Tổn thất nguồn lương thực, thủy sản ĐBSCL

09:10, 05/10/2014

Theo nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong của Ủy ban sông Mekong Việt Nam đối với khu vực ĐBSCL, các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã gây tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước, tác động đến phù sa, đa dạng sinh học, thủy sản, giao thông thủy, nông nghiệp (NN), nền kinh tế và kế sinh nhai của hàng triệu


Nước ít, cá giảm, người dân mưu sinh mùa nước nổi mất thu nhập.

Theo nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong của Ủy ban sông Mekong Việt Nam đối với khu vực ĐBSCL, các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã gây tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước, tác động đến phù sa, đa dạng sinh học, thủy sản, giao thông thủy, nông nghiệp (NN), nền kinh tế và kế sinh nhai của hàng triệu người dân...

“Trụ cột” của ĐBSCL đang bị đe dọa

Với tổng lượng phù sa 160 tỷ tấn/năm, tổng lượng cá tự nhiên 2,6 tỷ tấn/năm, tiềm năng nuôi sống 300 triệu người, lưu vực sông Mekong còn là vùng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có nguồn đa dạng cá tự nhiên cao thứ 2 trên thế giới, có tải lượng phù sa đứng hàng thứ 6 trên thế giới.

Mekong
là dòng sông độc đáo trên thế giới do sự khác biệt giữa mùa khô và mùa nước: lưu lượng mùa nước (tháng 8- 9) bằng 30 lần mùa khô (tháng 3- 4). Chính nhịp thủy văn hàng năm này tạo ra sự đa dạng sinh thái và sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Sông Mekong có khoảng 1.200 loài cá, định danh được 700 loài, ĐBSCL có khoảng 450 loài, định danh được 300 loài.

Trong khi đó, sản lượng cá sông Mekong 0,75- 2,6 triệu tấn/ năm, chiếm 7- 22% sản lượng cá nước ngọt thế giới. Cá nước ngọt đóng vai trò thiết yếu trong an ninh thực phẩm trong vùng. Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước ở vùng hạ Mekong tiêu thụ cá lớn nhất thế giới.

Trung bình ở Việt Nam , mỗi người sẽ ăn 7kg cá/năm. Không chỉ vậy, được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất, sản lượng lúa gạo ở ĐBSCL liên tục gia tăng, năm 2013 trên 24,8 triệu tấn.

Theo Ủy hội Sông Mekong, hàng năm có khoảng 2,6 tỷ tấn cá tự nhiên và các nguồn tài nguyên thủy sản khác được đánh bắt, trị giá ít nhất 2 tỷ USD.
 
Tác động của các đập dòng chính sông Mekong đối với nguồn lợi thủy sản sẽ ảnh hưởng rất lớn tới an ninh lương thực, nguồn dinh dưỡng và sức khỏe của con người. Khoảng từ 50- 80% lượng protein từ động vật mà 60 triệu cư dân tại hạ lưu sông Mekong tiêu thụ là từ nguồn thủy sản của dòng sông.

Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông. Đồng thời làm giảm diện tích vùng đầm lầy dẫn tới thay đổi môi trường sống và chặn luồng di cư của nhiều loại thủy sản.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu- thuộc ĐH Cần Thơ), đập Don Sahong là dự án thủy điện thứ hai trên sông Mekong nằm trên đất nước Lào.

Các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có thể làm tuyệt diệt giống cá da trơn và các loài cá di cư khác trên sông Mekong , làm giảm nhiều loài cá đặc hữu ở vùng hạ nguồn. Đồng thời, đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và suy giảm hệ sinh thái ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hữu Thiện- Trưởng nhóm quốc gia Nhóm tư vấn đánh giá môi trường chiến lược các đập dòng chính Mekong : NN và thủy sản chính là 2 trụ cột chính của ĐBSCL. Bởi ĐBSCL ít tiềm năng mỏ, khoáng sản, ít rừng, nhiều ngành công nghiệp dịch vụ là phụ thuộc vào NN/ thủy sản (chế biến, vận chuyển thủy sản, nông sản, du lịch…).
 
Khi xây đập thủy điện sẽ dẫn đến tổn thất phù sa: không có phù sa thì cần bao nhiêu phân bón bù vào cho NN, mất dinh dưỡng toàn hệ thống; thủy sản tự nhiên mất đi thủy sản nuôi cũng khó đứng vững. Năm nay, nhiều người dân nuôi cá trên đồng phải bơm nước vào, người nuôi cá bè cũng điêu đứng, nếu chỉ nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì chi phí quá cao, không lời; chim, cò, rùa, rắn phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên; trong khi đó cá tự nhiên là nguồn dinh dưỡng chính của người nghèo… có quá nhiều tổn thất về thủy sản (thủy sản tự nhiên nước ngọt, thủy sản nuôi, thủy sản biển), tổn thất về NN do tổn thất phù sa…

Nguy cơ bị xóa sổ nhiều loài

Hệ sinh thái thủy sinh đa dạng đặc biệt của sông Mekong , chỉ đứng thứ 2 sau sông Amazon, sẽ bị đe dọa. Một số lượng cá di cư sẽ bị ảnh hưởng bởi các đập dòng chính lại là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá ăn thịt khác.

Những loài cá quan trọng như vậy là trung tâm của sự ổn định và sản lượng của toàn bộ hệ sinh thái sông Mekong, nếu mất đi chúng thì có thể gây ra những hậu quả đáng kể với hệ sinh thái mà không thể dự đoán.

Các con đập sẽ đẩy các loài cá đang bị đe dọa như cá heo Irrawaddy và cá tra dầu sông Mekong vào tình trạng tuyệt chủng và sự mất mát về sinh thái này sẽ là một thảm họa đối với cân bằng trên toàn cầu.

Đập Xayabury có chiều dài đập chính là 810m, chiều cao đập 32m. Trên thế giới, chưa có một công trình thực tế nào cho phép cá vượt qua được các đập có chiều cao đến 30m. Một số sáng kiến đưa ra là làm cầu thang cho cá nhưng tính khả thi là không hề có.

Dòng Don Sahong có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì tính bền vững của thủy sản di cư trên toàn vùng hạ lưu vực Mekong . Dòng chính Mekong từ Nam Lào đến thác Khone có 205 loài cá trong đó có nhiều loài di cư.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn: Các loài cá trắng trên sông Mekong có tập quán vào mùa khô, cá trưởng thành sẽ di cư từ ĐBSCL lên thượng nguồn, đến tháng 6- 7 cá bắt đầu đẻ trứng, trứng nở ấu trùng và các con trôi theo dòng nước xuống hạ lưu để trưởng thành. Việc đắp đập ngăn dòng, làm đảo lộn quy luật tự nhiên, chiều cao đập trên 30m nên cá không thể di cư sinh sản sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, các đập thủy điện dòng chính Mekong, mỗi năm sẽ tổn thất 220.000-440.000 tấn cá trắng di cư, mức thiệt hại lên tới 1 tỷ USD. 35% cá trắng, 65% cá đen. Cá đen ăn cá trắng nên không có cá trắng thì cá đen cũng mất đi, chỉ riêng tổn thất này đã là lớn hơn lợi ích của thủy điện mang lại.

Khi xây các đập thủy điện, người chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất chính là nông dân, ngư dân. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Kim Nguyên- lo ngại: HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bảo vệ, khai thác nguồn nước.
 
Vĩnh Long không phải là tỉnh ngập mặn, song nếu các đập thủy điện trên thượng nguồn ngăn dòng Mekong, thì tỉnh sẽ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân làm nghề NN (vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa,...).

Bài, ảnh: QUYÊN LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh