
Mới thành lập không lâu nhưng Trung tâm Đan giải quyết việc làm cho phụ nữ ở xã Tân Long (Mang Thít) đã thu hút trên 50 lao động nữ nông thôn, giúp các chị có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Trung tâm Đan thu hút ngày càng đông lao động nữ nông thôn với mức thu nhập ổn định.
Mới thành lập không lâu nhưng Trung tâm Đan giải quyết việc làm cho phụ nữ ở xã Tân Long (Mang Thít) đã thu hút trên 50 lao động nữ nông thôn, giúp các chị có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Niềm vui mới ở vùng quê
Trung tâm Đan này do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Công ty CP Sản xuất kinh doanh- Xuất nhập khẩu Vĩnh Long thành lập, dành cho các đối tượng là lao động sau học nghề tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên lao động nữ, nhất là các bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật có đủ sức khỏe để lao động.
Trung tâm thu hút ít nhất từ 30 lao động tham gia thường xuyên, nhận gia công sản phẩm của công ty. Sản xuất các mặt hàng như chậu, giỏ, thảm, các vật dụng trang trí…, được làm thủ công từ dây lục bình. Mỗi khi có đợt hàng mới, công ty sẽ có người hướng dẫn mẫu mã.
Nếu người lao động không chủ động được nguồn nguyên liệu, công ty sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu sản xuất, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động, từ 50.000- 100.000 đ/ngày.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thân (ấp Ngã Ngay) cho biết, chị tham gia làm từ lúc mới mở trung tâm đến nay. Chị đã làm quen được với 2 mặt hàng (chậu lục bình đan quai mây và đáy thùng hình chữ nhật).
Do mới làm quen với nghề đan lần đầu nên mỗi ngày chị đan được 2 chậu lục bình đan quai mây, với giá gia công 23.000 đ/sản phẩm, còn đáy thùng hình chữ nhật thì khoảng 1,5 giờ chị đan được 1 miếng (5.700 đ/miếng). “Làm ở đây được cái là giá được trả cao vì không phải qua trung gian”- chị cười vui.
Còn với bà Lê Thị Điệp (60 tuổi, cùng ngụ ấp Ngã Ngay), ngoài thời gian đồng áng, nội trợ và chăm sóc người thân bị bệnh thì mỗi ngày cũng tranh thủ đan 2- 3 đáy thùng để kiếm thêm chút thu nhập chăm lo cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mười (ấp Ngã Ngay) cũng thế. Chị rất phấn khởi vì nhờ có công việc ổn định này mà một phụ nữ chỉ biết làm công việc nội trợ bao nhiêu năm nay như chị, bây giờ có thể lao động thu nhập một ngày trên 40.000đ. Hai đứa con của chị cũng có thêm tiền quà bánh, sách vở.
Theo chị Đỗ Thị Mỹ Hậu- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Long: Hiện tại, Trung tâm Đan đã tạo việc làm thường xuyên cho 52 lao động và có gần 20 chị lãnh về nhà làm, thu nhập bình quân cho lao động thường xuyên là gần 2 triệu đồng/tháng.
Công việc này thu hút ngày càng đông phụ nữ ở các ấp khác đến làm và sang cả các vùng lân cận, vì có nơi làm thuận tiện, công việc cũng dễ làm, có người hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình.
Các mặt hàng được kiểm tra và trả tiền công tại trung tâm.
Gắn với mô hình nhóm trẻ cộng đồng
Trung tâm Đan ngoài giải quyết nhu cầu việc làm thường xuyên, ổn định cho chị em phụ nữ, nó còn gắn với mô hình xây dựng nhóm trẻ cộng đồng.
Đây là một điểm rất mới, nhờ tiện lợi nên đã thu hút nhiều chị có con nhỏ có thể tham gia làm việc. Trung tâm còn dành hẳn ra một khoảng riêng biệt để xây dựng khu vui chơi cho trẻ, không phân biệt độ tuổi, chị nào có con nhỏ đều có thể mang con theo đến làm.
Đơn giản chỉ là những hàng rào gỗ gắn lại để bảo vệ các bé nhỏ và các loại đồ chơi được chuẩn bị cho cả bé trai và bé gái, nhưng đã làm cho nhiều trẻ thích thú và mong muốn được đến đây “đi làm” cùng mẹ. Điều thuận tiện cho các chị khi đến trung tâm là vừa làm vừa trông chừng con nhỏ, vừa được tập hợp lại trò chuyện, trao đổi các vấn đề trong cuộc sống- đó cũng là một cách giải trí cho chị em ở vùng nông thôn.
Khu vui chơi hấp dẫn cho trẻ thu hút nhiều lao động nữ có con nhỏ đến làm.
Chị Giang Thị Hồng Phượng (ấp Tân Hòa) vui vẻ cho biết: “Từ khi có Trung tâm Đan này, chị em được học nghề và có việc làm thường xuyên. Một ngày tôi có thể kiếm thêm được khoảng 50.000đ, lo cho thằng con trai đi học và phụ thêm tiền chợ hàng ngày”.
“Hơn nữa, chỗ này thuận tiện là có thể đem theo thằng con nhỏ đi làm, chứ lúc trước cũng có công việc nhưng ở xa không thể dắt con theo được, bỏ ở nhà thì không ai coi, giờ thì khỏe rồi”- chị hồ hởi nói thêm.
Bé Khánh Đăng (học lớp 2) vừa mải mê chơi trò chơi cùng các bạn, hí hửng cho tôi biết: “Con theo mẹ tới đây làm, con thích đến đây lắm vì có chỗ chơi, có nhiều đồ chơi và có nhiều bạn chơi chung, con vui lắm, mỗi lần mẹ đi làm ở đây con đều xin đi theo.”
Chị Hậu cho biết thêm, toàn xã có 580 chị em trong độ tuổi lao động và 495 trẻ dưới 6 tuổi. Hiện, trên địa bàn xã không có nhóm trẻ, muốn gửi trẻ phải đi rất xa, đây cũng là vấn đề khó khăn cho chị em tham gia lao động. Chính vì thế, với sự ra đời của trung tâm đan gắn với điểm vui chơi cho trẻ đã giải quyết vấn đề khó khăn trên.
Bài, ảnh: YẾN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin