
Thời chiến, những người lính cụ Hồ đã anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành lại độc lập. Thời bình, trở về cuộc sống đời thường, mang trong mình vết thương chiến tranh, những người thương binh này lại tiếp tục đấu tranh trên trận tuyến “diệt giặc đói” và đóng góp cho công cuộc đổi mới quê hương.
Thời chiến, những người lính cụ Hồ đã anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành lại độc lập. Thời bình, trở về cuộc sống đời thường, mang trong mình vết thương chiến tranh, những người thương binh này lại tiếp tục đấu tranh trên trận tuyến “diệt giặc đói” và đóng góp cho công cuộc đổi mới quê hương.
“Chân cứng đá mềm”
Ông Giang (phải) đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường miền Nam, cũng là lúc ông Thạch Giang tham gia làm du kích xã Tân Mỹ (Trà Ôn) khi chỉ mới 14 tuổi.
“Không chịu nổi cảnh áp bức, bạo tàn của quân giặc, cả gia đình tôi có đến 3 đời cùng tham gia cách mạng với quyết tâm sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, mong có ngày quê hương được thanh bình”- ông Thạch Giang tâm sự.
Năm 1973, khi đánh vào Cầu Mới (Mang Thít), ông bị thương nặng và trở thành thương binh 3/4. Tuy không thể tham gia trực tiếp chiến đấu, nhưng ông vẫn tiếp tục phục vụ cho quân đội. Đến năm 1982, ông xuất ngũ trở về với vết thương chiến tranh vẫn còn âm ỉ hành hạ...
Cảm phục anh “bộ đội cụ Hồ” giàu lòng yêu nước, lại chất phác, siêng năng, bà Thạch Thị Được (ấp Tổng Hưng, xã Loan Mỹ- Tam Bình) đã cùng ông kết tóc xe duyên. Từ đó, ông về sống ở quê vợ và ra riêng với 2 công đất.
Khi 4 người con lần lượt ra đời, thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào cây lúa nên cuộc sống khá chật vật. Khó khăn chồng chất khi vợ ông lâm trọng bệnh. Thế là, ông phải gồng gánh đi làm thuê, làm mướn, có khi phải theo máy suốt lúa của chủ ở các tỉnh xa.
Năm 1999, từ các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc, ông được vay vốn ưu đãi tổng cộng 20 triệu đồng để chăn nuôi bò. “Mỗi ngày, tui phải cuốc bộ cả chục cây số để cắt cỏ và vác trên vai đến 40kg cỏ vì không có tiền mua xe chở”- ông Thạch Giang kể.
Là thương binh mang vết thương ở đầu, thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, lại còn 2 mảnh đạn nằm trong phổi và đùi, thì đây là cả nghị lực phi thường để ông tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ vượt qua nghèo đói và bệnh tật.
Năm 2003, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ tôn và cây, đội Công tác CT12 tỉnh giúp ông sửa lại căn nhà. “Tôi rất mừng vì được đồng đội quan tâm trong những lúc khó khăn nhất. Đây chính là động lực giúp tôi tiếp tục vượt khó”- ông Thạch Giang bồi hồi nhớ lại.
Qua nhiều năm làm lụng cật lực, ông trả hết nợ, bệnh tình vợ thuyên giảm, các con giờ đã trưởng thành, phụ giúp ông vơi đi gánh nặng và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện, ông trồng cỏ quanh nhà nuôi bò và nhân giống bò lai sind để nâng cao chất lượng đàn bò. “Tôi vẫn chọn nuôi bò vì nó đã giúp tôi vượt qua nghèo khó”- ông Thạch Giang tâm sự.
Gần đây, ông còn hiến 323m2 đất để làm tuyến đê bao kinh 19 Tháng 5. Hỏi ông có tiếc, ông nói: “Tiếc gì? Có được con đường đi lại dễ dàng, tui mừng lắm. Qua gần 40 năm được sống thanh bình, đối với tui không có gì quý bằng khi thấy nông thôn ngày càng đổi mới”.
Nghị lực thương binh
Ông Phan (trái) dự kiến sẽ thành lập công ty và mở rộng thị trường tiêu thụ bún.
Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Đồng Lý (Lý Nhân- Hà Nam), năm 1974, chàng thanh niên 19 tuổi Phạm Nhật Phan đã xin đi bộ đội vào chiến trường miền Nam. “Khi đất nước chìm trong máu lửa, thanh niên ngoài Bắc chúng tôi, ai cũng háo hức đi, nếu không đi được thì buồn tủi lắm”- ông Phan nhớ lại.
Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông tiếp tục công tác trong quân đội và tình nguyện sang chiến trường K (Campuchia) làm nghĩa vụ quốc tế. Năm 1983, trong một trận đánh vào mỏ đá ở Battambang, ông bị thương nặng (mất đi một mắt, nứt một phần hộp sọ, cùng phần miểng phía sau đầu và mảnh đạn nằm trong đùi phải).
Bị mất sức lao động 85%, trở thành thương binh 1/4, ông phục viên với cấp hàm thượng úy. Ra quân, ông được Quân khu 9 cấp cho 1,5 công đất ao đầm ở ấp Đông Thuận (xã Đông Bình- Bình Minh, nay là phường Đông Thuận- TX Bình Minh).
“Lúc đó, xung quanh đều là mương sâu cỏ lác, vợ chồng tôi phải đi làm thuê để có tiền lấp dần ao đầm”- ông kể. Được đồng đội hỗ trợ 500.000đ vốn, ông quyết định đầu tư nuôi heo. Vậy là nấu rượu lấy hèm, rồi làm bánh mì, làm tàu hủ, bún để lấy cặn thừa làm thức ăn cho heo. Từ 2 con giống, đàn heo của ông lên đến cả chục con nái, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Ông nói: “Cũng nhờ tôi được học lớp chế biến lương thực- thực phẩm trong quân đội”.
Cách nay 3 năm, ông đầu tư máy sản xuất bún tự động, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, lại ít cặn, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 700- 800kg bún, thu lời trên 300.000đ.
Ông tâm sự: Vợ và các con đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Hội Cựu chiến binh xã cũng đã 3 lần hỗ trợ vốn để tôi làm kinh tế. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp tôi vượt qua khó khăn. Ông đang ấp ủ dự định mở công ty TNHH MTV chuyên sản xuất bún. Dự kiến, cung cấp ra thị trường 3- 4 tấn bún/ngày; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các chợ lớn và siêu thị.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX Bình Minh Bùi Trọng Ghi cho biết: Ông Phan không chỉ là tấm gương thương binh vượt khó, chí thú làm ăn mà còn nhiệt tình tham gia đóng góp phong trào kéo điện thắp sáng và làm đường giao thông nông thôn tại địa phương.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin