Nâng bước những chồi non

06:06, 01/06/2014

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước. Việc nuôi dưỡng, chăm lo cho các em là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Hiểu được điều này, Đảng, Nhà nước ta và các tổ chức xã hội luôn quan tâm cho các em thêm vững bước đến trường, đến một ngày mai tươi sáng hơn.

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước. Việc nuôi dưỡng, chăm lo cho các em là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Hiểu được điều này, Đảng, Nhà nước ta và các tổ chức xã hội luôn quan tâm cho các em thêm vững bước đến trường, đến một ngày mai tươi sáng hơn.

Những phần quà nâng bước học sinh nghèo đến trường. Ảnh: CAO HUYỀN

Giúp em thêm vững bước

Đó không phải là nhiệm vụ của riêng các cấp hay ngành nào, mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Thực tế, ngày càng có nhiều hoạt động quan tâm và chăm lo tới các em. Trong năm 2013, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà vào đầu năm học mới, miễn giảm học phí.

Vĩnh Long có 4 trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em mồ côi, bỏ rơi và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (52 trẻ mồ côi), Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại chùa Giác Thiên, Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại nhà riêng bà Nguyễn Ngọc Điểu, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Suối nguồn tình thương (15 trẻ mồ côi).

Ngoài ra còn có một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, HIV,… tổ chức dạy tại Phường 8 (TP Vĩnh Long). Sở Lao động- Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo cùng ngành y tế khám sàng lọc trẻ em bị tim bẩm sinh.

Bên cạnh, việc chăm lo đời sống tinh thần cho các em cũng được các cấp lãnh đạo, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm: những buổi trao quà cho trẻ em nhân Tết Nguyên đán, Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi,… được tổ chức rộng khắp.

Là ngôi trường có nhiều học sinh (HS) nghèo, nhưng Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) luôn vận động được nguồn xã hội hóa cao. Cô Phó Hiệu trưởng Lý Thị Kiều phấn khởi: “Hàng năm, các em đều được trao quà và tập sách đủ xài cho cả năm. Ngoài ra, những em khó khăn còn được nhận học bổng. Số tiền nhận được từ công tác xã hội hóa năm nay khoảng 30 triệu đồng”.

Song song đó, có nhiều hoạt động cho trẻ em nghèo vui chơi, giải trí như trại hè thiếu nhi hay đưa các em đi du lịch Đầm Sen,... Em Nguyễn Thị Thanh Tú- Trường THCS Hồ Đức Thắng (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) hí hửng: “Chưa bao giờ con được đi chơi vui như hôm nay. Nghe tin được đi chơi Đầm Sen, con đã không ngủ được!”

Theo ông Nguyễn Văn Lành- Trưởng Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh: “Việc chăm sóc trẻ em ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, các em cần được giúp đỡ, hỗ trợ để vượt qua được những khó khăn về tinh thần và vật chất, có thêm nhiều niềm tin vào cuộc sống”.

Chăm chút những “chồi non”

Để những “chồi non” phát triển toàn diện cần sự giáo dục đúng đắn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tế cho thấy số lượng trẻ em vị thành niên phạm tội ngày càng nhiều với những hành vi côn đồ như cướp giật thậm chí giết người. Bên cạnh, có những gia đình vì chút lơ là mà gây ra tai nạn thương tích dẫn đến tử vong hoặc thương tật suốt đời cho trẻ.

Chuyến tham quan Công viên văn hóa Đầm Sen 2014 mang lại niềm vui cho nhiều trẻ em nghèo. Ảnh: THÚY QUYÊN

Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Có thể nhận thấy, những trẻ em vị thành niên phạm tội đa phần có sự giáo dục không tốt từ gia đình hoặc gia đình tan vỡ. Môi trường sống xung quanh có tác động trực tiếp đến tâm lý của trẻ, môi trường sống lành mạnh trẻ sẽ có tâm hồn trong sáng và học tập tốt hơn.

Bên cạnh, các đề án chương trình hành động của giáo dục cũng góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cho các em. Đề án vừa mới đạt giải của Sở GD- ĐT Vĩnh Long: “Tăng thông tin, nâng trách nhiệm, tạo minh bạch cho học sinh” được triển khai thực hiện trong năm học sắp tới góp phần giáo dục nhân cách cho trẻ em.

Đây là đề án mở rộng dựa trên đề án P06 “Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho HS tiểu học”. Qua đó, theo ông Trần Hoàng Túy- tác giả 2 đề án trên- là đã hình thành được những đức tính tốt cho HS tiểu học nên chúng tôi quyết định mở rộng Đề án đến HS ở THCS và THPT.

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Điển hình trong phong trào này là Trường THPT Vĩnh Long. Thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng cho rằng: Phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường, giúp HS yêu trường, ham học hơn,… Bằng những khẩu hiệu, phương pháp đơn giản, nhẹ nhàng mà vô cùng hiệu quả đã nâng cao nhận thức cho các em.

Trẻ em là nguồn nhân lực của tương lai, chăm sóc trẻ em hôm nay chính là tạo nên sự phát triển bền vững ngày mai. Tin rằng, với chủ đề “Hành động về một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” trong tháng hành động vì trẻ em năm 2014 sẽ được mọi người cụ thể bằng những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa.

Tỉnh có 213.966 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 22,93% tổng số dân số, 5.768 em có hoàn cảnh đặc biệt, 25.521 em sống trong các hộ gia đình nghèo và 30.012 em sống trong các hộ gia đình cận nghèo.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013- 2020. Đề án này nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.


CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh