
Học căng thẳng từ sáng đến tối, trẻ em ít có thời gian để vận động. Rảnh rỗi, không ít trẻ miệt mài với những thú vui công nghệ như điện thoại, ipad, game,... Tìm một sân chơi để giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ em trên địa bàn TP Vĩnh Long ngày càng khó khăn bởi hầu hết các khu vui chơi, giải trí đơn điệu, cũ kỹ, chật hẹp.
Học căng thẳng từ sáng đến tối, trẻ em ít có thời gian để vận động. Rảnh rỗi, không ít trẻ miệt mài với những thú vui công nghệ như điện thoại, ipad, game,... Tìm một sân chơi để giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ em trên địa bàn TP Vĩnh Long ngày càng khó khăn bởi hầu hết các khu vui chơi, giải trí đơn điệu, cũ kỹ, chật hẹp.
Tạo môi trường cho học sinh vừa học tập vừa vui chơi sáng tạo.
Học không ngơi nghỉ
Thương con, muốn con “bằng bạn bằng bè” là tâm lý chung của nhiều phụ huynh. Đặc biệt ở đô thị thì sự cạnh tranh trong học tập ngày càng sôi nổi hơn. Ngoài giờ học, hầu hết học sinh (HS) đều đi học thêm. “Thấy con học ngày học đêm cũng thương lắm nhưng mà con ai cũng học hết, nó không học thì sao bằng người ta được”- chị P.T.H (Phường 2- TP Vĩnh Long) nói. Cứ chiều chiều chị lại dẫn con gái mới học lớp 5 đi học thêm.
Chị còn cho biết thêm: “Từ lớp ba, tôi đã đưa con đi học thêm rồi”. Từ sáng đến chiều, bé N. con chị H. học ở trường, 6h30 tối từ thứ 2 đến thứ 7 thì đi học thêm. Buổi tối chủ nhật rảnh chị mới dành thời gian chở con đi chơi khoảng 1 tiếng. Chị H. nói: “Mang tiếng là ở thành phố chứ có chỗ nào đâu mà đi chơi ngoài siêu thị và Trung tâm Hoạt động thanh- thiếu niên”.
Chị T.N.M (Phường 5- TP Vĩnh Long) có con học lớp 1 trường tiểu học điểm của TP Vĩnh Long xót xa: “Thằng bé mới vô lớp 1 mà học căng quá. Con học bán trú nhưng trưa chị đón về cho con ăn cơm, tranh thủ ngủ trưa rồi đưa đi học. Chiều đón về cho ăn cơm, tắm rửa rồi 1 tuần 3 bữa đưa đi học thêm. Vào lớp 1, chị cũng lo con không theo kịp bạn, với lại bài viết nhiều quá không cho học thêm không được”.
Rồi chị tâm sự: “Tội nghiệp con trai, mới vô học có vài tháng, học suốt ngày, chiều về phải đi học thêm, tối về còn viết bài cho ngày hôm sau. Thằng bé viết đến độ đang ngủ mớ lồm cồm ngồi dậy viết... mà con mắt thì nhắm hít à. Chỉ mới lớp 1 mà, chương trình học có cần nặng vậy không? Còn đâu tuổi thơ hồn nhiên của con nữa”.
Bé M.H (6 tuổi, lớp 1) hồn nhiên: “Cô cho bài viết về nhà tới 3 trang, không viết cô khẻ tay, cô la, con sợ lắm. Cô giáo lớp 1 hay la, cô giáo ở trường mẫu giáo hiền hơn. Con viết móp ngón tay luôn”.
Nói học thay con vì thật sự nhiều trẻ em ít có sự chọn lựa mà phải học theo tâm nguyện, sở thích của cha mẹ. Bé G.K ở (Phường 1) mới vào lớp 7 và đang chuẩn bị cho rất nhiều kỳ thi lớn nhỏ khác nhau. K.. thích học Anh văn và Toán nhưng ngoài luyện ngày, luyện đêm cho 2 môn này K. còn phải thi thêm nhiều cái khác: Văn hay chữ tốt, vẽ tranh thiếu nhi,… K. cho biết: “Con sợ phải học và thi nhiều quá, nhất là những môn con không khoái, nhưng cha mẹ cứ bắt thi”.
Hết luyện cho kỳ thi này đến kỳ thi khác nên K. đâm ra có tâm lý sợ thi. K. kể: “Mỗi ngày học xong con đi học thêm Toán, Anh văn. Tối thì học bài rồi lên mạng làm thêm bài tập đến 10 giờ mới được đi ngủ. Một ngày cha cho con 1 tiếng để xem hoạt hình. Con ước gì mình có nhiều thời gian hơn để chiều chiều đi đá cầu với mấy bạn”.
Học thay con
Cuối tuần, chúng tôi dạo quanh những khu vui chơi như Trung tâm Hoạt động thanh- thiếu niên, Công viên TP Vĩnh Long, Công viên Sông Tiền, Bảo tàng tỉnh, Siêu thị Co.opmart, thấy nhiều phụ huynh đưa con em đến chơi, bởi ở đây có trò chơi thiếu nhi.
Tuy nhiên, những trò chơi quanh đi quẩn lại chỉ có thảm bay, ngựa bay, thú nhún, xe điện đụng,… nên các em chóng chán.
Học hành quá nhiều, cha mẹ lại quá bận rộn mưu sinh hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng nên thời gian để lắng nghe con cái kể chuyện học hành, chuyện vui chơi hay những tâm sự của con dần ít đi. Em T. Quỳnh (12 tuổi, Phường 1) cho biết: “Cha mẹ em lo làm ăn, về nhà mệt chỉ hỏi thăm qua loa, học mấy điểm rồi thôi. Lâu lâu, mẹ gọi điện thoại cho thầy cô hỏi thăm chuyện học, đóng tiền học. Nhiều khi em muốn tâm sự, gần gũi ba mẹ nhiều hơn nhưng ngại”.
Tại thành phố có khu vui chơi nhưng các trò chơi còn nhàm chán, lạc hậu và có phần xuống cấp. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều gia đình quá chú trọng việc “nhồi nhét” con em vào việc học, hoặc tạo “sân chơi” cho trẻ trong khuôn nhà riêng và lầm tưởng là sự quan tâm thiết thực, vô tình thờ ơ việc góp sức tạo những “sân chơi” có tính cộng đồng, vô tình giảm thiểu tính năng động của các em.
Xem tivi, lướt net và chơi game là những “món” giải trí hàng đầu của các em hiện nay, trong đó các em lướt net chủ yếu để chat, gửi - nhận email, vào mạng xã hội, chơi game và nghe nhạc...
Chiều cuối tuần hay sáng chủ nhật, chỉ cần vào một số quán xá trên địa bàn TP Vĩnh Long là thấy khung cảnh các bé say mê dán mắt vào màn hình điện thoại, iPad, còn ba mẹ vô tư cười nói với bạn bè mình. Chúng tôi quan sát, cha mẹ tụ họp ăn uống, trẻ ở nhà không ai giữ nên họ cho đi theo. Trẻ con được đi chơi thích thú, nhưng để cho trẻ ngồi yên, cha mẹ bèn cho con “vui với game”.
Cuộc sống bận rộn khiến không ít cha mẹ chỉ lo công việc riêng nên để con mình tự chơi, tự chọn loại hình giải trí mà không chơi cùng con, định hướng loại hình vui chơi giải trí cho con. Đáng báo động hiện nay là tình trạng trẻ con tự xem tivi, chơi game trong phòng riêng mà thiếu đi sự vui chơi tập thể, giao lưu với cộng đồng. Điều này làm trẻ con dễ sinh ra tính thụ động, ích kỷ.
Và, một khi trẻ em ít vui chơi, giải trí mang tính vận động, kích thích khả năng phát triển thể lực, trí tuệ thì điều đáng lo ngại là “thế hệ gà công nghiệp” sẽ ra đời.
Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long nói: Chương trình sách dành cho các cấp học được biên soạn rất kỹ và phù hợp với tâm lý, lứa tuổi ở từng lứa tuổi. Cho nên, phụ huynh không nên cho các em đi học thêm. Nếu có, chỉ là học nâng kém, bồi giỏi hoặc học phụ đạo do nhà trường tổ chức. Tâm lý học cho bằng chị bằng em là phản khoa học giáo dục. Phụ huynh nên dành cho con mình thời gian vui chơi giải trí lành mạnh để các em có thể phát huy kỹ năng sống và phát triển một cách toàn diện.
|
Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin