Sẽ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thu nhập

07:08, 06/08/2014

Ngày 5-8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm về những nội dung cải cách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, đáng chú ý là những thay đổi về chế độ hưu trí, các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn và dài hạn…


Ảnh minh họa: Đăng Khoa.

Ngày 5-8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm về những nội dung cải cách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, đáng chú ý là những thay đổi về chế độ hưu trí, các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn và dài hạn…

Từ 1-1-2018: Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thu nhập

Theo một thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân hiện nay chỉ bằng khoảng 60% thu nhập của người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, đặc biệt là khi nghỉ hưu.

Như vậy, quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiến dần tới thu nhập thực tế của người lao động để bảo đảm quyền thụ hưởng khi người lao động khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nếu áp dụng ngay quy định này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp, có thể dẫn tới tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể và quản lý đối với ”các khoản bổ sung khác” trong thu nhập của người lao động hiện là khó khăn, do các khoản này thường xuyên biến động.

Vì vậy, dự thảo Luật đưa ra lộ trình và thời điểm áp dụng từ ngày 1-1-2018 trở đi nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau khủng hoảng, tạo thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị đón nhận quy định mới và cũng là các cơ quan quản lý có thể nâng cao năng lực trong quản lý và giám sát được mức tiền lương và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Về công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu, dự thảo Luật giữ nguyên tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% nhưng thay đổi cách tính theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu.

Cụ thể: “Từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm; năm 2017 là 17 năm; năm 2018 là 18 năm; năm 2019 là 19 năm và năm 2020 là 20 năm."

Bên cạnh đó, để bảo đảm sự bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đồng thời bảo đảm hơn nguyên tắc đóng-hưởng, tại khoản 1 Điều 61 dự thảo Luật quy định đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-7-2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật này có hiệu lực thi hành), khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Đối với những người lao động thuộc khu vực Nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, vẫn thực hiện tính mức bình quân theo số năm cuối như quy định của Luật BHXH hiện hành. Như vậy, với quy định trên, người sớm nhất thuộc khu vực Nhà nước tính bình quân toàn bộ quá trình phải là người nghỉ hưu từ tháng 8-2035 trở đi.

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội buộc

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có quy định thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 3 tháng và công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này cần có lộ trình và sẽ thực hiện từ ngày 1-1-2018. Khi đó cơ quan BHXH đã thực hiện hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời giúp cho người lao động, người sử dụng lao động có thời gian chuẩn bị.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về chế độ thai sản, bà Nga cho biết có nhiều điểm sửa đổi các quy định cho phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012 theo hướng có lợi cho người lao động, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong đó, bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản năm ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và bảy ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ nên không bảo đảm điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Dự thảo Luật sửa đổi quy định trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn khả năng chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Sửa đổi quy định về trợ cấp một lần theo hướng trong trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi sinh con, thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Rộng cửa hơn với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Dự thảo Luật lần này mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng và nhu cầu đều được tham gia để có lương hưu khi về già.

Ngoài ra, dự thảo cũng hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện (hiện hành đang quy định không thấp hơn mức lương tối thiểu chung, hiện nay là mức lương cơ sở) theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ để phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận lao động nông thôn và khu vực phi chính thức.

Theo đó, bổ sung phương thức đóng BHXH tự nguyện một năm một lần và một lần cho nhiều năm để tạo sự linh hoạt hơn đối với người tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt nhằm khuyến khích người dân tham gia…

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này hướng tới mở rộng đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động với hình thức đa dạng. Riêng với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng ta có quyết tâm chính trị thu hút khoảng 7-8 triệu người tham gia với chính sách hỗ trợ.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank) Philip O’Keefe cho rằng, dự định tăng diện bảo hiểm tự nguyên cho khu vực phi chính thức, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, tăng diện bảo hiểm đòi hỏi phải có sự trợ giúp của Chính phủ để khuyến khích lao động trong khu vực phi chính thức tham gia.

Thiết kế của chế độ bảo hiểm tự nguyện cần đơn giản cả khi đóng góp và chi trả. Đối với các hợp đồng dưới ba tháng, việc mở rộng bảo hiểm cho các đối tượng này sẽ giúp giảm sự lạm dụng/ trốn đóng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý các hợp đồng ngắn hạn thực sự còn là thách thức trong quá trình thực hiện.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh