Facebook- “cơn nghiện” thời @

06:10, 24/10/2014

Trường học facebook (FB), công sở FB, đường phố FB, quán ăn FB,... FB đã và đang trở thành trang mạng xã hội được rất nhiều người yêu thích sử dụng, không phân biệt giới tính, tuổi tác,… Đặc biệt đối với các bạn trẻ, “một ngày không vào face thì cảm thấy bứt rứt lắm”.

Trường học facebook (FB), công sở FB, đường phố FB, quán ăn FB,... FB đã và đang trở thành trang mạng xã hội được rất nhiều người yêu thích sử dụng, không phân biệt giới tính, tuổi tác,… Đặc biệt đối với các bạn trẻ, “một ngày không vào face thì cảm thấy bứt rứt lắm”.


FB là một trong những thủ phạm gây lãng phí thời gian ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, công việc và các hoạt động xã hội khác.

“Cuồng face”

Với ưu thế có thể tạo ra một thế giới riêng dành cho người dùng bày tỏ trạng thái, quan điểm cá nhân, dễ dàng chia sẻ những điều thầm kín, FB cung cấp nhiều ứng dụng các loại để người dùng tha hồ “vẫy vùng thỏa thích”.

Không chỉ có tính năng viết blog, FB còn cung cấp những tiện ích kết nối bạn bè không hạn chế, chat, comment trực tuyến, chơi game, nhiều cuộc thi trên face,... FB có nhiều thú vị và hữu ích nên mới thu hút được nhiều người khắp nơi trên thế giới.

FB đang tạo ra sức quyến rũ, hấp dẫn ghê gớm với tốc độ lan truyền mạnh mẽ. Vào FB rồi thì người ta sẽ tốn hàng mớ thời gian cho việc cập nhật, trao đổi, chat, thăm bạn bè, viết nhật ký, nhắn tin... để rồi cảm nhận được rất nhiều sự hưng phấn nên việc từ bỏ nó không đơn giản.

Hầu hết người “nghiện FB” đều mở FB mỗi khi dùng máy tính, trừ khi đi ngủ. Đối với họ thì FB dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có bất cứ tâm trạng nào, đi đâu, gặp ai, ăn gì, chơi gì, thì họ chăm chỉ cập nhật trạng thái kèm theo hình ảnh minh họa lên FB để chia sẻ với bạn bè.
 
Sau đó là thấp thỏm nhìn vào máy tính, điện thoại để hóng xem có ai “like”, “comment” gì không. Bạn Khánh Linh chia sẻ: “Giờ FB chiếm lĩnh phần lớn thời gian của mình. Cứ “thoát” ra xíu rồi lại “vào” để tò mò xem bình luận của bạn bè về trạng thái mình vừa cập nhật, rồi xem của bạn”.

Còn Hải Đăng cho biết: “Nhiều khi chat say mê tới khuya lơ mới ngủ. Bạn bè hẹn hò ăn uống nhưng nói chuyện tâm sự như xưa thì ít. Ai ai cũng tranh thủ làm dáng chụp hình để “up face”; rồi lại say sưa “ôm điện thoại”, “ôm face” mà quên có người bên cạnh luôn”.

Không khó để thấy những cảnh bạn bè tụ tập với nhau tại quán cà phê, quán ăn thì thay vì nói chuyện rôm rả thì họ lại mải mê chăm chú vào những chiếc smartphone hay ipad chỉ để cập nhật trạng thái FB. Chưa hết, còn một vấn nạn mà những người dùng FB thường vướng phải, đó là thi nhau up hình lên FB.

Làm gì, đi đâu, ăn gì, với ai... dường như bất cứ chủ đề nào cũng có thể chụp hình lại để khoe trên FB rồi chờ bạn bè like, comment tán thưởng nhau. Đồ ăn, thức uống dọn ra rồi mà nào có được ăn uống, phải giữ nguyên hiện trường chờ cho những tín đồ FB chụp hình xong đã, up hình lên FB cái đã, tới chừng nguội ngơ nguội ngắc rồi mới được ăn?

Bởi thế, cách đây không lâu có những tấm hình biếm họa được chia sẻ trên mạng: “Thức ăn không cần chụp vẫn ăn được”, nghe tưởng như đùa nhưng nhìn lại thực trạng xung quanh ta thì đúng là giật mình thật.

Nên sử dụng FB vừa phải

Không chỉ giới trẻ mà cả người lớn cũng bị nghiện FB. Khi nghiện FB, chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào thế giới ảo, không mang tính giáo dục ở thực tại bằng những công việc cụ thể, bằng tình yêu thương mọi người mà lại tách biệt với cuộc sống chỉ biết miệt mài cập nhật status (vui, buồn, yêu, ghét...), cập nhật mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh thậm chí bị... tai nạn để hóng xem có bao nhiêu người nhấn nút “like”, bao nhiêu “comment”.


Hãy dành thời gian cho những yêu thương, hoạt động ngoài cộng đồng.

Gần đây, ở một số quán cà phê, nhà hàng tại các thành phố lớn, trên mỗi bàn khách ngồi đều được chuẩn bị một cái hộp xinh xinh, có ổ khóa. Và thực khách có nhiệm vụ là phải bỏ tất cả smartphone và máy tính bảng của mình vô trong rồi khóa lại, như một lời cam kết không lạm dụng mạng xã hội.

Tất cả những ví dụ trên đã cho ta thấy được mức độ “xâm lăng” của FB vào chính cuộc sống của chúng ta đã đến mức báo động. Những giá trị tốt đẹp như cuộc gặp gỡ nhau, chuyện trò thân mật tưởng chừng rất đơn giản nhưng sao giờ đây lại khó khăn đến thế.
 
Bạn có bao nhiêu “friend” trên FB? Vài chục, vài trăm hay vài ngàn? Và trong số đó, có bao nhiêu người sẵn sàng đi uống cà phê cùng bạn? Bao nhiêu người sẵn sàng lắng nghe những lời tâm sự của bạn bằng lời nói, ánh mắt, cử chỉ của tấm chân tình thực sự chứ không hẳn là những dòng chat vô hồn, lạnh lẽo qua màn hình FB?
 
Nếu đáp số của bạn chỉ nằm vỏn vẹn trên mười đầu ngón tay thì đã đến lúc bạn cần tự nhìn lại chính mình, xem đâu mới chính là cuộc sống của bạn, đâu mới là những người bạn cần quan tâm, yêu thương.

Chúng ta “lướt face” một cách chừng mực, đúng mục đích hay không, còn phụ thuộc vào bản lĩnh của mình để không quá sa đà và bị thế giới ảo làm mê hoặc.

Ngồi một chỗ và nhìn lăng kính bằng FB, những người nghiện face tìm sự tự tin, chứng tỏ bản thân trong tách biệt và cô đơn. Cuộc sống vốn dĩ muôn màu, hãy bước ra để làm những việc mình thích, hãy khám phá thế giới, con người xung quanh, hãy vi vu đây đó để chiêm ngưỡng cảnh đẹp đất nước, học hỏi thêm những điều hay mới lạ.

Hay đơn giản chỉ cần dùng thời gian vào FB, để đọc một quyển sách, giao tiếp, quan tâm tới những người thân yêu của mình. Khi ấy, cuộc sống mới tươi đẹp và đáng quý biết bao!

Tại Việt Nam, cứ mỗi 3 giây lại có người đăng ký dịch vụ FB. Chỉ một năm trước đây, khoảng 2,9 triệu người sử dụng mạng xã hội này, nhưng hiện nay con số đã tăng lên trên 20 triệu người. 20 triệu người góp phần tạo ra những cơn bão like, bình luận ở trên mọi trạng thái cảm xúc được chia sẻ. Trung bình mỗi ngày có hơn nửa tỷ người bấm nút like và FB đang được cho là gây nghiện hơn cả rượu, thuốc lá... Những người nghiện face tự cô lập mình trong thế giới riêng.


Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh