
Mặc dù bước đầu “tập tành” làm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng những thanh niên ấy vẫn không ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính sức mình.
Mặc dù bước đầu “tập tành” làm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng những thanh niên ấy vẫn không ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính sức mình.
Nhờ học hỏi những người xung quanh, mô hình kinh tế của anh Đinh Hoàng Khải ngày càng hiệu quả.
Làm giàu nhờ chịu khó
Đến thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Công Trình (xã Quới Thiện- Vũng Liêm), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vườn sầu riêng bạt ngàn xanh tốt.
Anh kể: Trước đây, lúc anh ra ở riêng cha mẹ cho được 2 công vườn. Nhà có 3 người, thu nhập lại bấp bênh nên cuộc sống gia đình anh rất khó khăn. “Nhiều lúc cũng có ý định đi làm ăn xa nhưng rồi tôi thấy rằng “không đâu bằng chính quê nhà” nên tôi đã quyết tâm ở lại phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê mình”- anh cho biết.
Kể từ đó, anh bắt đầu tập làm kinh tế bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tìm hiểu nhiều mô hình làm ăn hiệu quả. Thấy trồng sầu riêng Ri 6 có hiệu quả, anh liền tiến hành cải tạo vườn để trồng giống cây này.
Lúc đầu anh chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ sầu riêng đậu trái không cao. Không nản lòng, anh đăng ký tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm tòi kiến thức trên sách báo và anh đã “tủ” cho riêng mình kỹ thuật hiệu quả như: cách thức xử lý nghịch vụ, đậy vải mủ, xiết nước, xử lý ra hoa,…
Nhờ vậy mà 2 công sầu riêng của anh cho năng suất ngày càng cao, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh, để tăng thêm thu nhập, gia đình anh còn thu mua trái cây của bà con lên TP Hồ Chí Minh bán lại. Nhờ chịu thương chịu khó làm ăn, anh đã tích lũy được số vốn kha khá và thuê thêm 7.000m2 đất vườn để mở rộng mô hình.
Với số đất thuê được, anh trồng 5.000m2 sầu riêng và trồng thử nghiệm 2.000m2 mít cao sản. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng xem canh thêm chuối, thu nhập thêm gần 2 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, mỗi năm anh thu lợi nhuận từ vườn sầu riêng trên 300 triệu đồng. Chưa kể anh còn bỏ túi trên 80 triệu đồng từ vườn mít cao sản.
Với quyết tâm vượt qua nghèo khó cùng sự say mê học hỏi nên mới hơn 30 tuổi mà anh Trình đã làm chủ ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi cùng mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. “Mình còn trẻ thì phải lo chí thú làm ăn, phải tự tìm cách để vươn lên, không nên ỷ lại những gì mình đang có”- anh nói.
Làm nông dân sản xuất giỏi không khó
Đó là chia sẻ của anh Đinh Hoàng Khải- Bí thư Chi đoàn Cơ quan thị trấn Tam Bình (huyện Tam Bình). Bởi lẽ anh không phải là nông dân “thực thụ” mà đang công tác tại UBND thị trấn. Anh nói: “Trước đây, tôi có biết làm vườn gì đâu. Chỉ thấy cha mẹ lớn tuổi nên thay cha gánh vác việc gia đình mà thôi”.
Nói thì nói vậy nhưng khi bắt tay vào làm thì chàng trai trẻ ấy không hề sợ “tay lấm chân bùn” mà vẫn chịu khó tìm cách làm ăn đưa kinh tế gia đình càng phát triển. Tranh thủ ngày nghỉ hay thời gian sau khi làm việc tại cơ quan là anh lại ra chăm sóc vườn cam của gia đình.
Lúc đầu anh tiến hành cải tạo lại 4.000m2 vườn cây ăn trái không hiệu quả, chặt bỏ những cây già cỗi và trồng lại cây con mới. Vì theo anh, tuy tốn bỏ nhiều công sức và thời gian nhưng đây là hướng đi mới mang lại năng suất cao. Tuy lúc đầu chưa quen với việc làm nông và gặp không ít khó khăn vì bệnh vàng lá, thối rễ trên cây…
Nhưng nhờ kiên trì học hỏi từ những người xung quanh, chịu khó bỏ công chăm sóc mà anh đã vượt qua những trở ngại, đưa thu nhập gia đình ngày càng ổn định. “2 năm đầu vườn cam cho trái lợi nhuận khoảng 40 triệu/năm. Đó là khích lệ đầu tiên đối với người mới tập tành làm kinh tế như tôi rồi”- anh cười nói.
Từ kết quả bước đầu ấy, anh đã mạnh dạn tìm hiểu và áp dụng thử nghiệm kỹ thuật cho trái nghịch vụ trên diện tích 1.000m2. Và từ việc xử lý nghịch vụ 1 công cam cộng với diện tích vườn cam còn lại đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, anh đang áp dụng xử lý vụ nghịch trên diện tích 4.000m2, hứa hẹn kết quả khả quan.
Từ một chàng trai trẻ còn bỡ ngỡ việc trồng cây, làm vườn giờ đây đã trở thành anh nông dân am hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây cam sành…
Anh Khải cho biết: “Làm kinh tế không khó nếu như mình chịu khó, không nản lòng. Mặc dù mô hình của tôi thu nhập không đáng kể nhưng cũng góp phần đưa kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định và giúp tôi an tâm công tác hơn”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin