Cần xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều

07:06, 12/06/2014

Tại phiên thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số đại biểu đồng tình với kết quả giám sát.


Chính sách cho người nghèo không nên dàn trải nữa, mà cần tập trung vào một nhóm các vấn đề.

Tại phiên thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số đại biểu đồng tình với kết quả giám sát.
 
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo lắng, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, đặc biệt, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao (chiếm gần 50% số người nghèo cả nước).

Ưu tiên giảm nghèo vùng khó khăn

Xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa là nội dung được đại biểu quan tâm.

Đại biểu Siu Hương (đơn vị tỉnh Gia Lai) kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách về giảm nghèo đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó tập trung về vấn đề đất đai, tăng đầu tư cho các huyện, xã nghèo xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi; bố trí đủ nguồn lực cho địa phương để hoàn thành các chương trình dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất.

Đại biểu Phương Thị Thanh (đơn vị tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ ưu tiên tăng nguồn lực để phân bổ thực hiện chính sách giảm nghèo cho vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp đối với các nhóm đối tượng; tăng kinh phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng để các ấp nghèo, xã nghèo thoát nghèo bền vững.

Làm rõ hơn về việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử bày tỏ sự băn khoăn trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn chiếm đến 59,2% so với tỷ lệ của cả nước.

Ông đề xuất cần tập trung vào việc rà soát lại các vùng địa bàn trọng điểm về nghèo đói, trên cơ sở xây dựng một bộ tiêu chí riêng, phù hợp cho mỗi vùng. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước cần có Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam .

Hiện nay, có 90% người nghèo sống ở nông thôn và gắn với nông nghiệp nên những nỗ lực về phát triển nông nghiệp nông thôn đã có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao thường là những vùng có điều kiện khó khăn, thiếu đất sản xuất nông nghiệp và diện tích đất chất lượng thấp lớn; thiếu đường giao thông để bà con tiếp cận thị trường,... 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần tập trung hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao phát triển giao thông, thông tin liên lạc; lựa chọn cây trồng, vật nuôi, hàng hóa có lợi thế, tiếp cận thị trường thuận lợi; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh ở các vùng nghèo.

Trong thời gian tới, nên tập trung bổ sung nguồn lực vào 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp để tăng thu nhập cho hộ nghèo.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị cần bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển hải đảo, nhất là trong tình hình phức tạp tại biển Đông hiện nay.

Cần hướng đến giảm nghèo bền vững

Các đại biểu cho rằng, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay đã bước sang giai đoạn mới là giảm nghèo phải bền vững, chính vì vậy cần có các chính sách khuyến khích người dân tự giác vươn lên thoát nghèo, không để tiếp diễn tình trạng tái nghèo.

Để hướng đến sự giảm nghèo bền vững, đại biểu Thân Đức Nam (đơn vị TP Đà Nẵng) cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu cũng như phương thức tổ chức, sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang những ngành nghề phi nông nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nông nghiệp với quy mô phù hợp. Mặt khác, cần phải đưa khoa học- công nghệ vào sản xuất, mới nâng cao năng suất nông nghiệp.

Đồng thời, sớm có luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (đơn vị tỉnh Sóc Trăng) đề nghị chính sách dành cho người nghèo không dàn trải nữa, mà cần tập trung hiệu quả vào một nhóm các vấn đề.

Chẳng hạn bảo đảm an sinh như hỗ trợ đúng mức về giáo dục cho con em các hộ nghèo, xem đây như là một đầu tư lâu dài trong tương lai; tập trung thực hiện đầy đủ triệt để chính sách BHYT cho hộ nghèo và cận nghèo để khi trong gia đình có người gặp rủi ro bệnh tật, bệnh hiểm nghèo thì không phải gánh nặng tiền vay chạy chữa thuốc men;

chính sách tín dụng để người nghèo khi cần vốn không phải đi vay nóng, vay nguội. Song song đó, khi hỗ trợ người nghèo cũng phải có điều kiện ràng buộc, tránh sự ỷ lại và thiếu tính tích cực để họ vươn lên thoát nghèo và đảm bảo được nguồn lực đầu tư cho kết quả giảm nghèo.

Nhấn mạnh đến việc phải có biện pháp để giảm hộ nghèo một cách bền vững, đại biểu Lê Thị Yến (đơn vị tỉnh Phú Thọ) đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo do quỹ đất không có khả năng đáp ứng.

Qua đó, để có chính sách sinh kế cho người dân thông qua cơ chế chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển hệ thống nhà ở xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để giảm nghèo bền vững cần phải phát triển sản xuất hàng hóa, từ đó tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, chuẩn hộ nghèo, cận nghèo hiện nay không còn phù hợp nữa, do đó Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người nghèo về dạy nghề, tạo việc làm, chính sách tín dụng, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch...

 

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2005- 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011- 2015).

Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh