Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

07:11, 04/11/2014

Lịch sử gần 300 năm khai phá, xây dựng vùng đất phương Nam, luôn gắn liền với quá trình cộng cư, cộng kết, kề vai sát cánh của 3 dân tộc: Kinh- Khmer- Hoa, cùng với sự vận động giao thoa văn hóa độc đáo. Đó là mối quan hệ máu thịt không thể tách rời.


Đua ghe ngo tại Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long. Ảnh Dương Thu

Lịch sử gần 300 năm khai phá, xây dựng vùng đất phương Nam, luôn gắn liền với quá trình cộng cư, cộng kết, kề vai sát cánh của 3 dân tộc: Kinh- Khmer- Hoa, cùng với sự vận động giao thoa văn hóa độc đáo. Đó là mối quan hệ máu thịt không thể tách rời.

Đó cũng là tài sản vô giá, truyền đời qua nhiều thế hệ liên tục từ quá khứ đến hiện tại và mãi về sau. Trong cùng mái nhà Việt Nam , cộng đồng các dân tộc anh em cùng bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau phát triển.

Giúp nhau cùng phát triển

Với khoảng 4.900 người, bà con người Hoa sống rải rác khắp địa bàn trong tỉnh; nhưng chủ yếu tập trung nhiều ở vùng thị tứ, đô thị.

Đông nhất ở TP Vĩnh Long, phường Cái Vồn (TX Bình Minh), thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn), thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm)… gồm 5 bang: Phúc Kiến, Triều Châu (Tiều), Hẹ, Quảng Đông, Hải Nam.

Đối với đồng bào dân tộc Hoa, phần lớn sống bằng nghề mua bán, làm dịch vụ, cơ sở sản xuất ở mức vừa và nhỏ.

Người Hoa có kinh nghiệm và nhạy bén nắm bắt thông tin, kinh tế thị trường, cung cách làm ăn năng động, tập trung vào một số ngành nghề truyền thống như thuốc Bắc, mua bán tạp hóa, sản xuất bánh kẹo, quán ăn uống, cơ khí hàn tiện, hột vịt muối… Nhìn chung, cuộc sống khá ổn định.

Đồng bào Khmer chiếm gần 2,1% dân số tỉnh Vĩnh Long, với khoảng 22.000 người. Một bộ phận bà con Khmer vẫn còn khó khăn, sinh sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.

Hoạt động kinh tế chính của đồng bào Khmer ở Vĩnh Long là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh đó, bà con cũng làm các ngành nghề khác như: chăn nuôi, đánh bắt cá sông, tiểu thủ công, buôn bán nhỏ.

Trong các năm gần đây, thanh niên dân tộc thiểu số làm công nhân các khu công nghiệp ở Vĩnh Long, Cần Thơ… Đồng bào dân tộc Khmer luôn được sự hỗ trợ của Nhà nước, đã từng bước vươn lên, góp phần thay đổi lớn bộ mặt nông thôn.

Từ năm 1999 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 xã đặc biệt khó khăn gồm: xã Tân Mỹ, xã Trà Côn (Trà Ôn); xã Loan Mỹ (Tam Bình).

Tổng số vốn đầu tư là 62,528 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương là 13,772 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28,521 tỷ đồng và huy động đóng góp của nhân dân 20,235 tỷ đồng.

Các xã được hưởng Chương trình 135 hiện nay đã xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn thay đổi, tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn nhiều so với trước khi thực hiện chương trình.

Sau Chương trình 135 giai đoạn II và III, là tiếp tục thực hiện Chương trình 134, tỉnh Vĩnh Long đã cất 2.779 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo, tổng kinh phí là gần 20 tỷ đồng.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Hoạt động văn hóa của người Hoa Vĩnh Long đều gắn với văn hóa cộng đồng và phần lớn có nét tương đồng với cộng đồng người Kinh.

Cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long có nhiều người, nhiều thế hệ đã đóng góp lớn về nhân tài, vật lực cho việc duy trì, phát triển văn hóa địa phương. Tuy vậy, bà con vẫn còn duy trì một số nét truyền thống dân tộc theo tập quán bản xứ như: Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến, Hải Nam .

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đến nay có 24 cơ sở thờ tự của cộng đồng người Hoa, tiêu biểu như chùa Thiên Hậu, chùa Ông (Thất Phủ miếu), chùa Bà- Minh Hương, miếu Quan Thánh đế, chùa Ông Bổn…

Hàng năm, ở những nơi này tổ chức nhiều lễ hội, với sự tham gia của rất nhiều người kể cả người Hoa lẫn người Kinh. Hội người Hoa TP Vĩnh Long thành lập đội Lân Sư Rồng phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt lễ hội.

Những lễ, hội thường đơn giản không rườm rà. Đội Lân Sư Rồng đã tham gia biểu diễn những tiết mục trong ngày hội văn hóa người Hoa tại TP Hồ Chí Minh được đánh giá tốt. Đội văn nghệ không chuyên cũng đã được thành lập trong các năm gần đây, tuy còn rất non trẻ nhưng góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con người Hoa.

Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long đã được tổ chức 5 lần, với các hoạt động phong phú, sôi nổi: liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Khmer, liên hoan ẩm thực truyền thống; thi đấu các môn thể thao như đua ghe ngo, bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian Nam Bộ...

Ngày hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, Sel Dolta của đồng bào Khmer. Tỉnh cũng trang bị 4 chiếc ghe ngo cho 4 huyện đông đồng bào dân tộc Khmer để luyện tập thi đấu vào dịp lễ, hội, tết dân tộc trong và ngoài tỉnh.

Trong nhiều năm liên tục, mỗi năm Trường Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh đều mở các lớp bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống cho đồng bào Khmer, gồm các lớp nhạc ngũ âm, trống cha- dăm, nghệ thuật tuồng dù- kê... Mỗi lớp trung bình có 30 học viên theo học.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc, thông qua các lễ hội, các loại hình nghệ thuật văn hóa được tổ chức thường xuyên. Nhưng có điều độc đáo là tất cả các lễ hội, các hoạt động này bao giờ cũng có sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, trở thành ngày hội chung không phân biệt dân tộc nào. Như những ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer, đã thu hút trên hàng chục ngàn người gồm cả Kinh- Khmer- Hoa cùng tham dự.

Bác Hồ lúc sinh thời đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất của các dân tộc anh em đã được thử thách, tôi luyện hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước, sức mạnh ấy là vô địch”.

Thực hiện lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã chung sức, chung lòng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam .

Trong sự nghiệp đổi mới, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên. Đến nay, diện mạo vùng dân tộc tỉnh Vĩnh Long có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng được đồng bào các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều hộ người Hoa, người Khmer được công nhận là gia đình văn hóa, nhiều ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống được công nhận ấp văn hóa. Các hủ tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh