Nếu hệ thống cây xanh thường được ví như là lá phổi của đô thị thì “hệ hô hấp” của TP Vĩnh Long “khỏe” đến đâu?
Nếu hệ thống cây xanh thường được ví như là lá phổi của đô thị thì “hệ hô hấp” của TP Vĩnh Long “khỏe” đến đâu?
Hàng cổ thụ hiếm hoi của thành phố.
Chưa đồng bộ
Ở TP Vĩnh Long khó có thể tìm được điểm nhấn khác biệt về hệ thống cây xanh bởi việc đầu tư hệ thống cây xanh chưa thật sự đồng bộ. Nhiều loại cây bố trí trồng chưa đem lại mỹ quan, an toàn.
Có thể nhận thấy rằng trên nhiều tuyến đường trong nội ô TP Vĩnh Long việc bố trí trồng cây xanh còn khá đơn điệu, chưa tạo được nét riêng cho thành phố. Bên cạnh một số tuyến đường có cây xanh khá được chăm chút như đường Phạm Thái Bường (Phường 4), đường Nguyễn Huệ (Phường 2), đường Phạm Hùng (Phường 9)… thì nhiều tuyến đường ở Phường 1 vẫn chưa có cây xanh do vỉa hè quá nhỏ hẹp như: đường 3 Tháng 2, Nguyễn Thái Học, 19 Tháng 8, Hưng Đạo Vương.
Những tuyến đường có cây xanh đều vướng phải cảnh bị “chèn ép” dưới đường điện, đường dây thông tin.
Ngay cả tuyến đường mới làm như đường Võ Văn Kiệt cũng chưa được đẹp mắt. Trong khi đó, nhiều người dân chưa đồng tình việc chọn cây xanh, vỉa hè tuyến đường che chắn tầm nhìn, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Có thể thấy, trên dải phân cách hiện trồng nhiều cây kiểng, tán rộng che khuất tầm mắt người đi đường. Khi muốn qua đường, những tán cây ở dải phân cách hạn chế tầm nhìn của người chạy xe như đường Phạm Thái Bường, đường Trần Phú đoạn trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Phường 4).
Theo Sở Xây dựng, việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị được phê duyệt, phải đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và đảm bảo an toàn.
Tại các nút giao thông quan trọng, việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn giao thông.
Cây xanh được trồng cách các góc phố từ 5- 8m tính từ điểm lề đường giao nhau gần nhất phù hợp theo góc vát và bán kính theo bó vỉa hè, không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và an toàn giao thông; cách các họng cứu hỏa trên đường 2- 3m; cách cột đèn chiếu sáng và miệng hố ga 1- 2m; cách mạng lưới đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1- 2m; cây xanh được trồng dọc mạng lưới đường dây dẫn điện phải đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định hiện hành của Nhà nước…
Ông Đào Thanh Liêm- Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng cho biết: Hiện nay mật độ cây xanh đã phủ xanh rộng khắp trên địa bàn TP Vĩnh Long.
Tuy nhiên, do một số con đường có vỉa hè nhỏ, chật hẹp nên việc bố trí trồng cây xanh còn gặp nhiều khó khăn nhất là về mạng lưới dây điện, cống thoát nước. Chưa có quy hoạch đồng bộ nên việc trồng cây xanh còn gặp nhiều vướng mắc.
Cần quan tâm vấn đề cây xanh an toàn
Ở một góc độ khác, hệ thống cây xanh của TP Vĩnh Long hiện tại đã thấy xuất hiện nhiều cây được xem là thực vật ngoại lai xâm hại! Sò đo cam là điển hình, không ít người bị “mê hoặc” bởi màu sắc rực rỡ của nó, vì đặc tính dễ trồng, tán lá xanh mướt, vươn thẳng, lại ít rụng lá.
Loại cây này có mặt ở một số tuyến đường chính của thành phố và kể cả nhà dân. Mặc dù theo lý giải của nhiều nhà quản lý cây xanh đô thị, trồng ở điều kiện đường và vỉa hè được bê tông hóa thì hạt cây rất khó phát tán và mọc bừa bãi, nhưng khi người dân đem về trồng ở những bãi đất trống hay khuôn viên gia đình thì rất khó kiểm soát.
Bên cạnh sò đo cam còn có cây trúc đào, mặc dù đã được cảnh báo là 1 trong 5 loại cây cực độc trên thế giới nhưng ở Vĩnh Long, trúc đào xuất hiện nhan nhản ở nhiều nơi, từ nhà dân đến nơi công cộng, như bến tàu An Bình, khu vực cầu Mỹ Thuận cũng thấy xuất hiện loại cây trồng này.
UBND tỉnh cũng đã ban hành danh mục cây trồng, cây khuyến khích trồng, cây hạn chế trồng, cây cấm trồng, cây bảo tồn trong các đô thị thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Những loại cây xanh đã trồng trước khi quyết định này có hiệu lực thi hành thuộc danh mục cây cấm trồng hoặc hạn chế trồng, cơ quan quản lý cây xanh lập kế hoạch từng bước thay thế theo quy định.
Các cây xanh được phép trồng phát sinh ngoài danh mục được ban hành, cơ quan quản lý cây xanh đô thị trình UBND tỉnh xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Theo đó, có 55 loại cây trồng trong các đô thị thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long như: ban, bụt mọc, bách tán, chò nâu, dáng hương, dâu da xoan, đề, hoàng lan, lộc vừng, muồng hoa đào…
Đặc tính các loại cây trồng này tạo được vẻ mỹ quan, cảnh quan đô thị, có màu sắc cả 4 mùa. Có 8 loại cây khuyến khích trồng như: bằng lăng (các loại), bò cạp nước (cây hoàng hậu), cau vàng, dầu con rái/ dầu nước, gõ dầu, phượng vĩ (các loại), sang đào/sao xanh, sao đen vì các loại cây này dễ dàng thích nghi với điều kiện sống, hiện đã được trồng nhiều trên địa bàn tỉnh.
Có 24 loại cây hạn chế trồng điển hình như: sò đo cam (hồng kỳ) vì tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đưa cây này vào vị trí 41 trong danh sách “100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới”; trắc bá điệp gây độc khi ăn phải và cây này cũng gây ra những dị ứng da ở những người có nhạy cảm bẩm sinh; vông đồng các loại vì dễ ngã đổ khi mưa to, gió lớn; xà cừ (sọ khỉ) có rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất (gây hư vỉa hè, mặt đường, có thể ảnh hưởng giao thông)…
Trong số 16 loại cây cấm trồng thì cây bã đậu nằm trong danh sách này vì mủ và hạt độc; trúc đào có thân và lá có chất độc; bàng (các loại) vì dễ bị sâu (gây ngứa khi đụng phải)…
Bằng lăng là một trong những loại cây được khuyến khích trồng.
Đặc biệt khi vào mùa mưa bão, việc bảo vệ hệ thống cây xanh, chống đổ ngã cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Ông Lưu Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng cho biết:
Nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị mùa mưa, công ty đã cho nhân viên tiến hành cắt tỉa cành cây tạo vẻ mỹ quan, đồng thời để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa. Bởi, khi xảy ra tình trạng cây xanh gãy, đổ trong nội ô sẽ đe dọa đến tính mạng của người đi đường, nhà dân, các công trình xây dựng, đường dây điện,…
Theo Đề án chỉnh trang đô thị TP Vĩnh Long, giai đoạn năm 2011- 2015 lĩnh vực cây xanh đường phố, đặc biệt nhấn mạnh phải phù hợp và tạo nét đặc trưng riêng cho thành phố.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần có sự phối hợp chặt giữa đơn vị quản lý cây xanh với các ngành, đoàn thể hữu quan cùng địa phương, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích của cây xanh đô thị để có trách nhiệm trong việc trồng và bảo vệ.
Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin