
Qua 2 năm (2012- 2014) thực hiện, dự án nuôi bò thịt từ quỹ hỗ trợ nông dân (ND) của Hội ND huyện Trà Ôn, nhiều hội viên đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao.
Qua 2 năm (2012- 2014) thực hiện, dự án nuôi bò thịt từ quỹ hỗ trợ nông dân (ND) của Hội ND huyện Trà Ôn, nhiều hội viên đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao.
Nhờ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, anh Tư (bìa trái) có điều kiện đầu tư chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Hỗ trợ vốn lẫn kỹ thuật
Là một trong số 10 hội viên Hội ND xã Thới Hòa được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt từ quỹ hỗ trợ ND, đến nay, anh Nguyễn Văn Tư (ấp Tường Nghĩa) đã có được 3 con bò, trị giá khoảng 80 triệu đồng. Buổi đầu, anh cũng gặp không ít khó khăn.
Từ nguồn quỹ hỗ trợ, cộng với vốn tự có của gia đình, anh mua 2 con bò giống (một đực, một cái) trị giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chọn con giống nên chất lượng đàn bò... không được tốt lắm.
“Lúc đó, tôi rất lo vì không biết nuôi có lời không, có hoàn thành dự án theo quy định không”- anh Tư tâm sự.
Nhận vốn từ tháng 7/2012, ông Nguyễn Văn Thiết (ấp Tường Phước) cũng đã đầu tư mua 2 con bò giống, nhưng do trước đây chỉ quen với trồng lúa và cây ăn trái, chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, nên bò chậm phát triển. Từ đó, trong các buổi sinh hoạt tổ hội, ông đề xuất Ban quản lý dự án xã Thới Hòa đề nghị về trên mở lớp dạy nghề, kỹ thuật chăm sóc và vỗ béo bò thịt.
Năm 2013, ông cùng các thành viên trong dự án tham gia lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật chăm sóc và vỗ béo bò thịt; đồng thời tham quan mô hình chăn nuôi bò trong và ngoài huyện. Nhờ đó, ông đã chăn nuôi bò đạt hiệu quả. Qua 2 năm, ông xuất chuồng và thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Hiện, gia đình ông đầu tư nuôi tiếp 2 con bò “hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập khá”- ông Thiết khoe.
Còn anh Tư thì cho rằng, được hướng dẫn cách chọn giống từ bò siêu thịt, cách nhân giống bò và chăm sóc, ngoài cho bò ăn cỏ, rơm, anh còn trồng thêm cỏ voi để cung cấp thêm nguồn thức ăn có lượng đạm cao.
Đối với bò thịt, anh còn biết bổ sung thêm thức ăn tinh để bò tăng trọng nhanh. Đến khi phối giống, thì chọn giống Pháp để gieo tinh. Nhờ vậy, đến nay, anh có con bê lai giống Pháp được 8 tháng tuổi. Tổng trị giá 3 con bò của anh khoảng 80 triệu đồng. Trừ chi phí con giống, vốn anh lời 40 triệu đồng.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Theo ông Thiết, được Hội ND tạo điều kiện, giúp đỡ tiếp cận khoa học, kỹ thuật và biết ứng dụng vào mô hình sản xuất chăn nuôi nên “đạt hiệu quả cao, kinh tế gia đình tui hiện khá ổn định, nhờ đó mà, vợ chồng tui có thêm “đồng vô” , lo cho con ăn học”.
Qua kinh nghiệm thực tiễn, ông Thiết cho rằng, trước tiên, phải chọn con giống đạt chất lượng tốt; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật mới trong sản xuất. Từ đó, áp dụng có chọn lọc vào mô hình sản xuất của gia đình.
Còn theo anh Tư, ngoài chọn giống tốt, cần tiêm ngừa đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Bên cạnh, cần cung cấp các nguồn thức ăn có lượng đạm cao như cỏ voi, cỏ Ruzi... và bổ sung nguồn thức ăn tinh đối với bò thịt để con giống phát triển tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian sản xuất.
Để dự án chăn nuôi bò phát huy hiệu quả, anh Tư cho rằng, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ vốn, cần hỗ trợ về tinh giống và tập trung thu mua theo đề án để ND mạnh dạn đầu tư sản xuất đạt chất lượng về con giống và hiệu quả về kinh tế, đủ sức cạnh tranh với thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tám- Chủ tịch Hội ND huyện nhận định, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Qua đó, tạo tinh thần phấn khởi cho hội viên, tích cực tham gia phong trào ở cơ sở, thu hút ND tham gia vào tổ chức hội ngày càng nhiều, đạt 80% tổng số nguồn quản lý.
Qua dự án, bước đầu đã thay đổi và nâng cao nhận thức của các tổ viên chăn nuôi bò từ khâu chọn giống đến chăm sóc con giống. Hầu hết các tổ viên đều quan tâm chọn con giống lai chất lượng cao, loại bỏ dần đàn bò không đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng kịp thời phong trào cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò.
Trong thời gian thực hiện, dự án đã nhân rộng đàn bò lên 23 con với tổng trị giá hơn 530 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận gần 255 triệu đồng. Hiện mô hình đang được tiếp tục duy trì và đã đầu tư mua lại 12 con giống để tái đàn.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin