Đô thị ven sông tạo nên bản sắc riêng cho đô thị sông nước Vĩnh Long nhưng những ngôi nhà tạm cặp sông lại ẩn chứa hiểm họa khi sạt lở xảy ra.
Khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm tại bờ sông Long Hồ (Phường 1) đoạn từ chợ cá Vĩnh Long đến bến tàu khách. Hiện dãy nhà ven sông nơi đây đã bị nghiêng, rất nguy hiểm.
Đô thị ven sông tạo nên bản sắc riêng cho đô thị sông nước Vĩnh Long nhưng những ngôi nhà tạm cặp sông lại ẩn chứa hiểm họa khi sạt lở xảy ra.
Nguy cơ sạt lở cao
Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) TP Vĩnh Long, hiện TP Vĩnh Long có các khu vực nguy hiểm ở các vùng thường xảy ra sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ven sông, cửa sông có khả năng bão đổ bộ cần phải sơ tán dân.
Cụ thể là khu vực ven sông Tiền từ vàm sông Long Hồ (vàm sông chợ Vĩnh Long) đến rạch Cái Sơn Bé (Phường 5). Riêng đoạn từ rạch Cái Sơn Bé đến giáp xã Thanh Đức có nhiều nhà cấp 3 kém an toàn.
Khu vực ven vàm rạch Bình Lữ tại các đường Xóm Bún, Xóm Chài (Phường 2), từ vàm rạch Bình Lữ đến vàm sông Cái Cam (Phường 9) cũng còn khá nhiều nhà cặp sông. Các xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội đều có những khu vực sạt lở nguy hiểm cần di dời, sơ tán dân khi thiên tai xảy ra.
Được cho là vùng ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên tại các phường: 1, 3, 4 và 8 cũng có những khu vực ven sông người dân sống trong cảnh thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông.
Đáng kể nhất là khu vực chợ cá Phường 1, đoạn từ cầu Bạch Đằng đến bến tàu khách có trên 20 hộ dân sinh sống và buôn bán. Nhiều nhà đã bị nghiêng, nhiều khả năng xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ. Đánh giá của Ban Chỉ huy PCLB- TKCN TP Vĩnh Long, nếu xảy ra sạt lở thì khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nơi đây là rất cao.
Bà Lê Thị Mai- buôn bán gạo tại khu chợ Phường 1- cho biết, do sạt lở, nhà bị nghiêng, đã nhiều lần gia cố các trụ bê tông nhưng đến mùa mưa lũ thì cũng hồi hộp, có xây kè mới an tâm được. Còn ông Nguyễn Văn Phúc- chủ vựa trái cây gần đó- than: “Cũng lo lắm, nhưng đã sinh sống và buôn bán ở đây nhiều năm nên việc phải di dời đi nơi khác thì cũng không biết tính sao”.
Trong khi đó, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN TP Vĩnh Long xác định những khó khăn hiện nay của thành phố là còn thiếu phương tiện TKCN nên khi thiên tai xảy ra thì công tác này chưa kịp thời. Mặt khác, một số hộ dân vẫn còn chủ quan, chưa chủ động chằng chống nhà cửa trước mùa mưa bão cũng như di dời ra khỏi vùng nguy hiểm như khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Cương quyết di dời
Theo Ban Chỉ huy PCLB- TKCN TP Vĩnh Long, tình trạng sạt lở bờ sông cục bộ luôn diễn biến phức tạp. Do đó, cần đầu tư xây kè kiên cố mới đảm bảo an toàn, tuy nhiên việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Trước mắt, chính quyền địa phương rà soát kỹ từng trường hợp có nguy cơ cao để sắp xếp bố trí tái định cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, đồng thời vận động người dân phối hợp cùng lực lượng tại chỗ gia cố những điểm xung yếu để hạn chế những thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Điểm sạt lở nguy hiểm tại Khóm 6 (Phường 5).
Kiểm tra công tác PCLB tại TP Vĩnh Long gần đây, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh, chỉ đạo TP Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng phương án di dời dân cư ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Nếu không cương quyết thì người dân tiếp tục ở lại, nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân khi có sạt lở.
Cũng tại buổi làm việc này, TP Vĩnh Long kiến nghị sớm xây dựng một số tuyến kè như: kè sông Cổ Chiên khu vực Khóm 6 (Phường 5), kè sông Long Hồ phía Phường 1, đoạn từ chợ cá Vĩnh Long đến bến tàu khách, kè sông cầu Lộ phía Phường 2, đoạn từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ,…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở bờ sông, những kiến nghị của TP Vĩnh Long là xác đáng. Tuy nhiên, theo ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh, trong lúc chờ đợi những dự án trên được đầu tư thì trước mắt địa phương cần chủ động xây dựng phương án bảo vệ tài sản tính mạng người dân.
Việc làm này là cấp thiết bởi nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ rất cao, khả năng gây chết người ở những khu vực tập trung đông dân cư là rất lớn.
Trong khi tình trạng này đã kéo dài qua nhiều năm, nay cần phải cương quyết hơn nữa, khi đã thực hiện xong các bước như vận động, khuyến cáo, ký cam kết, lập biên bản từng hộ thì việc cưỡng chế di dời cần được tính đến.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin