Bạo lực gia đình- nhức nhối xã hội

02:07, 15/07/2014

Bạo lực đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong gia đình và cũng là vấn đề nan giải cho toàn xã hội.

Bạo lực đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong gia đình và cũng là vấn đề nan giải cho toàn xã hội.

 

Bạo lực trong gia đình không chỉ dừng lại ở việc bị đánh đập hay bị hành hạ về thể xác, mà còn có cả bạo lực về tinh thần. Nạn nhân chính của sự việc đau lòng này bao giờ cũng là thân phận những người phụ nữ - người vợ, người mẹ trong gia đình.

Đây là một trong những vấn đề nổi cộm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng gia đình văn hóa, đặc biệt là ở nông thôn, nơi mà ý thức về nếp sống văn hóa còn nhiều hạn chế do ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin. Nói như vậy không có nghĩa là bạo lực không có ở thành thị.

Điều đáng buồn là nó gần như hiện diện trong mỗi gia đình, ngay cả ở những gia đình thuộc tầng lớp trí thức cao.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành. Đầu tiên là do sự khác biệt về hoàn cảnh xuất thân, lối sống cũng như trình độ văn hóa của hai vợ chồng.

Do ảnh hưởng về môi trường giáo dục, sự nhận thức và ý thức về cuộc sống chung có nhiều điểm trái ngược nhau không thể dung hòa dẫn đến những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Sự bất đồng về quan điểm trong mọi lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống vợ chồng, là nhân tố góp phần làm rạn nứt hạnh phúc gia đình.

Từ đây, phát sinh ra những cuộc cãi vã, tiếng bấc tiếng chì, đưa đến những cuộc ẩu đả, xô xát do không tìm được tiếng nói chung. Trong hoàn cảnh này, người đàn ông luôn là kẻ chiến thắng, vì sĩ diện, họ lấy quyền làm chồng, quyền gia trưởng để quyết định và áp đặt mọi thứ.

Vì mang nặng tư tưởng độc đoán, nên họ không ngần ngại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với người đầu gối tay ấp của mình.
 
Trong một phút nông nổi, nóng vội, người đàn ông bỗng trở thành người chồng vũ phu, mất hết nhân tính. Mặt khác, sự eo hẹp, túng thiếu về tiền nong hay phải lệ thuộc vào kinh tế của chồng trong cuộc sống gia đình cũng là nguyên nhân làm cho nạn bạo hành được dịp nảy sinh.
 
Đó là tình trạng bạo lực về thể chất. Ngoài ra, còn có những hành vi ngược đãi về tinh thần. Xuất phát từ việc người chồng luôn tự đề cao mình, thể hiện bằng những câu nói thô tục, khó nghe hay những lời chỉ trích, nhằm thóa mạ nhân phẩm người phụ nữ.

Tuy không gây tổn thương và đau đớn về thể xác, nhưng loại hình bạo lực này luôn âm ỉ, gặm nhấm, dày vò trong tâm khảm của những nạn nhân.

 


Dù bị bạo hành dưới hình thức nào thì bao giờ hậu quả của nó cũng để lại nhiều nỗi xót xa, tủi hổ cho thân phận người phụ nữ. Ở họ, biểu hiện là một thể xác yếu đuối, tiều tụy với một tinh thần suy sụp, mệt mỏi.

Họ luôn bị ám ảnh khi nghĩ lại những trận bạo hành vừa qua và nơm nớp lo sợ sẽ phải đối mặt với những lần bạo hành kế tiếp. Họ không dám nói ra vì nghĩ rằng “xấu chàng hổ ai?” Họ muốn giữ thể diện, giữ cho gia đình bền vững, con cái có cả cha và mẹ.

Hơn nữa, họ có quan niệm phụ nữ có chồng rồi thì “trong nhờ, đục chịu”- điều này thường thấy ở nông thôn- nên họ âm thầm chịu đựng và mang trong lòng nỗi mặc cảm với gia đình, với những người thân và với xã hội.

Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý của người phụ nữ. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường thiếu lành mạnh do nạn bạo lực xảy ra cũng bị ức chế về tâm lý vì sống trong sự sợ hãi.

Do phải chứng kiến những cảnh tượng tàn bạo của cha mẹ nên việc hình thành nhân cách của trẻ cũng bị hạn chế. Điều này vô tình làm vẩn đục tâm hồn vốn trong sáng của trẻ thơ.

Suy cho cùng, hai con người xa lạ gắn kết với nhau bằng tình yêu và trách nhiệm, cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp và nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội. Do đó, bạo lực là một hành vi xấu đã phát sinh ra nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, một khi trong gia đình có nạn bạo hành, cho dù người chồng có ăn năn, hối cải về những hành vi ngược đãi hay những lời lẽ xúc phạm của mình đối với nạn nhân đi chăng nữa, thì những hình ảnh đó khó phai mờ trong lòng của những người phụ nữ đáng thương kia.

Nó sẽ là một nỗi buồn dai dẳng, ăn sâu vào tiềm thức của những con người– đáng lý ra phải được tôn trọng. Ấy vậy mà họ luôn luôn bị xem thường ngay chính trong tổ ấm của mình. 

THÙY NHUNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh