Hiến đất, góp công xây dựng nông thôn

07:06, 06/06/2014

Bằng kinh nghiệm, vốn sống và uy tín của mình, tập thể Hội Người cao tuổi (NCT) xã Hòa Bình (Trà Ôn) đã phát huy tinh thần “tuổi cao, chí càng cao”, nêu gương sáng trong hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bằng kinh nghiệm, vốn sống và uy tín của mình, tập thể Hội Người cao tuổi (NCT) xã Hòa Bình (Trà Ôn) đã phát huy tinh thần “tuổi cao, chí càng cao”, nêu gương sáng trong hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới (NTM).


Hiểu được lợi ích công trình mang lại, người cao tuổi tiên phong trong hiến đất và vận động người dân cùng tham gia.

Làm nòng cốt trong vận động

Đến xã Hòa Bình trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, ngay cả vùng Bưng Sẩm (ở ấp Hiệp Thuận, Hiệp Lợi, Hiệp Hòa), trước đây toàn vắt, đỉa, đầm lầy thì giờ đây được thay thế bằng đường nhựa láng o, đèn điện mỗi đêm thắp sáng trưng trên khắp các nẻo đường.

Theo ông Nguyễn Văn Chính- Chủ tịch Hội NCT xã: Thành quả như ngày hôm nay, phải kể đến vai trò làm nòng cốt của NCT đã được BCĐ xây dựng NTM xã xác định làm “đòn bẩy” để vận động người dân cùng hiến đất, hiến công làm đường và các công trình thủy lợi nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Bé- Chi hội trưởng Chi hội NCT ấp Tường Thạnh cho biết: Đa số NCT có nhiều kinh nghiệm, có vốn sống, uy tín, nên lời nói cũng có “trọng lượng” hơn vì được hàng xóm, láng giềng tin cậy. Chỉ cần các cụ cùng vào cuộc thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.

Ngay khi có chủ trương làm kinh nội đồng xả phèn, có thể đảm bảo tưới tiêu cho 65ha lúa ở ấp Tường Thạnh, cụ Lê Văn Tấn- có đất nằm ở đầu kinh, cũng là người đầu tiên cầm viết ký tên cái rột, hiến hơn 500m2 đất ruộng để các hộ khác tiếp tục đồng tình, hưởng ứng. “Đây là công trình tập thể và lợi ích cho mình nên không tiếc được”- cụ khẳng khái nói.

Điều đáng mừng là khi công trình làm tới đâu, các cụ đều sẵn lòng giao đất, tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công, thậm chí có 11 hộ đang chuẩn bị thu hoạch lúa vụ Đông Xuân cũng giao luôn đất, như cụ Nguyễn Văn Bé đã “nêu gương” hiến trên 300m2 đất, dù tổng diện tích chỉ có 4 công, nhưng vì muốn “hoàn thành cho xong công trình bức xúc của địa phương” nên ông phải tiên phong giao đất ngay.

“Đất đai là tài sản gắn liền như “khúc ruột” của nhà nông, khi công trình được hoàn chỉnh, ai cũng mừng vì năng suất lúa “nhảy vọt”, có khi tăng gần cả chục giạ/công”- ông Bé cười đắc chí.

Ông kể, ngày xưa làm lúa Đông Xuân trúng lắm là 35 giạ/công, thế nhưng vụ rồi tui làm được khoảng 40 giạ/công. Đặc biệt là năng suất lúa cả 3 vụ không “xê dịch” nhiều, nên ai cũng phấn khởi.

Việc khó đã có các cụ lo

Không chỉ đi đầu trong nêu gương, vận động, các cụ còn là những “chuyên gia” gỡ khó. Việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng lắm chuyện vui.

Kinh nghiệm của ông Bé là phải “lắng nghe, thấu hiểu, để gỡ rối kịp thời”, như trường hợp của ông Ba Bê. Tuy đồng ý hiến đất làm kinh nội đồng, nhưng nhất định không chịu cho máy đi qua vì sợ... sập cái chòi. Rồi, 2 hộ kề bên cũng tiếp tục... gây khó. Có lúc, tưởng như công trình phải chựng lại.

Thế là, các cụ đưa ra hiến kế: cơ cấu ông Ba Bê vào làm thành viên Ban Giám sát công trình. Quyết định có phần “táo bạo” này lại có hiệu quả tích cực. Hàng ngày ông Ba Bê đều làm rất tốt phần việc được phân công là giám sát, xem máy có... ăn gian không.

Thấy ông làm có lý, những hộ trước đây không đồng ý cho công trình thi công, giờ cũng gật đầu cho làm luôn. Khi công trình hoàn thành, có lẽ ông Ba Bê là người vui mừng hơn ai hết vì không chỉ được hưởng lợi ích từ công trình mang lại mà nhân ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ông còn được UBND xã tặng giấy khen.

Là bậc cao niên, dày dặn kinh nghiệm trong “đối nhân, xử thế” nên trước những việc khó, các cụ đã đưa ra những giải pháp hợp tình, hợp lý.

Ông Bé kể: Khi nghe chủ nhà than vãn “dỡ nhà mà không có ai làm”. Thế là, các cụ không ngần ngại lên tiếng “bên đây sẽ vô phụ”. Thế nhưng đến ngày chi hội cùng mọi người tới giúp thì đã dỡ nhà xong rồi. Chủ nhà lại cười hề hề “nếu để dẫn người vô, thì mọi người coi tui ra gì”.


Qua nghe người cao tuổi vận động hợp tình hợp lý, anh Huỳnh Văn Mười (bìa trái) đã cắt đất cho em trai dời nhà.

Cũng bởi cách làm “nêu gương” của các cụ, mà con cháu rất đồng tình khi hiểu được lợi ích của công trình mang lại, cũng như cần phải đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Như anh Huỳnh Văn Út (ấp Hiệp Lợi)- con cụ Huỳnh Văn Thể, cũng đã noi gương cha “địa phương vận động cái gì cũng làm tốt”. Đặc biệt, khi cụ còn sống cũng đã hiến gần 4.000m2 để làm các công trình dân sinh.

Cách nay hơn 1 năm, khi công trình đường giao thông ấp Hiệp Lợi được đầu tư mở rộng đi ngang qua hết nữa cái nhà của anh Út.

Qua nghe các cụ vận động, anh cũng gật đầu, nhưng do gia cảnh khó khăn, không có đất để di dời, chỉ còn mỗi cái mương nhỏ do cha để lại. Giải pháp “gỡ rối” là các cụ đã vận động anh Huỳnh Văn Mười- anh ruột- cho anh Út liếp đất trồng dừa, cùng với đó là bên công trình cũng đã san lấp cái mương để anh có chỗ di dời và hỗ trợ anh dời nhà.

Nhờ cách làm “khó đến đâu, các cụ vào gỡ rối đến đó” mà công trình có thể thi công được thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Chính- Chủ tịch Hội NCT xã: Năm 2014, Đảng ủy xã chỉ đạo quyết liệt tập trung xây dựng giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng. Trong đó, giao NCT làm nòng cốt trong công tác vận động. Thông qua việc tuyên truyền chiều rộng lẫn chiều sâu, có 100% cán bộ, hội viên đăng ký tham gia phong trào thi đua xây dựng NTM.

Đến nay, có 342 NCT hiến trên 110.000m2 đất để làm đường nhựa giao thông nông thôn và đê bao khép kín với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Với cách làm “nêu gương”, tập thể NCT xã Hòa Bình vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Trung ương Hội NCT tuyên dương điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM.


Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh