Kỳ cuối: Tận hiến đời mình cho Tổ quốc

07:08, 26/08/2014

Những câu chuyện của các mẹ không còn là chuyện riêng tư của gia đình nữa, mà đã trở thành câu chuyện chung của đất nước ta, của dân tộc ta. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục để được nghe và ghi lại bằng tất cả tấm lòng và sự trân trọng. Bởi nếu những câu chuyện này được các mẹ giữ riêng “mang theo cho đến ngày đi gặp lại chồng, con ở thế giới bên kia” thì sẽ là

>> Kỳ 1: Khi mẹ cũng là chiến sĩ
>>  Kỳ 2: Mong ngày mẹ được vinh danh

>> Kỳ 3: Thiêng liêng nợ nước, tình nhà!


Mẹ Lê Thị Trong và con gái bên di ảnh liệt sĩ Võ Thị Bạch Yến.

Những câu chuyện của các mẹ không còn là chuyện riêng tư của gia đình nữa, mà đã trở thành câu chuyện chung của đất nước ta, của dân tộc ta.

Do đó, chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục để được nghe và ghi lại bằng tất cả tấm lòng và sự trân trọng. Bởi nếu những câu chuyện này được các mẹ giữ riêng “mang theo cho đến ngày đi gặp lại chồng, con ở thế giới bên kia” thì sẽ là thiệt thòi rất lớn cho những thế hệ mai sau.

Chuyện mẹ không muốn kể

Ngay cả sau khi cởi mở lòng mình, các mẹ còn cẩn thận căn dặn: “Đừng có mà viết quá đó nghen, nhà báo!”

Thật tình, chúng tôi chỉ sợ rằng mình không đủ khả năng để chuyển tải trọn vẹn ý tứ của câu chuyện mà thôi. Như trường hợp chúng tôi đến thăm mẹ Lê Thị Trong (85 tuổi ở Phường 4- TP Vĩnh Long), thật khó khăn để mẹ mở lời, nhưng đó là một trong nhiều câu chuyện mà chúng tôi không cầm được nước mắt.

Mái tóc đã bạc trắng, nhưng thời gian cũng không thể làm mất đi nét đẹp đằm thắm, phúc hậu, giọng nói của mẹ Trong thật dịu dàng theo từng cử chỉ, mỗi khi nhắc đến chồng và các con. Hẳn như bao người phụ nữ Việt Nam , tình yêu thương gia đình như một thiên chức, nó chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời của mẹ.

Vậy nên, sự hy sinh của người chồng và đứa con gái, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ rồi, mà khi nhắc lại vẫn còn nghe da diết, riết róng trong lòng.

“Chuyện chiến tranh kể sao cho xiết, mấy con ơi!”- mẹ đã mở đầu câu chuyện như vậy đó. Thật khó khăn khi chúng tôi đối diện với mẹ để khơi gợi lại chuyện xưa. Còn hiện tại là niềm vui, tự hào khi được Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Con cháu đều đề huề, thành đạt, giúp ích cho đời, đó làm niềm an ủi lớn của mẹ. Cả 5 cháu nội ngoại đều tốt nghiệp đại học, con trai út của mẹ được Nhà nước cho đi học từ nhỏ, giờ là Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn- Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, mà ở nhà mẹ hay gọi là “thằng Mãnh của mẹ”. Hiện mẹ ở với con gái thứ ba- chị Nguyễn Thị Thu Hà.

Còn nhắc chuyện cũ thì nỗi buồn như một hố sâu thăm thẳm trong lòng, mà thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa cũng không thể lấp đầy. Chồng mẹ- liệt sĩ Nguyễn Văn Vĩnh- hy sinh năm 1963. Con gái thứ Hai- liệt sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi.

“Đau lắm mấy con ơi. Chồng cô hy sinh gần 1 năm cô mới biết, vì đồng đội về thấy cô và 4 đứa nhỏ tội nghiệp nên giấu không nỡ báo tin. Thương nhất con Yến, hiền và ngoan dữ lắm. Mẹ dạy gì cũng nghe, thay mẹ chăm sóc em cẩn thận.

Yến xa nhà đi học ở miệt U Minh từ năm 11 tuổi. Đường sá thời chiến cách trở, mà tiền bạc đâu có nên cô có thăm con được đâu. Con đi biền biệt... rồi hy sinh đúng vào cái tuổi đẹp nhất của thời con gái. Đau lắm, cô nghe kể lại máy bay bắn, mọi người chạy ra được, con Yến bị trúng đạn gãy chân nên không chạy được”.
 
Đau nhất là cái chòi bị cháy, nên chị Yến hy sinh mà thân thể bị hở lộ trái tim ra ngoài, cái chết đó đã ám ảnh đồng đội hàng tháng trời.

Mẹ lấy hình chị Yến ra cho chúng tôi xem (hình do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Văn Quân- bạn học chung với chị Yến đem về tặng mẹ). Mẹ mân mê hình con gái đằm thắm trong áo bà ba, tóc xõa ngang vai:
 
“Con Yến đẹp lắm, hy sinh ngay vào tuổi 20. Nhớ cái ngày đưa con đi học, cô cập xuồng vô chợ Sa Đéc 5 mẹ con chụp chung tấm hình làm kỷ niệm. Ai ngờ đó là hình đầu tiên năm con 11 tuổi và đây là hình năm con 20 tuổi và cũng là tấm hình cuối cùng của con”.

Mẹ đưa cho chúng tôi xem khăn tay trắng đã úa màu thời gian, rồi đọc 2 câu thơ mà con gái Yến của mẹ thêu chữ thập gởi về: “Đêm thanh con nhớ mẹ hiền. Nhớ gian nhà nhỏ nhớ đoàn em thơ”. “Con nó đi rồi, cô còn 2 kỷ vật là cái khăn tay và tấm hình này đó. Nhớ con thì lấy ra xem”....

Thưa các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chúng con thực hiện loạt bài viết này trong sự hạn chế rất nhiều mặt. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, theo từng câu chuyện trong lòng mình luôn tràn ngập niềm cảm mến yêu thương và sự xúc động vô bờ. Có nhiều lúc chúng con bật khóc theo từng câu chữ.

Thưa các mẹ, chúng con sẽ tiếp tục câu chuyện trong thời gian sớm nhất, như sự chạy đua với thời gian, khi tuổi tác của các mẹ đều đã cao. Đó là tình cảm, lòng kính phục, đó cũng là trách nhiệm của những người cầm bút như chúng con.

Kính chúc các mẹ luôn mạnh khỏe và sống đời cùng con cháu!

Mẹ đem tiếp kỷ vật của chồng là bộ đồ bà ba đen, mà than: “Trời ơi, nó rệu rồi”.

Tay mẹ mân mê cái áo, xuýt xoa: “Hồi đó đâu có đồ đâu mấy con. Cái bộ đồ này sờn vai rồi mới để ở nhà. Mà con ơi, trời lạnh cô lấy áo ổng đắp, ta nói nó ấm dữ lắm. Ổng thì lo việc nước, cô ở nhà quán xuyến nuôi con. Mỗi lần cha đi công tác về ghé thăm nhà, thằng Mãnh mừng lắm, bởi từ Lai Vung về Châu Thành là con đường sanh tử.

Nhớ lần cây chuối xiêm trổ buồng, thằng Mãnh nói đớt đát: “Để dành bắp chuối, ba về làm gỏi thịt gà ăn hén má!” 3 bữa sau ổng về, bẻ bắp chuối làm gỏi. Tới 3 tháng sau, ba thằng Mãnh lại về thì chuối chín bói, nên cô mới nhớ hoài chuối xiêm trổ bắp tới 3 tháng là chín hà”.

Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt vậy, nhưng là đường dây kết nối về hồi ức, về tình yêu thương chồng, con vô bờ của mẹ.

Hết lòng với việc nước           

Chúng tôi về xã Tân An Luông để thăm mẹ Trương Thị Cánh (83 tuổi, Ấp 4, xã Tân An Luông- Vũng Liêm) mới hay mẹ đang dưỡng bệnh ở nhà con gái- chị Võ Thị Bé (ở xã Bình Phước- Mang Thít). Mấy hôm trước mẹ bị mệt tim, thêm rối loạn tiêu hóa phải vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Mang Thít, trông mẹ có vẻ ốm đi nhiều.


Mẹ Trương Thị Cánh (phải) đang dưỡng bệnh ở nhà con gái thứ ba.

Trước đây, chúng tôi đã từng có dịp về thăm nhà mẹ ở xã Tân An Luông nhân dịp huyện Vũng Liêm tổ chức làm lễ khánh thành đường giao thông liên ấp cặp nhà mẹ. Hoàn cảnh không được thuận lợi, nhưng mẹ đã hiến hơn 3 công đất làm đường, thật đáng quý biết bao. Nhưng mẹ cười hiền: “Gia đình chồng, con còn hy sinh cho cách mạng được thì tiếc gì mấy công đất”.

Trong căn nhà tường mới còn thơm mùi vôi vữa, trên bàn thờ có đến 5 bằng liệt sĩ. Không chỉ thờ cúng chồng và con trai, mẹ còn thờ cúng người anh ruột và 2 em chồng cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Chị Bé còn cho biết: “Bà nội tui là Trần Thị Mãnh đã được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, giờ đến má tui vinh dự nhận danh hiệu cao quý này. Má vui lắm”.

“Cha tụi nhỏ thì hy sinh trong trận chống càn, đánh ngoài vàm Cải Trôm lúc mới được phân công làm xã đội trưởng có mấy tháng. Còn thằng Hai thì đụng thằng Ba Sáu- ác ôn khét tiếng ở Vũng Liêm. Tội nghiệp, con hy sinh khi mới 17 tuổi””- mẹ Cánh chậm rãi nhắc lại chuyện hy sinh của chồng- liệt sĩ Võ Văn Giai và con trai thứ hai- liệt sĩ Võ Hồng Phúc.

Chị Võ Thị Bé tâm sự: “Mẹ tui cứng lắm, chồng, con chết nhưng mẹ vẫn cố kiềm nén nỗi đau vào lòng. Tự tay mẹ ra xin tụi nó lấy thây ba và anh về. Có người cắc cớ nói mẹ tui không biết thương yêu chồng con nhưng mẹ nói: Đau lắm chớ, nhưng phải vững để còn lo cho các con”.

Thế là một tay mẹ gồng gánh nuôi con, chở che cho cách mạng. Hồi đó bom đạn ầm ầm, một tay dắt trâu cày, cấy, mẹ còn đi mua đồ rẫy chạy xuồng đi bán. Và trong những mớ rau cải củ là những bức thư mẹ làm giao liên cho cách mạng.

Song, cuộc đời mẹ tới tuổi này vẫn còn nặng nỗi lo. Con trai út của mẹ- anh Võ Đắc Thủ (55 tuổi), chẳng may bị phát bệnh tâm thần khi đang là sinh viên Đại học Hàng hải. Cửa vào đời rộng mở bỗng dưng đóng sập lại.
 
“Mấy năm trời, thằng út lơ ngơ không chịu nói chuyện. Thời đó nghèo lắm, mà con không chịu ăn cơm, cứ ăn mì gói suốt 9 năm trời. Bệnh không phá phách ai hết, nhưng con bị vậy tui buồn lòng lắm”- giọng mẹ Cánh chùng xuống, xa xăm…

Chuyện về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là chuyện về tình cảm gia đình, hòa quyện trong tình yêu quê hương, đất nước, gắn liền với giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Được tiếp xúc, được lắng nghe về cuộc đời các mẹ chính là sự may mắn, là hạnh phúc của chúng tôi.

Nhưng khả năng có hạn, cho nên rất tha thiết, mong mỏi rằng, chúng ta nên có những tập sách trang trọng về các mẹ, vì đó là những câu chuyện hay và xúc động, đó cũng là câu chuyện giáo dục cho thế hệ mai sau. Và hơn hết, đó là tấm lòng, là sự tri ân của tất cả chúng ta.


Thật may mắn, có những chuyện lần đầu tiên mẹ Trong mới thổ lộ với chúng tôi. Như bài thơ mẹ viết khi vợ chồng chia tay nhau, mà các con trong nhà chưa ai được biết. Mẹ cười ngại ngùng “kỳ lắm”, không ngờ lại rất hay:


“Hôm nay Trong- Vĩnh sắp xa nhau
Nén dạ lòng em thấy vẫn sầu
Chúc anh ra đi nhiều sức khỏe
Hầu đem tài trẻ ra giúp đời”


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh