Nghề giúp việc gia đình phát triển mạnh là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn. Đặc biệt, sau khi Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực từ 25/5/2014, chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề.
Thuê người giúp việc để phần nào giảm áp lực cuộc sống. Ảnh minh họa: CAO HUYỀN
Nghề giúp việc gia đình phát triển mạnh là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn. Đặc biệt, sau khi Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực từ 25/5/2014, chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề.
Nhiều gia đình hiện nay không thể thiếu người giúp việc. Khi bận rộn với công việc xã hội, có người giúp họ chăm sóc người thân, làm việc nhà thì phần nào họ được giảm áp lực trong cuộc sống. Nếu gặp được người giúp việc ưng ý thì nhiều chủ nhà đối đãi hết mực chu đáo; tình cảm giữa người làm và chủ nhà cũng thân tình.
Cô Thạch Thị Hồng (Trà Ôn) lên phụ việc nhà tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh hơn 15 năm. Cô chăm sóc, giữ con gái của chủ nhà từ khi bé mới hơn tháng tuổi. Làm lâu năm, lại siêng năng, dọn dẹp sạch sẽ nên chủ nhà xem cô Hồng như người thân trong gia đình.
Cô Hồng tâm sự: “Tui mần lương tháng 4,5 triệu đồng, bao ăn ở. Bệnh đau gì chủ nhà cũng lo đàng hoàng. Mỗi năm tui về nhà ăn tết Khmer và về đám giỗ ba tui chừng tuần lễ. Lễ, tết gì tui cũng có thưởng, thi thoảng chủ còn thêm tiền cho tui ăn hàng nữa. Tui thấy làm thoải mái nên cũng không quan tâm tới nghị định về nghề giúp việc”.
Chị Minh Phương (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết vợ chồng chị đều đi làm, công việc áp lực nên mỗi ngày có người giúp việc đến dọn dẹp chừng 2 giờ. Chị nói: “Chị giúp việc siêng làm, kỹ tính. Ở nhà tôi, chỉ yêu cầu tới lau dọn vệ sinh nhà cho sạch. Còn việc nấu nướng hay giặt ủi thì tôi tự làm. Mỗi tuần tôi trả tiền công 500 ngàn, ngoài ra lễ, tết tôi đều có thêm tiền thưởng cho chị”.
Theo điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện ở Việt Nam, nhu cầu giúp việc gia đình đang ngày một tăng lên. Từ con số hơn 160.000 người vào năm 2008 đến năm 2015 đã lên đến gần 250.000 người.
Đây là một lực lượng lao động rất lớn nhưng hầu hết làm việc theo kiểu tự phát, không được đào tạo và có thể gặp rủi ro. Chính vì vậy, ông Phillip Hazelton- cố vấn Trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO đánh giá, Nghị định 27 là một bước tiến quan trọng bảo vệ những lao động giúp việc.
Nghị định 27 thỏa thuận công việc giữa người giúp việc gia đình và bên sử dụng lao động phải lập hợp đồng bằng văn bản; lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động nếu có) không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm;
một ngày đêm người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 tiếng, trong đó có ít nhất 6 tiếng liên tục, mỗi tuần người lao động phải được nghỉ ít nhất 1 ngày hoặc bình quân mỗi tháng phải được nghỉ ít nhất 4 ngày, một năm người lao động được nghỉ phép 12 ngày hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng…
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND cấp xã nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình. Trường hợp thuê người giúp việc từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Người giúp việc muốn được pháp luật bảo vệ cần phải thấy rõ công việc mình làm là một nghề, phải làm việc đúng với khả năng của mình, không nên thích thì làm, không thích thì nghỉ. Bản thân người giúp việc cũng cần phải hiểu rằng, không thể có quyền lợi khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Về phía chủ nhà, bên cạnh việc thực hiện đúng pháp luật, cần phải có sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng người giúp việc để tạo một môi trường làm việc thân thiện, lâu bền.
Ông Nguyễn Thanh Nhân- Trưởng Phòng Việc làm- Tiền lương- BHXH thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long: Thực tế không ít trường hợp người giúp việc gia đình làm thất thoát tài sản, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động không thực hiện đúng cam kết. Do đó, 2 bên cần thương lượng. Nếu không đạt được thỏa thuận trong thương lượng thì 2 bên sẽ nhờ hòa giải viên hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì sẽ nhờ tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Lao động. |
MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin