Xoa dịu nỗi đau, bước qua nghịch cảnh

06:08, 10/08/2014

Chiến tranh đã đi qua nhưng những di chứng do chất độc da cam/dioxin (CĐDC) vẫn còn để lại cho hàng ngàn tấm thân không lành lặn- là nạn nhân của cuộc chiến hóa học. May mắn thay, cộng đồng đã chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Từ đó, những nạn nhân có thêm ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những di chứng do chất độc da cam/dioxin (CĐDC) vẫn còn để lại cho hàng ngàn tấm thân không lành lặn- là nạn nhân của cuộc chiến hóa học. May mắn thay, cộng đồng đã chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Từ đó, những nạn nhân có thêm ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Niềm vui của bé Minh khi được ở nhà tường, được chơi trò chơi.

Xoa dịu nỗi đau da cam

Gia đình cô Thạch Thị Mít (ấp Trà Mòn, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất. Đứa con trai duy nhất không may mắn bị nhiễm chất độc hóa học. 15 tuổi, Thạch Minh- con cô Mít- có vóc người như đứa trẻ mới lên 6 và không biết nói.

Từ duy nhất mà Minh có thể nói là “trứng”. Bởi, em thích nhất là được ăn món này. Hàng ngày, Minh chỉ quanh quẩn trước cửa nhà cùng với mớ đồ chơi đã hư cũ, không chơi với bạn bè chòm xóm bởi lẽ trí não em cũng không đủ phát triển để chơi cùng chúng bạn.

Cô Mít tâm sự: “Hồi mới sanh nó, cô mụ đã cho tui biết nó bịnh, nhưng con thì tui thương ráng nuôi chứ thấy con người ta khỏe mạnh, con mình vầy tui buồn thúi ruột”.

Cuộc sống của gia đình đều phụ thuộc vào số tiền công của người chồng- chú Lê Văn Tông. Khi chú bệnh, cô lại thay phiên đi làm bởi “phải có người ở nhà xem chừng thằng Minh, mới yên tâm”- cô Mít nói.

Ngày 1/8 vừa qua, cô chú được Hội Nạn nhân CĐDC vận động tặng cho căn nhà tình thương “tưởng như một giấc mơ” mà “cả đời tụi tui cũng không dám mong có nhà đàng hoàng để ở”. Bé Minh còn được cho giường mới để ngủ, ngồi chơi sạch sẽ. Chú Tông cười: “Có nhà cửa đàng hoàng rồi, tui yên tâm mần, gần xa gì cũng được để có tiền lo cho con”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Trà Ôn Lê Văn Quới cho biết: Toàn huyện có khoảng 2.000 nạn nhân CĐDC, chiếm 1/3 so tổng số nạn nhân bị nhiễm CĐDC trong toàn tỉnh. Thời gian qua, huyện hội đã vận động các nhà hảo tâm cùng với các cấp chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho gia đình các nạn nhân nhiễm CĐDC.

Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng, các ban ngành đoàn thể đã cùng chung tay góp sức vận động các nguồn lực hỗ trợ. Hàng năm, huyện hội còn vận động từ 1- 2 tỷ đồng để kịp thời chăm sóc, hỗ trợ cho nạn nhân.

Vượt qua gian khó

Với chức năng hỗ trợ giáo dục hòa nhập và hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật trong đó có trẻ em bị nhiễm CĐDC trong tỉnh học nghề và tạo việc làm cho các em.

Nào là may, làm hoa vải, làm móng, rửa xe,… Đây là những nghề phổ biến và phù hợp với các dạng khiếm khuyết của các em nên sau khi học xong, hầu hết các em đều có thể tự tìm thu nhập với nghề.

Em Nguyễn Ngọc Giàu (xã Trường An- TP Vĩnh Long)- học sinh Trung tâm GD Hòa nhập trẻ khuyết tật- bị nhiễm CĐDC nên đôi mắt của em mờ dần và tâm trí giống như đứa trẻ tiểu học dù tuổi đã ngoài 20.

Em cho biết: “Đi học, em được học may, học làm chuồn chuồn, bình hoa,… rất nhiều thứ khác nữa, em rất vui!” Mẹ Giàu chia sẻ: “Con mình sinh ra chẳng may bị khiếm khuyết, tôi rầu lắm nhưng thấy con mình đi học có khá hơn nên cũng yên lòng. Nó đã biết tự làm nhiều thứ, biết may,… tự chăm sóc bản thân rồi”.

Chú Xê tâm sự: “Con mình tật nguyền, tôi hy vọng có sức khỏe ráng mần lo cho con”.

Về xã Trà Côn, chúng tôi tìm đến thăm nhà chú Nguyễn Văn Xê (ấp Rạch Vẹt). Chú Xê là bộ đội xuất ngũ và chịu ảnh hưởng bởi CĐDC nên “mỗi khi trái gió trở trời lại âm ỉ đau, đầu cũng có mủ, rồi nào viêm phổi, phù da, đi khám mới biết bị nhiễm CĐDC với tỷ lệ nhiễm 60%”- chú Xê nói. “Không ngờ CĐDC ghê gớm từ chú lại lây sang đứa con gái thứ 5. Con Nhi sinh ra bị khoèo tay, khoèo chân. Vợ chồng chú trị liệu khắp nơi mãi đến năm con 7 tuổi mới biết đứng đi khập khiễng”- chú tâm sự.

Vợ chồng chú quen nhau trong kháng chiến và tình yêu ấy được thăng hoa bằng đám tuyên bố giản đơn. Nhà nghèo, không đất sản xuất, người bị nhiễm độc nên cứ “bệnh, đau, ngứa” rề rà hoài. Song, vợ chồng đồng lòng “ai mướn gì mần đó, buôn dầm cầm chèo từ cắt lúa, làm đất, mướn đất mần lúa... rồi tích cóp mua đất, nuôi heo, nuôi bò".

Hôm chúng tôi đến, chú Xê tranh thủ ra sông ngọn Tầm Vu kéo vó để “kiếm bậy ít cá ăn cơm”. Từ đôi bàn tay trắng, giờ đây gia đình chú đã cất được căn nhà cấp 4 khang trang, có ruộng vườn và 4 con bò.

Nhưng điều đó cũng không làm chú Xê buồn bằng việc cô con gái thứ 5 bị truyền nhiễm chất độc quái ác này. Thương con, vợ chồng chú thay nhau cõng con đi học suốt 6 -7 năm liền. Nhưng đến nay, bàn tay và chân phải của Nguyễn Thị Hồng Nhi- con gái chú Xê không còn cử động được.

Cô Đoàn Thị Việt- vợ chú Xê nhìn xa xôi: “Hồi đó miệt này là vùng căn cứ Bang Chang nên cứ một lát là bị ô buýt thục một lần. Địch nó quần rải thuốc dữ lắm. Hòa bình, tưởng êm rồi ai dè di chứng chiến tranh lại ảnh hưởng đến con mình.

Xót cho con Hồng Nhi bị nhiễm độc giờ tay và chân phải không cử động được. Cũng may, có người thương hỏi cưới và vợ chồng nó có con gái 10 tuổi lành lặn. Nhưng cuộc sống tụi nó còn nghèo, vợ chồng cô chú phải nuôi luôn. Con mình tật nguyền, mình còn sức khỏe ráng mần để bù đắp, lo cuộc sống cho con”.

Ông Phan Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Vĩnh Long cho biết: Công tác chăm sóc nạn nhân được phát triển ngày càng mạnh mẽ nhờ đó kịp thời hỗ trợ cho hàng ngàn đối tượng. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, các cấp hội đã vận động các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp trên 7,7 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Hội Nạn nhân CĐDC/ dioxin tỉnh đã vận động hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ quà tết, khám cấp thuốc miễn phí, thăm bệnh, hỗ trợ học bổng, vốn sản xuất, xe lăn, xe lắc,… cho nạn nhân khó khăn. Tỉnh hội xúc tiến thành lập một trung tâm nuôi dạy con em bị nhiễm CĐDC, đồng thời tiếp tục vận động hỗ trợ các gia đình được hưởng chính sách, nhà ở, kinh tế để giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 6.500 người bị nhiễm CĐDC, trong đó có hơn 2.200 trẻ em. Số lượng chất độc hóa chất phun rải ở Vĩnh Long gần 49.000 lít tương đương 17% diện tích bị phun rải, lượng dioxin đọng lại khoảng 1,1%.


Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh