Hè tình nguyện theo “đơn đặt hàng”

07:08, 06/08/2014

Mùa hè tình nguyện làm các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương, từ đó, vừa mang lại lợi ích nhiều hơn cho địa phương vừa phù hợp với sinh viên (SV) tình nguyện.


Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Miền Tây xây nhà cho bà Nguyễn Thị Tư (Phường 3- TP Vĩnh Long).

Mùa hè tình nguyện làm các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương, từ đó, vừa mang lại lợi ích nhiều hơn cho địa phương vừa phù hợp với sinh viên (SV) tình nguyện.

Lợi cho địa phương

Trước khi ra quân chiến dịch Mùa hè xanh, nhiều trường đã liên hệ để xem địa phương nào cần SV tình nguyện và “đặt hàng” các đầu việc cần thực hiện. Trên cơ sở này, Hội SV từng trường sẽ xem xét những phần việc nào phù hợp với SV tình nguyện trường mình để lập đội, điều tiết và lên kế hoạch thực hiện chiến dịch tình nguyện hè.

Anh Nguyễn Thanh Quang Đức- Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Đội SV tình nguyện của trường ra quân từ đầu tháng 7 ở xã Tường Lộc (Tam Bình) và Hựu Thành (Trà Ôn).

Công việc của các em chủ yếu gắn với chuyên ngành sửa điện. Bên cạnh, các em còn phụ giúp 2 xã trên thực hiện tiêu chí môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Các công việc trên đã được chúng tôi cân nhắc sao cho vừa sức với SV mình lại có lợi cho xã”.

Trong khi đó, các SV tình nguyện của Trường Cao đẳng Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có mùa hè xanh tại mặt trận tỉnh Đồng Tháp và huyện Vũng Liêm, giúp hoàn thiện tiêu chí môi trường và điều tra thu nhập của người dân trong xã.

Nhễ nhại mồ hôi với công việc đào hố rác tự hoại, SV Trần Hữu Thành- ngành Tài chính nhà nước vẫn tươi cười: “Là thanh niên, công việc này đối với tụi em cũng không nặng nhọc gì, với lại tụi em cũng luân phiên nhau làm vừa hiệu quả vừa vui nữa!”

SV Quách Thái Vạn Thuận (Đại học Cần Thơ) đang thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh ở xã An Bình (Long Hồ) nói: Mỗi chuyến đi tình nguyện đều được Hội SV trường duyệt dựa trên yêu cầu của xã. Chỉ tay vào con đường thẳng tắp còn vương mùi bùn, Thuận khoe: “Tụi em đã bồi được hơn 1.400m đường giao thông chống ngập cho cù lao”.

Theo Thuận thì các bạn tham gia đều biết phần việc của mình cần làm nên không nề hà nặng nhọc. Bên cạnh đó, nhiều SV tình nguyện khá quen với công việc, các bạn thay nhau làm nên không ngán, mệt nhưng rất vui.

Học được nhiều điều

Là nơi cho ra lò những kỹ sư xây dựng tương lai, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây mỗi mùa hè đều cho SV tình nguyện đi xây nhà tình thương, vừa giúp bà con nghèo vừa học hỏi thêm kinh nghiệm.

Trong mùa hè xanh này, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây xây 4 căn nhà tình thương. Mỗi căn, trường hỗ trợ 26 triệu đồng tiền vật tư, đội SV tình nguyện của trường xây, giảng viên thiết kế, dự toán.

SV tình nguyện Đào Quang Triều dừng xẻng cát cười tươi: “Bữa nào trời nắng tốt, tụi em làm suốt cực mà vui lắm vì thấy được học hỏi cho bản thân mà còn giúp được gia đình khó khăn. Tối về là em ngủ ngon ơ đến sáng”.


Sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long giúp bà con sửa đường.

Bà Nguyễn Thị Tư (Phường 3- TP Vĩnh Long)- người được SV tình nguyện xây nhà móm mém cười: “Mới đợt nước trước, nhà tui ngập mênh mông phải đợi nước rút rồi mới quét lau để có chỗ ngủ. Giờ được xây nhà cao ráo, có chỗ che mưa, tui mừng nhiều lắm!”

Với Triều và các bạn, làm tình nguyện là phải làm hết mình vì “đã không tham gia thì thôi, làm phải nhiệt tình”. 2 lần tham gia xây nhà, Triều đã rành rẽ nhiều hơn về dự toán công trình, phân công công việc cùng thực hiện.

Trong khi đó, các bạn SV Trường Cao đẳng Kinh tế- Tài chính thì rút ra kết luận: Làm việc không chỉ giúp địa phương mà còn là giúp bản thân mình, để mình hoàn thiện hơn. Ngoài nâng cao chuyên môn qua việc thu thập thông tin, các bạn còn học được nhiều kỹ năng sống, để “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Được “đặt hàng” những việc địa phương cần, được cống hiến sức mình theo đúng năng lực, trình độ, giúp các bạn SV tình nguyện tự tin hơn trong công việc. Hình ảnh áo xanh càng đẹp hơn trong mắt mọi người.  

Tiến sĩ Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long: “Mỗi đội SV tình nguyện nên gắn với nhu cầu của địa phương để có hiệu quả thiết thực nhất. Hiểu được điều này, trường luôn cân nhắc chọn lựa công việc phù hợp với sức các em. Đồng thời, mùa hè xanh cũng tìm công việc phù hợp với chuyên ngành để các em phát huy khả năng”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh