Máu đặc biệt cần cho nhiều bệnh nhân. Vì thế, hiến máu để bệnh viện luôn có nguồn máu truyền cho bệnh nhân là một nghĩa cử cao đẹp và người hiến máu xứng đáng được tôn vinh.
Máu đặc biệt cần cho nhiều bệnh nhân. Vì thế, hiến máu để bệnh viện luôn có nguồn máu truyền cho bệnh nhân là một nghĩa cử cao đẹp và người hiến máu xứng đáng được tôn vinh.
Các đại biểu giao lưu với những cá nhân hiến máu nhiều lần và đại diện đơn vị cần máu.
Sự cần thiết của máu
BS. Nguyễn Văn Vĩnh- Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần 4.500- 5.000 đơn vị máu. Những năm có thiên tai địch họa thì nhu cầu về máu sẽ tăng, ngoài ra, còn bệnh nhân đi các bệnh viện khác nên tính chung nhu cầu máu khoảng 12.000- 13.000 đơn vị/năm. Các chứng bệnh rất cần máu như: suy tủy, ung thư máu, giảm tiểu cầu, tan máu bẩm sinh,…
Tuy nhu cầu vừa phải nhưng kéo dài suốt đời, nếu không có máu an toàn không thể đáp ứng nhu cầu cho người bệnh. Bên cạnh, những bệnh nhân bị tai nạn giao thông phải truyền nhiều máu, mỗi lần có thể trên 10 đơn vị.
Phải sống trong cảnh khó khăn, phải chứng kiến người thân người xung quanh cần máu thì mới hiểu được tầm quan trọng của máu hiến. Gia đình anh Đỗ Văn Đạt (Long Hồ) là một trường hợp như thế.
Vợ anh Đạt là chị Mai Ánh Tuyết bị bệnh cần truyền tiểu cầu thường xuyên. Hiện chị đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy chờ đợi tiểu cầu để tiếp tục mổ bàng quang. Anh Đạt nói trong nước mắt: “Truyền tiểu cầu quá nhiều lần rồi, tôi không nhớ nỗi nữa!”
Chị Nguyễn Hồng Như Thủy- người tham gia hiến máu 20 lần và từng được nhận máu trong một lần bị tai nạn giao thông. Chị Thủy nói: “Khi tôi cần truyền máu do tai nạn, tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa của hiến máu. Vì vậy, từ khi khỏe lại, tôi đã tham gia hiến máu đều đặn đến nay”.
Trong khi đó, em Nguyễn Huy Hoàng (Tam Bình) mắc bệnh tan máu bẩm sinh hàng tháng phải đi truyền máu 2 lần. Anh Nguyễn Văn Cường- cha Huy Hoàng- không giấu được nỗi buồn: “Từ nhỏ nuôi con không thấy lên ký, con tôi lại xanh xao, đi khám nhiều nơi mới phát hiện nó bị bệnh này. Nếu không được truyền máu thì không thể tiếp tục sống được”.
BS. Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cho biết: Máu hiến là máu tốt bởi những người tình nguyện hiến máu thường có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nên tổ chức nhiều nhóm, tổ tự nguyện hiến máu và sẵn sàng cho máu theo nhu cầu vừa chủ động nguồn máu vừa tránh lãng phí máu.
Chú Đoàn Văn Sáu: Tôi muốn góp chút sức mình cho xã hội
Chú Đoàn Văn Sáu được tôn vinh toàn quốc về việc có 31 lần hiến máu tình nguyện. Chú Sáu cười: “Năm nay tôi đã 58 tuổi rồi, nhưng khi nào người ta không chê thì tôi còn hiến máu”. Chú còn vận động cả gia đình hiến khoảng 70 đơn vị máu, rồi vận động thành lập CLB hiến máu tình nguyện của xã, sẵn sàng đi hiến máu khi bệnh viện cần. Mỗi năm chú vận động được hơn 100 người tham gia hiến máu tình nguyện. |
Những tấm lòng nhân hậu
Qua các cuộc vận động của BCĐ hiến máu tình nguyện, nhiều tập thể, cá nhân đã và sẵn sàng tham gia hiến máu. Bà Võ Thị Anh Thơ- Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết: Hàng năm, Công đoàn Viên chức đều lên kế hoạch để tham gia tốt phong trào hiến máu nhân đạo.
Nổi bật là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các cá nhân như Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh dù bận rộn nhiều công việc cũng tham gia hiến máu, ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã hiến máu 15 lần,…
Đông đảo bà con đăng ký hiến máu ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn).
Không chỉ hiến máu, anh Nguyễn Văn Nhân (xã Phước Hậu- Long Hồ) còn vận động gia đình hiến hơn 50 đơn vị máu. Bản thân anh đã 20 lần hiến máu. Anh Nhân cười cho hay: “Lần đầu tiên cảm thấy hơi sợ nhưng nghĩ đến sự cần máu của xã hội, mình thấy mạnh dạn hơn. Sau khi hiến máu, sức khỏe các thành viên gia đình đều rất tốt nên hăng hái tham gia”.
Chẳng những hiến máu trong những đợt phát động của xã, huyện, chú Đoàn Văn Sáu (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) còn “xách xe” đi hiến máu trên tỉnh, tại các huyện như Bình Minh, Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm mỗi khi có đợt.
Chú nói: “Thấy mình khỏe thì đi hiến thôi, chứ đợi phong trào hay người ta phát động thì mới đi, tôi không quen vậy!” Với chú Sáu, mỗi người có 1 cách riêng để góp phần mình cho xã hội, riêng chú “thời trẻ góp cách khác, già có cách góp khác”.
Xã Nhơn Bình (Trà Ôn) là một tập thể có nhiều cá nhân hiến máu và hiến máu nhiều lần. Hội Chữ thập đỏ xã Nhơn Bình có 1 đội hiến máu dự bị với 16 thành viên. Trong đó, có nhiều người hiến máu nhiều lần: Dương Bảo Quốc 18 lần, Đoàn Văn Sáu 31 lần, Nguyễn Văn Tư 14 lần, Nguyễn Hoàng Hà 17 lần, có 11 người hiến máu từ 9- 12 lần có 46 người hiến máu 5- 8 lần, có 32 cặp vợ chồng cùng hiến máu.
Chú Nguyễn Văn Bé Hai- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã nói: Có được thành tích trên là nhờ các hội viên ai cũng đồng lòng, cố gắng thực hiện tốt công tác dân vận cho người dân hiểu rõ lợi ích của hiến máu.
Bà Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng BCĐ Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cho rằng: “Tấm lòng quý báu của những người tham gia hiến máu tình nguyện đã góp phần cứu sống người bệnh. Hành động này đáng được xã hội tôn vinh và ghi nhớ”.
Phát biểu tại lễ tôn vinh người hiến máu, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nói: Hiến máu cứu người là một nghĩa cử đáng trân trọng không chỉ thể hiện tấm lòng cao cả của con người đối với con người mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thấm nhuần đạo lý truyền thống của dân tộc.
BCĐ Vận động hiến máu tình nguyện quốc gia đã trao kỷ vật cho 3 người có 30 lần hiến máu; 30 người hiến máu trên 20 lần; 6 gia đình hơn 20 lượt hiến máu trong tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2013, tỉnh Vĩnh Long đã có hơn 16.200 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện và đã tiếp nhận trên 10.550 đơn vị máu. 6 tháng đầu năm 2014, BCĐ vận động hiến máu tình nguyện nhận trên 6.200 đơn vị máu. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin