“Thông” luật để rộng đường xử lý

01:08, 05/08/2014

Hơn 1 năm từ ngày Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực (1/7/2013), trong đó quy định quyền áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc được chuyển từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp và quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, lao động và xã hội được bãi bỏ, nhưng đến nay việc xử lý những trường hợp này gặp khó khăn do thiếu chế tài và văn bản hướng dẫn


Để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn mại dâm, luật cần có chế tài xử lý rõ ràng. Trong ảnh: Một trường hợp mua bán dâm bị bắt quả tang.

Hơn 1 năm từ ngày Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực (1/7/2013), trong đó quy định quyền áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc được chuyển từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp và quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, lao động và xã hội được bãi bỏ, nhưng đến nay việc xử lý những trường hợp này gặp khó khăn do thiếu chế tài và văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể.


Mại dâm vẫn “nóng”

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, biện pháp giáo dục tại phường- xã- thị trấn và đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh không còn được áp dụng đối với người bán dâm.

Trong khi các biện pháp xử phạt hành chính hiện hành không có tính răn đe đối với các đối tượng này. Mặt khác, khi người bán dâm bị phát hiện vi phạm (vi phạm lần đầu hoặc nhiều lần), cơ quan chức năng lập hồ sơ vi phạm và chỉ xử phạt vi phạm hành chính.
 
Ðồng thời, thông báo và giải quyết cho đối tượng về địa phương theo dõi, giúp đỡ. Nhưng thực tế, người bán dâm có thể “chuyển điểm” hoạt động. Ðây là kẽ hở rất dễ bị lợi dụng.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa kịp bổ sung, hoàn thiện, chưa có biện pháp chế tài đối với người trực tiếp thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục (chỉ quy định xử lý đối với chủ cơ sở). Sự lỏng lẻo này khiến các đối tượng “lờn luật”.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, tệ nạn mại dâm tập trung nhiều ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: nhà hàng, karaoke, hớt tóc gội đầu, cà phê đèn mờ... có tiếp viên nữ. Tính đến cuối tháng 5/2014, trên địa bàn Vĩnh Long có 36 người bán dâm có hồ sơ quản lý, số nghi vấn bán dâm khoảng 150 người.

Hoạt động mại dâm chủ yếu diễn ra với quy mô nhỏ, các đối tượng tự thỏa thuận, chưa phát hiện có đối tượng cầm đầu tổ chức mại dâm.

Ông Trần Ngọc Lợi- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh lo lắng: “Tuy tệ nạn mại dâm vẫn được kiểm soát, nhưng trong tương lai nếu chế tài xử lý chưa được ban hành thì việc xử lý triệt để tệ nạn này sẽ rất nan giải.

Thực tế điệp khúc “bắt rồi thả” đang diễn ra, cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý “nóng”. Một số người bán dâm chấp nhận đóng phạt sau đó lại hành nghề, một số thì không trình diện cơ quan chức năng y hẹn nên không thể xử lý đến nơi đến chốn. Vấn đề là nên có biện pháp ngăn chặn hiệu quả khi hoạt động này mới nhen nhóm”.

Theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh áp dụng các biện pháp xử lý hành chính gồm: người nghiện ma túy; những người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân, người nước ngoài; người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý…

Nan
giải cai nghiện bắt buộc

Cũng theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc sẽ được chuyển từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp. Điều này thể hiện sự tiến bộ của pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người.
 
Nhưng hiện nay, các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành, kéo theo tỷ lệ người nghiện được đưa đi cai nghiện đạt thấp. Theo thống kê của Bộ Công an, 50% người nghiện ma túy có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất, 38% có tiền án, tiền sự… sẽ dẫn đến những hệ lụy khác như: gây mất an ninh trật tự, trộm cắp…

Riêng Vĩnh Long hiện có 886 người nghiện ma túy. Một số nơi như: TP Vĩnh Long, Long Hồ, Tam Bình có số người nghiện tăng, nguyên nhân một phần do tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao.

Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước đây chỉ cần xét nghiệm dương tính với ma túy là lập tức làm hồ sơ chuyển vào trường cai nghiện. Giờ truy quét, nếu phát hiện được, xét nghiệm dương tính thì chỉ xử phạt hành chính rồi thả ra.

“Bây giờ vận động gia đình đưa người nghiện đi cai cũng rất khó, một số trường hợp ruồng bỏ người nghiện nên không quan tâm chữa trị đến nơi đến chốn. Giải pháp trước mắt là Tòa án nhân dân Tối cao nên sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể, gỡ rối các điều luật còn vướng để công tác cai nghiện đi vào nề nếp”- Thượng tá Phan Vĩnh Mặn nêu ý kiến.

Số liệu của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho thấy, hầu hết học viên đang cai nghiện ma túy tổng hợp (ATS) đều có sức khỏe về tâm thần, một số trường hợp có hành vi tự tử, đe dọa giết người, gây mất trật tự... mà nguyên nhân là do bệnh hoang tưởng. Hiện số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm 14,5% tổng số người nghiện (theo số liệu trong 5 tháng đầu năm 2014).

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh