
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hiện chỉ có Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần lang thang. Song, công tác này nhiều năm nay gặp không ít khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hiện chỉ có Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần lang thang. Song, công tác này nhiều năm nay gặp không ít khó khăn.
Bệnh nhân tâm thần được quản lý, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Làm công việc chăm sóc cho trên 150 đối tượng là người già, người khuyết tật, trẻ em, người bệnh tâm thần (BTT) nhưng trung tâm chỉ có 21 chị chia ca phụ trách. Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc cho các đối tượng BTT, chúng tôi mới nhận thấy đây là việc không phải ai cũng làm được.
Họ chăm sóc từ việc ăn uống, uống thuốc, giặt đồ, thậm chí tắm cho cả bệnh nhân nếu họ không ý thức được chuyện sinh hoạt. Các chị cho biết nguy cơ “hứng đòn” là thường xuyên, còn chuyện nghe bệnh nhân chửi là mỗi bữa.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh- cán bộ chăm sóc người khuyết tật- người cao tuổi- BTT cho biết: Người BTT phân liệt thì nhiều mà người chăm sóc thì ít, phải chạy tới chạy lui. Có khi các cụ bệnh, phải có người vô bệnh viện nuôi. Thế là người ở nhà phải làm choàng việc. Có khi một người làm 3- 4 ngày liên tục không có người đổi ca. Với các chị, chuyện cơm nước trễ là… bình thường!
Khó khăn lớn nhất của trung tâm trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người BTT là cơ sở vật chất. 47 con người cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt trong khuôn viên vỏn vẹn 60m2. Đối với những người khỏe mạnh, bình thường chắc hẳn đã khó vì chật hẹp, huống chi họ lại là những BTT phải gắn bó lâu dài ở đây để được nuôi dưỡng và chăm sóc.
Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả trị liệu cho BTT, bệnh nhân chậm phục hồi tâm trí. Bởi trong số những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất đáp ứng tốt cho công tác này, trung tâm đều chưa đáp ứng được.
Ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở LĐ- TB và XH tỉnh Vĩnh Long cho biết: Qua điều tra, đối tượng BTT hiện có hơn 4.000 đối tượng, trong đó nhiều trường hợp BTT rất nặng, gia đình người bệnh chăm sóc cũng rất khó khăn.
Song, đối với Trung tâm Công tác xã hội thì chủ yếu quản lý đối tượng lang thang, không địa chỉ chứ còn chăm sóc đối tượng BTT cộng đồng thì chưa có điều kiện vì chỗ nơi quá chật hẹp. Bộ LĐ-TB và XH quy hoạch cho tỉnh xây dựng trung tâm chăm sóc người BTT có sức chứa khoảng từ 300- 500 đối tượng và sở cũng đang gấp rút xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện bệnh nhân TT lang thang được trung tâm tiếp nhận ngày càng nhiều. Xem ra chỉ khi nào dự án được triển khai thực hiện thì công tác quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mới đạt hiệu quả.
Bác sĩ Võ Văn Tấn Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long
Theo quy định, diện tích dành cho mỗi bệnh nhân TT là 10m2, nhưng trung tâm chỉ vỏn vẹn có 60m2, xây dựng được 2 phòng: phòng nam và phòng nữ. Nếu tập trung hết 47 BTT vào thì quá tải và rất chật hẹp. Với những bệnh nhân TT khi đã giảm rồi hoặc nhẹ rồi thì Ban giám đốc trung tâm cho ra ngoài sống chung với những người cao tuổi đang nuôi dưỡng ở đây. Chính vì vậy, gặp khó khăn là bệnh nhân TT thì hay lên cơn bất thường, trong khi cán bộ trung tâm thiếu nên theo dõi không được chặt chẽ. Khi họ tái phát bệnh thì gây xung đột với các đối tượng bên ngoài. Do vậy, ngoài việc chăm sóc, cho ăn uống, thuốc men, muốn điều trị bệnh nhân TT tốt thì phải phối hợp tâm lý liệu pháp, rồi lao động liệu pháp, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, có khu vực vui chơi giải trí để họ giảm stress, giảm căng thẳng thần kinh, điều trị mới hiệu quả.
|
Bài, ảnh: QUYÊN CHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin