Mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT

07:06, 24/06/2014

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp lần thứ 7 (Quốc hội khóa XIII). Có một số điểm mới được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng mở rộng cho các đối tượng thụ hưởng cũng như các chính sách trong khám chữa bệnh (KCB) và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.


Quy định mở thông tuyến KCB trong Luật BHYT mới sẽ tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp lần thứ 7 (Quốc hội khóa XIII). Có một số điểm mới được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng mở rộng cho các đối tượng thụ hưởng cũng như các chính sách trong khám chữa bệnh (KCB) và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Mở rộng quyền lợi người thụ hưởng

Về cơ bản, so với Luật BHYT hiện hành (năm 2008), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã sửa đổi, bổ sung những chính sách quan trọng nhằm bảo đảm và mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT.

Cụ thể, tiếp tục khẳng định chính sách BHYT toàn dân, quy định BHYT là bảo hiểm bắt buộc và khuyến khích việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Luật đã bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT đó là: người đang tại ngũ trong quân đội; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Bổ sung một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT đó là: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống không phải cùng chi trả với thân nhân của người có công với cách mạng; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Người có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được hưởng 100% chi phí KCB, trừ trường hợp tự đi KCB.

Ngoài ra, quân nhân tại ngũ được đảm bảo KCB không mất tiền; trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. Bỏ quy định BHYT không chi trả với trường hợp tự tử, tự gây thương tích, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... (những trường hợp trên sẽ được quỹ BHYT chi trả).

Kể từ ngày 1/1/2016, mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh, nghĩa là người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở KCB tuyến xã, huyện hoặc tương đương.

Mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo (được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú khi tự đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương).

Từ ngày 1/1/2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với trường hợp điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương đối với người tham gia BHYT tự đi KCB, nghĩa là người tự đi điều trị tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú), riêng đối với tuyến trung ương thì nâng mức hưởng lên 40%.

Quỹ BHYT sẽ được quản lý tập trung, thống nhất

Theo Luật BHYT hiện hành là phân bổ 90% số tiền đóng BHYT cho KCB và 10% cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ BHYT. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện cho thấy, quy định này phù hợp với thực tế nên vẫn giữ nguyên.

Riêng phần 10% dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ BHYT, luật quy định dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng; đối với phần chi phí quản lý quỹ BHYT sẽ thực hiện theo quy định của Luật BHXH, vì hiện nay BHXH Việt Nam được giao trách nhiệm quản lý chung cả quỹ BHXH và quỹ BHYT.

Về quản lý quỹ BHYT, luật đã chỉnh lý theo hướng các tỉnh- thành có số thu BHYT dành cho KCB lớn hơn số chi KCB trong năm thì phần kinh phí chưa sử dụng hết được phân bổ theo lộ trình:

từ ngày luật này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020, 20% để lại tại các địa phương cho các địa phương chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng việc KCB thông tuyến ở địa bàn tỉnh; từ ngày 1/1/2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, để tiếp tục đảm bảo công bằng, giảm chênh lệch mức tiếp cận chính sách an sinh xã hội giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, phần ngân sách nhà nước dành cho y tế hàng năm phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo...

Sẽ phạt bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng nếu chậm đóng BHYT

Theo đó, cơ quan, tổ chức không đóng, chậm đóng BHYT cho người lao động phải đóng đủ số tiền và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính.

Nếu không, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
 
Đồng thời, phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh