Ngày vinh danh vắng mẹ

10:08, 27/08/2014

Trong số 1.450 cá nhân của tỉnh Vĩnh Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì đã có đến 1.214 mẹ đã mất. Và trong số 236 mẹ còn sống, có mẹ vì lý do sức khỏe không tham dự được ngày lễ.

Trong số 1.450 cá nhân của tỉnh Vĩnh Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì đã có đến 1.214 mẹ đã mất. Và trong số 236 mẹ còn sống, có mẹ vì lý do sức khỏe không tham dự được ngày lễ.

Trong ngày vui này, chúng ta cùng nhắc lại một số chuyện xưa của các mẹ, để chia sẻ và tỏ lòng tri ân với những mất mát hy sinh.

1. Anh Nguyễn Văn Đón: “Ước gì bà nội tui còn sống”

Anh Nguyễn Văn Đón, cháu nội Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Bảy ở ấp Mỹ Phú 2 (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) nói: “Tui thật sự bất ngờ khi hay tin bà nội được truy tặng danh hiệu cao quý này. Ước gì, bà nội tui còn sống… nhưng chắc ở thế giới bên kia bà cũng được yên lòng”.

Câu chuyện như dừng lại để anh Đón nhớ về thời chiến tranh ác liệt, anh sống với bà nội trong căn nhà lá ọp ẹp. Mẹ Phạm Thị Bảy đã mất từ năm 1998, mẹ có 2 người con trai và cả hai đều là liệt sĩ (Nguyễn Văn Hứng và Nguyễn Văn Bé).

 Anh Đón là con của liệt sĩ Nguyễn Văn Hứng, hy sinh năm 1962. “Ngày cha tôi mất, tôi còn nằm trong bụng mẹ. Đến mấy năm sau, lớn lên tôi mới hiểu nỗi đau mất cha”- anh Đón chia sẻ.

Ký ức về cha và người chú liệt sĩ Nguyễn Văn Bé được bà nội kể lại cho anh Đón nghe mỗi ngày, nên nhớ rất rõ: “Cha tôi hy sinh khi đang trên đường đi công tác. Thân người tan nát, cả cây súng bên mình cũng bị bắn nát”.

Để xin được xác con trai về chôn, tụi lính kêu ông nội anh Đón lên xuống mấy đêm liền, xách lồng đèn đi bộ từ Mỹ Thạnh Trung về cua Ông Đốc, đi đến mỏi mòn chúng mới cho. Vài tháng sau khi cha tôi hy sinh thì người em trai là Nguyễn Văn Bé cũng xin mẹ lên đường đánh giặc để “trả nợ nước, thù nhà”.

Tham gia cách mạng được hơn 2 năm thì Nguyễn Văn Bé hy sinh tại trận Lấp Vò. “Nghe nội nói chú tôi bị giặc bỏ bom tan xác. Lần nào nhắc đến cha và chú, bà nội cũng khóc và buồn nhiều”- anh Đón bồi hồi nhắc về những người đã khuất.

2. Cô Phạm Thị Ri: “Ngày vui nhớ mẹ và 2 em”

Cô Phạm Thị Ri- sinh năm 1942- là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Y (ấp Phú Hội, xã An Phước- Mang Thít). Cô Ri là chị của liệt sĩ Phạm Văn Quang hy sinh năm 1956 và liệt sĩ Lê Văn Quyền hy sinh năm 1966.

Cô Ri kể lại: “Lúc em Quang hy sinh, ở đây có đồn địch đóng nên việc lấy xác về chôn rất khó khăn. Gia đình phải lén trộm xác, sau mấy ngày mới lấy được về”. “Ở vùng này lớn lên là theo cách mạng, nhà có 1 người con trưởng thành thì hy sinh 1, có 2 thì hy sinh 2. Bản thân tui và mẹ cũng từng liên lạc, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ. Tất cả hy sinh, cống hiến là để cùng góp sức giành độc lập cho đất nước…”- nhắc chuyện chiến tranh, cô Ri không kiềm được xúc động.

3. Mẹ Thạch Thị Ba: “Phải chi thấy đường, tui mặc áo dài dự lễ”

93 tuổi, tuy mắt không thấy gì nhưng mẹ Thạch Thị Ba vẫn còn khá minh mẫn.

Mẹ Thạch Thị Ba (xã Loan Mỹ- Tam Bình) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc Khmer được phong tặng trong đợt này. 93 tuổi, mẹ hiện bị mù nhưng có thể một mình mò mẫm đi lại trong nhà, tự lo cho sinh hoạt cá nhân.

Miệng móm mém nhai trầu, mẹ kể: “Hồi đó, ổng (chồng mẹ, liệt sĩ Thạch Cà Hom- PV) làm gì tui có biết rành đâu, chỉ biết đi theo cách mạng vậy hà”. Còn người con gái Thạch Thị Phen thì làm giao liên cho huyện.

Thời chiến, ban ngày mẹ thường đi trốn giặc vì “nghe nói vợ Cà Hom là tụi nó tìm ghê lắm, vợ Việt cộng mà bây”- mẹ Ba nói. Năm đó, chị Phen mới 17 tuổi, vừa đi ra khỏi nhà vài chục mét thì bị máy bay giặc bắn chết. Xác chị Phen rớt xuống cái xẻo. Khi giặc bỏ đi, mẹ Ba về tìm con hoài không gặp, đến khi xác chị nổi lên mới biết.

Còn chồng mẹ thì hy sinh năm 1969, khi đi họp ở Sa Đéc thì bị giặc phục kích. Chồng, con hy sinh, mẹ tiếp tục ngày trốn, đêm về nuôi chứa cán bộ. “Toàn đi bộ, lâu lâu mới có cái xuồng mà bơi nghen bây”- mẹ Ba kể- “Nhà mẹ có gì, mẹ nuôi cán bộ bằng cái đó. Hết gạo thì mẹ đi xin, đi mượn cho “mấy chú về ăn”.

Nói chuyện hy sinh, cống hiến cho cách mạng, nhưng mẹ Ba không nghĩ đến ngày mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Dù già, sức yếu mẹ vẫn “muốn đi tới Vĩnh Long để nhận bằng, mà mặc áo dài à nghen”- mẹ Ba cười móm mém.

Mẹ muốn đi lắm ngặt nỗi “có thấy đường sá gì đâu”. “Cái thời bình này quý lắm mấy bây ơi, phải ráng mần ăn, biết quý nó”- má Ba nhắc nhở- “Tao mà còn sáng mắt, tao đi đó, đi đây kể chuyện chiến tranh hồi xưa cho tụi nhỏ bây giờ nó nghe. Vậy nó mới biết quý, biết mần ăn đàng hoàng. Hy sinh dữ lắm mới có được hòa bình, đó bây ơi”.

Bài, ảnh: Cao Huyền- Khánh Duy 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh