắng. Anh Khiết nở nụ cười hiền hậu:

“Ngày xưa còn nhỏ, suy nghĩ nông nổi phạm tội nghiêm trọng. Ở trong tù được giáo dục, mình rất hối hận, quyết tâm làm lại cuộc đời. Bây giờ về hòa nhập cộng đồng, cuộc sống khó khăn, chính quyền địa phương quan tâm, bà con thương tình giúp đỡ, tạo cơ hội lớn cho mình làm người lương thiện…”.

Mới đây, anh Khiết được biểu dương cá nhân điển hình tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là niềm tin, danh dự, tiếp thêm cho anh Khiết sức mạnh, động lực quay về nẻo thiện.

Quá khứ lỗi lầm

Vừa qua, tại hội nghị biểu dương mô hình cá nhân, điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có một người đàn ông khép nép ngồi phía cuối phòng, vẻ mặc cảm. Ông là Nguyễn Minh Mãn (xã Bình Phước- Mang Thít). Trước đây, ông Mãn phạm tội nghiêm trọng: hiếp dâm trẻ em và phải trả giá bằng mức án 20 năm tù.

Ông Mãn hơi ngượng ngùng khi nhắc lại quá khứ: “Uống rượu say quá rồi cuồng trí làm chuyện mất hết nhân tính, thật xấu hổ quá. Vào tù được giáo dục, gia đình thăm động viên tạo cho mình thêm sức mạnh cải tạo tốt để sớm về nhà…”

Chấp hành 10 năm 6 tháng tù, ông Mãn được tha về tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương và gia đình, nhất là vợ con tha thứ giúp ông vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời ở tuổi xế chiều. Hiện ông làm nghề mộc tại nhà, tuy thu nhập không cao nhưng đối với ông Mãn là thời gian sống vui vẻ, hạnh phúc nhất. “Mình biết sai thì sửa, có trễ vẫn còn hơn không. Nay tôi lớn tuổi sống làm sao gương mẫu cho con cháu noi theo…”.- ông Mãn chia sẻ.


Biểu dương cá nhân, mô hình giúp đỡ người lầm lỗi, phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.

Tương tự như ông Mãn, anh Phan Thanh Nhẫn (xã Hòa Lộc- Long Hồ) 2 lần “ăn cơm tù” và lần tái hòa nhập cộng đồng thứ 2 này anh quyết tâm quay về lối thiện. Ngày ra tù về địa phương, cũng như bao người khác bị xã hội kỳ thị, xa lánh, nhưng anh Nhẫn cố gắng vượt qua xin làm phụ hồ lo cuộc sống.

Qua thời gian thấy anh Nhẫn siêng năng, chân thực, dần dần nhiều người tin tưởng anh Nhẫn và anh có công việc thường xuyên, thu nhập ổn định hơn. Anh Nhẫn tâm sự: “Người ra tù thường bị kỳ thị của xã hội, nên nhiều người tái phạm như trường hợp của mình cũng 2 lần vào tù. Lần này, có khó khăn thế nào tôi cũng hạ quyết tâm làm người lương thiện…”.

Còn chị Nguyễn Thị Cúc (xã Phước Hậu- Long Hồ) từng là người gieo cái chết trắng (bán ma túy). Bị phát hiện, chị Cúc phải vào tù. Chị hối hận: “Ma túy là tệ nạn xã hội, vì món tiền lời mà mình bất chấp pháp luật và đẩy nhiều gia đình tan nát, chết chóc. Bây giờ, tôi thấy có lỗi với họ và mong họ tha thứ…”.

Đây là những tâm sự chân thật của những người lầm lỗi quyết tâm quay về nẻo thiện và trong số họ vượt qua mặc cảm trở thành người sống có ích cho xã hội sau này.

 

Những người chấp hành xong án tù, về tái hòa nhập cộng đồng thường gặp nhiều khó khăn xã hội kỳ thị, xa lánh. Những năm qua, Vĩnh Long chỉ dừng lại ở quản lý, giáo dục mà chưa chú trọng đến đào tạo nghề, hỗ trợ vốn. Để họ thực sự hoàn lương và hạn chế tái phạm cần sự chung tay của toàn xã hội, lòng bao dung, tha thứ, giúp đỡ của mọi người. Song song đó, người chấp hành phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng cần sự nỗ lực rèn luyện của chính bản thân mình.

Kỳ 2:
Vượt qua mặc cảm, sống có ích cho xã hội

 

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh