TP Vĩnh Long là nơi tập trung đông dân cư, nhà cửa san sát nhau nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, đường hẻm khá nhỏ hẹp, nhiều nhà được xây chỉ một cửa... nên càng khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nếu không may xảy ra sự cố.
TP Vĩnh Long là nơi tập trung đông dân cư, nhà cửa san sát nhau nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, đường hẻm khá nhỏ hẹp, nhiều nhà được xây chỉ một cửa... nên càng khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nếu không may xảy ra sự cố.
Cần nâng cao ý thức PCCC, đặc biệt đối với nhà một cửa, hẻm siêu nhỏ.
Đường nhỏ, nhà một cửa
Theo ghi nhận của chúng tôi, TP Vĩnh Long có nhiều hẻm, đường vào khu dân cư nhỏ hẹp (có đoạn chỉ rộng chừng 0,5m- vừa đủ cho một người hoặc một xe máy lưu thông). Đối với những đường, hẻm nhỏ như vầy, nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ thì việc tổ chức đưa lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận đám cháy càng… khó trăm bề.
Cô Nguyễn Thị Tám (Phường 4) lo lắng: “Ở trong hẻm nhỏ, nhà cửa chằng chịt, bít bùng, nhiều nhà chỉ có một cửa nên lo lắm! Không những đi lại khó khăn mà nếu không may xảy ra cháy thì không biết thoát thân đường nào, xe chữa cháy làm sao vô được?”
Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc- Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ- Công an tỉnh cho biết: Đô thị là nơi tập trung đông dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Tại TP Vĩnh Long, qua kiểm tra, phát hiện nhiều khu dân cư thiếu thiết bị chữa cháy; hệ thống dây điện cũ kỹ, nhiều đoạn dây đã bị bong tróc vỏ, hở cả kim loại bên trong.
Hơn nữa, lại được câu mắc tự phát (mắc sát mái lá, xuyên qua vách gỗ)… tiềm ẩn cháy nổ cao. Ngoài ra, các thiết bị điện như cầu dao, ổ cắm điện, dây dẫn điện... được sử dụng cũng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong khi việc kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng không thường xuyên. Trong đó, Phường 2, Phường 9 là những phường có nguy cơ cháy nổ cao bởi tập trung nhiều cộng đồng dân cư nhỏ, phần lớn nhà ống chật hẹp, chất liệu xây dựng không đảm bảo PCCC, khi xây dựng cũng không chú ý tạo lối thoát hiểm.
Chưa kể đến có nhiều nhà tạm bợ, kết cấu sơ sài, trong khi đường sá thì nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức nên rất khó xây dựng lực lượng tại chỗ ở các khu dân cư (mỗi khóm là 1 khu dân cư). Ở các khu chung cư thì thuận lợi hơn, vì có đầu mối, có lực lượng và trang bị PCCC đầy đủ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thanh Loan- Phó trưởng Công an Phường 2 cho biết: Phường có 7 khóm. Trong đó, hầu hết các khóm có nhiều đường nhỏ, hẻm nhỏ chi chít không đảm bảo an toàn nếu có hỏa hoạn xảy ra. Đáng chú ý nhất là Khóm 4, Khóm 6, Khóm 7.
Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ
Theo bà Nguyễn Thanh Loan, công tác tuyên truyền, vận động người dân trong PCCC được thực hiện thường xuyên: “Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, mùa khô… phường đều triển khai tuyên truyền PCCC, kiểm tra mức độ an toàn ở các khu dân cư, nơi mua bán, cơ quan, chú ý tập trung vào những điểm có nguy cơ cháy cao. Cho người dân làm cam kết PCCC…”.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có chủ trương mở rộng đường sá, đảm bảo công tác PCCC dễ dàng. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ của người dân.
Cô Lê Kim Hồng- tổ trưởng tổ tự quản Tổ 36 (Khóm 2- Phường 4) nói: “Tôi cũng thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong nhà, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ”.
Cũng ở Phường 4, chú Lê Trương Phùng nói: “Phòng cháy hơn chữa cháy, ra ngoài là vợ chồng tôi không quên ngắt cầu dao điện. Ngoài ra, còn trang bị thêm cầu dao tự ngắt khi có rò rỉ điện, sắm bình xịt bọt, phòng khi có cháy bếp gas. Bên cạnh, tôi thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về PCCC để nâng cao kiến thức”.
Anh Nguyễn Văn Bé Ba- bảo vệ Khu chung cư lô 5 Khu phố Hoa Lan (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho hay: “Ở mỗi lô, có thành lập đội PCCC riêng với 12 người và mỗi nhà đều tự trang bị 1 bình chữa cháy. Chúng tôi cũng đã triển khai hệ thống đèn chiếu sáng tự động để khi có sự cố, người dân có thể di chuyển an toàn”.
Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc: Khi xây dựng nhà ở, cần đảm bảo đúng quy chuẩn. Chẳng hạn, đối với các chung cư cao tầng, khi xây dựng cần đảm bảo các giải pháp kỹ thuật như: khả năng chịu lực của ngôi nhà, đường thoát nạn, có hố để rác, hố sinh hoạt riêng, trang bị hệ thống báo cháy vách tường.
Đồng thời, xây dựng chung cư cao tầng phải đảm bảo có nguồn nước để chữa cháy khi xảy ra sự cố. Mặt khác, mỗi hộ gia đình cần xây dựng bếp ăn an toàn, nơi thờ cúng an toàn, quản lý tốt nguồn nhiệt, nguồn điện; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện; lưu ý các tín hiệu “cảnh báo” từ thiết bị điện như tiếng động lạ, mùi lạ… Đặc biệt, mỗi cá nhân cần trang bị tốt các kiến thức về PCCC để bảo vệ bản thân và người xung quanh.
Thiết nghĩ, bên cạnh nâng cao ý thức người dân trong PCCC, các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ thiết kế và xây dựng nhà ở đô thị và tăng cường công tác hậu kiểm nhằm đảm bảo nhà ở được xây dựng đúng quy chuẩn về PCCC.
Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc- Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ- Công an tỉnh
Về góc độ gia đình, cần lưu ý những ngọn lửa trần, khoảng cách an toàn của nơi thờ cúng, tín ngưỡng: cách ly những vật dễ cháy, dẫn nhiệt ra khỏi nơi có nguồn lửa. Bếp ăn gia đình cũng cần được lưu ý…
Ngay từ bây giờ, mỗi người cần có trong tay số điện thoại của cơ quan điện lực nơi gần nhất để khi có sự cố thì “alo” để họ cô lập hệ thống điện. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần kiểm soát và quản lý chặt chẽ các thiết bị sử dụng điện và phát nhiệt trong nhà để có biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra sự cố.
Cô Nguyễn Thị Anh Phượng- Phó trưởng Khóm 2 (Phường 4)
Qua tham gia các buổi tuyên truyền, các xử lý các tình huống khi xảy ra cháy hoặc rò rỉ điện, tôi thấy mọi người dần có ý thức hơn. Thời gian tới, khóm sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động để người dân thực hiện tốt hơn.
|
Bài, ảnh: THẢO ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin