Nhà xe cần phải có cái “tâm”

02:08, 15/08/2014

Hiện nay, xuất hiện nhiều hợp tác xã, công ty tổ chức kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức dịch vụ, phục vụ đưa đón khách. Song song đó, cũng xuất hiện nhiều phương tiện tham gia vận chuyển hành khách chạy theo hình thức đóng tuyến bến bãi, hay còn gọi là xe “dù”. Trước tình hình đó, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe với nhau.

Hiện nay, xuất hiện nhiều hợp tác xã, công ty tổ chức kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức dịch vụ, phục vụ đưa đón khách. Song song đó, cũng xuất hiện nhiều phương tiện tham gia vận chuyển hành khách chạy theo hình thức đóng tuyến bến bãi, hay còn gọi là xe “dù”. Trước tình hình đó, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe với nhau.

Thời gian gần đây, báo, đài đã phản ánh rất nhiều trường hợp xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, chạy đua với nhau để tranh giành khách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cũng như an toàn cho hành khách trên xe.

Bên cạnh đó, lại xuất hiện nhiều trường hợp nhà xe giành giật, chèo kéo hành khách tại các bến bãi, lúc này hành khách không còn được xem là "thượng đế" nữa, mà như một món hàng để các nhà xe cạnh tranh. Nghiêm trọng hơn là giữa nhà xe và “cò xe” khách cấu kết với nhau để lừa gạt tiền của khách.

Theo bà Nguyễn Thị Năm (67 tuổi, ngụ ấp Hiếu Liên, xã Hiếu Thành- Vũng Liêm), chiều 15/7/2014, sau khi khám bệnh xong, bà ra Bến xe miền Tây (TP Hồ Chí Minh) đón xe về quê. Vừa xuống xe buýt tới bến xe, bà gặp một anh thanh niên chạy xe ôm khoảng 29 tuổi rất là ân cần đón tiếp, thúc giục bà Năm “nhanh nhanh lên, xe này chạy liền về Hựu Thành nè”, khi biết bà đón xe về Hựu Thành. Không mảy may nghi ngờ, bà Năm đã lên xe để anh thanh niên đưa lại xe khách đang nổ máy đợi sẵn. Đến đây, bà gặp cô gái khoảng (45 tuổi) đang đứng bắt khách.

Bà hỏi giá bao nhiêu, cô này nói “xe này đời mới, máy lạnh, chất lượng cao nha bà, lấy bà 110.000đ”. Bà Năm đáp: “Bận lên, tôi đi có 80.000đ”. Không ngần ngại, người con gái kia kêu bà lên xe. Vừa lên xe, cô gái lại xin tiền xe của bà Năm, lúc này trên xe không có ai.

Đợi khoảng 1 giờ, anh thanh niên chạy xe ôm lúc nãy chở một thanh niên khác lại và cũng lên xe ngồi cạnh bà Năm. Lúc này bà hỏi anh thanh niên về đâu, anh nói về Cà Mau. Bà có linh tính là mình bị lừa gạt, liền đi xuống hỏi cô gái sau xe lâu chạy và bà xin tiền lại để đón xe khác về.

Cô gái kia nói “chủ xe hông cho lấy tiền lại”. Bà năn nỉ cho bà xin lại 40.000đ thôi, người con gái kia cũng nói “không”.

Lúc này, bà đã gọi điện về Hựu Thành thì nhà xe kêu bà đợi sẽ có người lại đón bà. Lên được xe Hựu Thành, bà đã kể lại câu chuyện lúc nãy cho nhà xe Hựu Thành biết. Tài xế nói bà đã gặp bọn lừa gạt, xe đó chỉ là xe “ma”, chạy có một tuyến cố định nhưng khách nào cũng bắt, nói đưa về được hết, khi hành khách hết lòng kiên nhẫn chờ đợi thì bỏ đón xe khác, mà tiền thì không lấy lại được. Có khi xe đó không chạy, mà chỉ đậu bắt khách để “lừa gạt” thu tiền vậy thôi.

Với người cao tuổi như bà Năm, quanh năm chỉ biết gắn bó với miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá... lẽ ra nhà xe phải biết thể hiện lòng kính trọng, ân cần giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, dành cho họ những gì ưu ái nhất dù chỉ là một chuyến đi thôi!

Qua đó, tất cả nhà xe phải nhìn nhận lại cách ứng xử của chính bản thân mình, đặc biệt là trong văn hóa giao thông, sao cho sau mỗi một chuyến đi, hình ảnh đẹp của nhà xe luôn còn lưu giữ mãi trong lòng hành khách.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại một điều là hệ thống bảo vệ, quản lý ở các bến bãi xe khách còn lỏng lẻo. Quản lý không đi đôi với kiểm tra đã tạo điều kiện cho những kẻ “ăn không, ngồi rồi”, “lừa gạt” sống bằng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân, gây sự bất an trong xã hội...

HỮU THOẠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh